>> NGUYÊN VÂN

Đang là chủ một công ty truyền thông có tiếng VN, Võ Thành Trung (Trung Võ) mạo hiểm khai phá mảng trống nhiều tiềm năng của thị trường du lịch mà theo anh vắng bóng các sản phẩm văn hóa Việt. Đến giờ anh cùng các cộng sự có những “thương hiệu” ghi dấu ấn trong nước và thế giới như: À Ố Show, Làng tôi, Teh Dar

Võ Thành Trung cũng là nhân vật khách mời cho buổi Đối thoại trẻ tại Cà phê thứ 7 trẻ (TP.HCM) ngày 21.7, để chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp.

Anh muốn truyền cảm hứng về điều gì nhất trong buổi nói chuyện này?

Tôi sẽ cố gắng mô tả bối cảnh bắt buộc chúng tôi cần phải thành công để kinh doanh sản phẩm văn hóa du lịch. Bối cảnh đó gồm 4 nhóm nhân tố: nghệ sĩ, người đầu tư sản xuất, nhóm thực thi chính sách, nhóm người thụ hưởng và chi trả.

Về nghệ thuật truyền thống thì 4 nhóm nhân tố này gần như mạnh ai nấy làm, cùng lắm là 2 nhóm kết hợp nhau mà cũng rất ngắn hạn. Ví dụ nhà nước (nhóm thực thi chính sách) đặt hàng nghệ sĩ làm chương trình lễ hội văn hóa truyền thống, tác giả không đặt người thụ hưởng là trọng tâm để sáng tạo, mà đặt đề bài làm trọng tâm. Vì lẽ đó, người thụ hưởng được cho gì xài nấy mà không được tìm hiểu về nhu cầu.

Mối quan hệ giữa 4 nhóm đó là mối quan hệ rất khó, nhưng có vẻ đang dần có cơ sở để tạo mô hình, mà trong các sản phẩm chúng tôi - Lune Production đang làm có thể ví dụ, chứng minh được rằng mô hình này có khả năng thành hiện thực, dù vô cùng gian nan.

Cơ sở nào khiến anh và cộng sự có niềm tin để duy trì vận hành mô hình đó, khi đầu tư cả triệu USD vào vở diễn mà không biết khi nào hoàn vốn?

Nói về đầu tư, trước tiên phải nhìn vào thị trường, vào nhu cầu nhóm thụ hưởng và chi trả. Để đảm bảo sự đồng ý đầu tư với nhau thì phải thu nhỏ thị trường mình nhắm tới, xác định nhu cầu đó là nhu cầu chắc chắn. Thị trường chúng tôi đặt ra là du lịch, trong du lịch lại hẹp nữa - chỉ có một số quốc gia mà du khách thường quan tâm đến văn hóa bản địa. Khi tính được dung lượng đó so với số tiền đầu tư, cân đối xem khả năng số lượng khách mua vé có hoàn vốn được không, mới quyết định đầu tư.

Đó là VN, còn thị trường nước ngoài thì sao?

Khi lưu diễn, các đối tác châu Âu, Úc… phụ trách phần bán vé. Mô hình chúng tôi đang làm ở nước ngoài có 2 dạng: một - thường dành cho lưu diễn dài ngày, là cộng toàn bộ doanh thu, trừ đi toàn bộ chi phí, lấy lợi nhuận chia cho mình và đối tác, nếu lỗ thì đối tác chịu hoàn toàn; hai - áp dụng đi ngắn ngày, mình và đối tác thống nhất một mức giá, đảm bảo mình có lợi nhuận phù hợp. Vì vậy, ra thế giới có 2 điểm rất hay: thu nhập của diễn viên tăng đáng kể và chắc chắn không lỗ.

Có sự khác nhau nào giữa điều kiện trong và ngoài nước khi tổ chức biểu diễn?

Điểm khác biệt lớn, là những đợt lưu diễn thế giới chúng tôi đều đi vào hệ thống nhà hát, vì lẽ đó chương trình của mình là chương trình nghệ thuật. Trong khi ở VN, vì nhắm đến thị trường du lịch, nên với khách du lịch, họ coi là chương trình giải trí. Nghệ thuật với giải trí không mâu thuẫn gì nhau, nhưng về mức độ nghệ thuật thì đối tượng giải trí không kỳ vọng cao, mà xem với sự thoải mái. Còn khán giả nước ngoài, yếu tố nghệ thuật là quan trọng.

Sản phẩm của Lune có điểm đặc biệt, là ngay từ đầu khi chúng tôi làm việc với nhóm tác giả (nghệ sĩ Tuấn Lê, Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân Maurice, Nguyễn Tấn Lộc, Ngô Thanh Phương…), đó thực sự là những người làm nghệ thuật. Vì vậy sản phẩm họ tạo ra phù hợp cho cả bên ngoài (khi lưu diễn) và vẫn đáp ứng cả trong nước (khách du lịch đến VN).

Nói đến nhóm tác giả, trước khi Lune thành lập đã có Làng tôi, thành công của Làng tôi trên thế giới có phải là lợi thế để quảng bá các sản phẩm sau đó của Lune?

