Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 1: Khát vọng tuổi trẻ

24/03/2015 07:12 GMT+7

Sinh trưởng trong một gia đình gốc Hoa 4 đời làm kinh doanh, chỉ mỗi Lý Quang Diệu có xu hướng làm chính trị từ khá sớm.

Sinh trưởng trong một gia đình gốc Hoa 4 đời làm kinh doanh, chỉ mỗi Lý Quang Diệu có xu hướng làm chính trị từ khá sớm.

Ông Lý Quang Diệu được người ủng hộ tung hô sau khi lãnh đạo PAP chiến thắng vào năm 1959 - Ảnh: AFP
Ông Lý Quang Diệu được người ủng hộ tung hô sau khi lãnh đạo PAP chiến thắng
vào năm 1959 - Ảnh: AFP
Ông Lý sinh ngày 16.9.1923 giữa lúc Singapore nằm dưới sự đô hộ của Anh quốc. Được ông nội đặt tên nửa Anh nửa Hoa - Harry Lý Quang Diệu, sau này ông Lý đã làm mọi cách để xóa bỏ phần tên tiếng Anh “mang dấu ấn bạc nhược của một công dân thuộc địa”, như con gái ông là Lý Vỹ Linh từng tiết lộ trên mặt báo.
Học giỏi, Lý Quang Diệu từng đứng đầu Trường trung học Raffles Institute và được học bổng Anderson danh tiếng để học dự bị đại học tại Raffles College của Singapore. Tại đây, ông chọn 3 môn tiếng Anh, kinh tế và toán học để chuẩn bị cho ước mơ học luật nhằm trở thành một luật gia độc lập chứ không đi làm thuê. Chàng thanh niên họ Lý cũng là một người có máu ganh đua ghê gớm. Khi hay tin có một cô Kha Ngọc Chi hơn mình về điểm thi cuối khóa môn tiếng Anh và kinh tế, Lý Quang Diệu vô cùng khó chịu và cảm thấy bất an cho cuộc đua giành học bổng du học duy nhất của Nữ hoàng Anh. Chưa hết, “tôi thường xuyên có cảm giác bị đe dọa, một nỗi sợ bị đè bẹp bởi những người Trung Quốc và Ấn Độ nhập cư vốn chăm chỉ và nhiều năng lượng”, ông Lý tiết lộ trong cuốn hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 - 1965.
Nhờ lanh lợi và khôn ngoan, người anh cả trong gia đình có đến 5 anh em không chỉ sống sót qua giai đoạn “chiếm đóng” đen tối dưới ách thống trị của phát xít Nhật từ năm 1942 đến 1945, mà còn kiếm được khá nhiều tiền trong thời gian này. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, chàng trai chưa đầy 23 tuổi này đã dùng tiền kiếm được từ chợ đen để thực hiện ước mơ du học tại “mẫu quốc” vào năm 1946, thay vì trở lại Raffles College tiếp tục học và chờ đợi cơ hội nhận học bổng của Nữ hoàng Anh.
Xu hướng chính trị bộc lộ khá sớm trong con người Lý Quang Diệu, dù cha chú ông chỉ đam mê kinh doanh, theo tiểu sử gia đình và chính ông tiết lộ tại các cuộc đối thoại công khai. Tham vọng này có lẽ được hình thành trong thời học dự bị đại học khi ông nhận ra “một sinh viên người Malay cùng lớp với tôi sắp trở thành thủ tướng của Malaysia. Anh ta là Abdul Razak bin Hussein, cùng học tiếng Anh và toán như tôi. Anh ta là con nhà quý tộc ở xứ Pahang”, ông Lý kể. Và ngay trong thời gian du học ở Đại học Cambridge, ông Lý đã cùng những sinh viên từ Singapore và bán đảo Malaya tổ chức các sinh hoạt chính trị với mục tiêu sâu xa là xóa bỏ chế độ thuộc địa trên quê hương mình. Tốt nghiệp thủ khoa ngành luật Trường Fitzwilliam năm 1949 với một ngôi sao vinh dự hiếm hoi, Lý Quang Diệu thực tập thêm một năm và về nước vào tháng 8.1950 cùng vợ Kha Ngọc Chi - “đối thủ” năm xưa ở Raffles College - mà ông đã “cưới chui” trong lúc cả hai đang học tại Cambridge, bất chấp lễ giáo phương Đông và quy chế của nhà trường.
Lập thân
Sau khi cùng nhau về nước trong sự cổ vũ của báo chí (Kha Ngọc Chi cũng là thủ khoa ngành luật tại Trường Girton của Đại học Cambridge), cả hai đi làm cho một công ty luật. Tìm việc xong, Lý Quang Diệu một mình đến nhà Ngọc Chi xin phép làm đám cưới khiến cha cô đùng đùng nổi giận. Gia đình Ngọc Chi vốn thuộc diện danh gia thế phiệt, lễ giáo uy nghi, không ai mong đợi một chàng thanh niên 27 tuổi đến ngỏ lời xin cưới con gái mình.
Hành động này của Lý Quang Diệu một mặt cho thấy tính cách tự lập và quyết đoán của ông, mặt khác cũng thể hiện mối quan hệ hời hợt với cha đẻ, người lẽ ra phải đi hỏi vợ cho con. Xuyên suốt trong các quyển hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu ít nói về cha, có chăng chỉ là hình ảnh một người cha hay la mắng nhưng không có ảnh hưởng gì lên con cái. Một số người Singapore đương thời quen biết nhà ông Lý từng nói với Thanh Niên rằng cha ông Lý không có đóng góp gì trong sự nghiệp của con, trái lại nhiều lúc còn khiến con khó xử trong tư thế một thủ tướng. Ông Lý cũng tiết lộ người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời niên thiếu của ông chính là mẹ ông.
Dù vậy, nhà họ Kha cũng đồng ý, và lễ cưới lần thứ hai của Lý Quang Diệu và Kha Ngọc Chi diễn ra trang trọng tại khách sạn Raffles vào ngày 30.9.1950. Đây ít nhất là lần thứ hai Lý Quang Diệu bộc lộ khả năng ăn nói và tài thuyết khách. Lần đầu tiên chính là lúc sinh viên Lý Quang Diệu thuyết phục một loạt giám thị và giáo sư ở Đại học Cambrigde để họ chấp nhận cho người yêu Ngọc Chi sang Anh quốc nhập học sớm hơn 1 năm.
Sau khi có con trai đầu lòng năm 1952 là Lý Hiển Long (hàm nghĩa “con rồng vinh hiển”, hiện là Thủ tướng Singapore), ông Lý cùng các cựu du học sinh tại Anh quốc thành lập đảng Nhân dân hành động (PAP) vào cuối năm 1954, tranh cử nghị viên và chính thức bước vào con đường chính trị. Cùng thời gian đó, ông cùng vợ và em trai kế Lý Kim Diệu thành lập Công ty luật Lee & Lee do ông đứng đầu. Ông bà có thêm con gái Lý Vỹ Linh (1955) và con trai út Lý Hiển Dương (1957). Tháng 6.1959, ông thắng cử và trở thành thủ tướng hòn đảo tự trị Singapore, trao quyền điều hành Lee & Lee lại cho vợ và em trai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.