Người lính biên giới giữ kỷ lục về số người xem trong Gala Giai điệu tự hào

29/01/2017 10:50 GMT+7

Theo Gala Giai điệu tự hào , những bài hát về người lính biên giới hiện giữ kỷ lục về số lượng người xem trong các chương trình của Giai điệu tự hào của năm 2016.

Người tổ chức sản xuất Đặng Diễm Quỳnh cho biết đến đêm Gala Giai điệu tự hào phát tối mùng 1 Tết, Chiều biên giới là chương trình giữ kỷ lục người xem của chuỗi chương trình âm nhạc này trong năm. Đây là chương trình với những câu chuyện về người lính biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam.
Lý giải về điều này, nhạc sĩ Trương Quý Hải - cũng là một người lính biên giới phía Bắc năm nào cho biết: “Với tôi, Chiều biên giới có cái chung và cái riêng. Cái chung là có nhiều người chia sẻ. Nhưng cái riêng là những chia sẻ tâm sự của những người lính chúng tôi. Đồng đội tôi tâm sự, qua Hải chúng tôi mới biết những người làm Giai điệu tự hào cũng không khác gì cánh lính chúng ta cả. Có những chương trình quay từ sáng sớm đến tận đêm. Từ đó, có kết nối sẻ chia của số tháng 7 Chiều biên giới. Bây giờ có người tìm hiểu lịch sử qua tư liệu, nhưng lịch sử qua âm nhạc thì đến rất mạnh và xúc cảm về nó thì rất thực”.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải và Thế Hiển hát Xin hát mãi về anh
Cũng chính vì thế, tại đêm Gala Giai điệu tự hào, ông Hải lại tiếp tục hát Xin hát mãi về anh cùng với nhạc sĩ Thế Hiển. Khi ông hát, cảm giác rất nhiều kỷ niệm xưa ùa về và ông đã phải kiềm chế để không khóc. Và cho tới câu “Nặng tình non sông, anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân”, ông Hải nhắm nghiền mắt lại. Một người lính cùng lên sân khấu khi ấy đã đặt bàn tay lên vai ông như một lời chia sẻ đồng đội, với ông Hải và cả với những người đã dành tuổi trẻ của mình trong cuộc chiến.
Không chỉ ông Hải và đồng đội mình, có nhiều người đồng đội khác đã tìm thấy nhau qua chương trình Giai điệu tự hào. Ông Nguyễn Văn Mĩ, một cựu chiến binh ở Bắc Giang đã nhìn thấy và tìm thấy đồng đội khi xem chương trình này. Cuộc hội ngộ sau hàng chục năm cuối cùng cũng đã đến nhờ mối duyên của Giai điệu tự hào. “Những chương trình gần đây chúng tôi xem trực tiếp và cùng ngồi bên nhau”, ông Lê Xuân Long, Hội hữu nghị Việt Lào, Tuyên Quang chia sẻ.
Bà Diễm Quỳnh cho biết, khi tổ chức sản xuất Giai điệu tự hào, người làm chương trình muốn mang đến những giai điệu âm nhạc thật đẹp, thật ý nghĩa. “Nhưng có một cái đến sau là, nó đem đến cả một chân trời câu chuyện mới. Những câu chuyện đó đẹp không kém gì về âm nhạc”, bà Quỳnh nói. Đó chính là những câu chuyện như cuộc hội ngộ của những người cựu chiến binh, chuyện về những bài hát từng bị hiểu lầm, hay nỗi mừng khôn tả của một bài hát từng bị cấm hát 40 năm dài Ly rượu mừng.
Gala Giai điệu tự hào cũng là câu chuyện về sự kết nối nhiều thế hệ. Nói cho cùng đó là một chương trình ca khúc chính trị nhưng mang màu sắc giải trí thanh tân, đủ tình tứ mà vẫn nghiêm cẩn, đủ mới mẻ và không bước qua quá khứ. Một tinh thần sẻ chia gắn kết khá hiếm gặp đã được giữ mạch đều qua một năm. “Âm nhạc Giai điệu tự hào năm nay chủ đề biên giới hay thành phố đều có phối khí mới. Chương trình như một người khách lạ rất quen hay một người khách quen rất lạ. Phiên bản 2016 là phiên bản để nhiều người háo hức”, nhạc sĩ Thế Hiển nói.
Gửi lại em kể lại câu chuyện những người lính sinh viên đã lên đường như thế nào
Giai điệu tự hào cũng không quên kể về những vùng quê, Hà Tây quê lụa là một trong số câu chuyện đó
Những người khách quen rất lạ đó trong Gala là sự lãng mạn rất tình của Khánh Linh với Bài ca hy vọng. Giọng hát dày của cô không chỉ đẹp duy mỹ, nó còn ánh lên tinh thần lạc quan. Chỉ có tinh thần đó mới lý giải được vì sao bao lớp người đã dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến không toan tính như vậy. Cũng còn cả chất dân ca đậm đà trong Hò biển. Dường như không phải ca sĩ, mà chính những người dân biển đã bước lên sân khấu để hát về tình yêu biển quê hương của chính mình. Ai mà quên được mối tình từ hai bờ chiến tuyến đậm nắng trong Gửi người em gái miền Nam qua giọng hát Tấn Minh. Khán giả càng khó mà không nhớ đến nhịp Bước chân trên dải Trường Sơn qua nhịp rock dồn dập. Cầu nối thế hệ đã được lập không gì chắc chắn hơn với Ơi cuộc sống mến thương, khi cả rap cũng tham gia vào giai điệu đã quá quen thuộc từ thời ông bà của Kimmesse… Trải qua nhiều thời kỳ âm nhạc, không bao giờ Giai điệu tự hào quên làm mới từng nốt nhạc, lời ca với một tinh thần thời đại. 
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, cố vấn của chương trình cho biết: “Làm một chương trình thuần túy nghệ thuật đã khó, mà làm chương trình có tính chính trị mà hay còn khó hơn. Sau Chiều biên giới, tôi nhận được nhiều tin nhắn rằng nên có những chương trình có tính giáo dục như thế…”.
Giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương của chương trình
Ngũ cung thổi tinh thần rock vào Bước chân trên dải Trường Sơn
Các ca sĩ trẻ vui mừng vì được hát những bài hát từng thuộc lòng với tinh thần khác
Nỗi nhớ mùa đông qua giọng hát Phương Anh
Bám biển quê hương cũng là một chương trình nhiều người xem

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.