Tôi có duyên xem được đêm phúc khảo Làng tôi từ 2004, nhưng ấn tượng từ đêm đó không mất đi, đến khi chúng tôi nghĩ đến việc cần tìm mô hình tác phẩm đáp ứng cho thị trường du lịch, lập tức chúng tôi đi tìm nhóm tác giả ấy. Khi xem lại, tôi thấy đây đúng là mô hình sản phẩm mình cần, nhưng nó đang thuộc về người khác…Vậy nên À Ố Show mới là sản phẩm đầu tiên chúng tôi với nhóm tác giả này hợp tác với nhau. Đó là tác phẩm không chỉ có xiếc tre mà có múa, âm nhạc, có yếu tố kịch vì có đường dây câu chuyện.

Thuận lợi mỗi nơi mỗi khác, nước ngoài thì là thương hiệu; VN là mô hình sản phẩm, còn thương hiệu ở VN thì chúng tôi phải xây từ đầu.

Còn vở múa đương đại Sương sớm của Arabesque, vì sao trở thành một tác phẩm hợp tác với Lune Production?

Có 2 yếu tố: anh Tấn Lộc là đồng tác giả của Làng tôi, À Ố Show; Sương sớm là tác phẩm của Arabesque mà anh Lộc cũng đồng tác giả với nghệ sĩ Ngọc Anh, Tố Như… Chúng tôi có nhu cầu rất quan trọng là phải đa dạng hóa chương trình nếu muốn diễn ở Nhà hát TP.HCM, thêm nữa là À Ố Show bắt đầu lưu diễn. Khi lưu diễn, thị trường VN vẫn cần có sản phẩm, vì không thể ngưng phục vụ du lịch được. Vậy nên chúng tôi có giải pháp: đưa Sương sớm vào diễn, hợp tác với nhau chia sẻ lợi nhuận, đồng thời sản xuất Ter Dah để tiếp tục có sản phẩm luân phiên.

Việc các nghệ sĩ cùng hợp tác có phải là lợi thế để giúp sản phẩm văn hóa có sức sống lâu bền và lan tỏa hơn trong, ngoài nước?

Đúng là như vậy! Vì không bán đứt tác phẩm nên chúng tôi luôn trao đổi trong quá trình phát triển chúng. Các tác giả luôn nghĩ mang tác phẩm ra thế giới là mục tiêu, nên các anh rất chủ động, như anh Nhất Lý là người luôn chủ động trong khâu kết nối với bên ngoài. Đương nhiên quá trình thảo luận sau đó để tìm ra mô hình lưu diễn thì do chúng tôi - nhóm đầu tư.

Lưu diễn rất tốt cho sản phẩm. Mỗi lần trước khi lưu diễn là chất lượng sản phẩm nâng lên một nấc, vì luôn nhận được yêu cầu từ đối tác nước ngoài, thường là về kỹ thuật, mà nếu không có lưu diễn thì chưa chắc nghệ sĩ sẽ nâng chất.

Theo anh, vì sao phim đoạt giải các LHP hay sản phẩm mình được đón nhận nhiều ở thế giới nhưng khi về VN lại khá im ắng?

Tác phẩm nghệ thuật tốt thì phải tốt với mọi người. Khi người VN không hưởng ứng, có nghĩa là tác phẩm đó chưa đủ tốt. Một bộ phim đoạt giải thế giới là giải gì, nếu đoạt Cannes hay Oscar sẽ khác liền. Cũng như chúng tôi, nếu diễn cả 100.000 hay hàng chục ngàn người xem thì về VN sẽ khác liền. Còn chúng tôi mới đang diễn cho nhà hát 2.000 chỗ, cả tour mấy chục suất diễn mới được 60.000 khách. Đồng ý là nó thành công, nhưng làm sao so được với người nghệ sĩ mở sân khấu ra cả 100.000 khán giả.

Bằng cử nhân kiến trúc bổ trợ thế nào cho công việc hiện tại của anh?

Nghệ thuật có tính kỹ thuật cực kỳ lớn mà người ta ít khi nhìn thấy, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn. Yếu tố kỹ thuật là vô cùng quan trọng, nên nhóm chúng tôi (đầu tư kinh doanh) cũng như nhóm tác giả sáng tác, có gốc kỹ thuật rất lớn. Như anh Nhất Lý, về mặt kỹ thuật rất xuất sắc, từ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng… đều rất giỏi. Do đó về kỹ thuật thì ngành nghệ thuật biểu diễn không thua kém ngành nào. Nói chung chung nghe rất xa nhau, nhưng nghệ thuật biểu diễn với kiến trúc bổ trợ cho nhau rất tốt. Thậm chí nếu tôi không học kiến trúc ra có khi tôi không làm được công việc như hiện nay.

Khi làm quản lý, bắt buộc mình phải tự học, đọc thêm, rồi nghề dạy mình thôi (cười). Đến 2018 tôi mới đi học thạc sĩ về Chính sách công, là vì mối quan tâm của bản thân khi bắt đầu làm về văn hóa, nghệ thuật.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Đào Ngọc Thạch - LUNE PRODUCTION

Báo Thanh Niên
21.07.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.