Người đã trút gánh nặng đường xa...

Ngọc An
Ngọc An
20/09/2020 06:05 GMT+7

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã không kịp giữ lời hẹn với khán giả về sự trở lại của mình. Ông đã ra đi vào trưa 19.9 tại Hà Nội sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư tụy.

“Thôi trút đi gánh nặng đường xa, ngược xuôi bôn ba/Nay ta về nhà ta/Đường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe/Nhà ta mênh mông, trăng tràn bốn bề...”, những câu hát trong bài Tửu ca mà ông vẫn hay nghêu ngao nay như một lời chào ông gửi lại.

Chàng sinh viên toán mê sáng tác nhạc

Lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Cường gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương là khi nhạc sĩ họ Phó đã nổi tiếng với ca khúc Những cô gái quan họ. Ca khúc được nhạc sĩ Phó Đức Phương viết khi ông vẫn còn đang theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Trước đó, con đường đến với trường nhạc của ông có phần gập ghềnh. Khi đang là sinh viên Khoa Toán Trường đại học Sư phạm (Hà Nội), ông chỉ muốn học nhạc, nhưng không được. Ông phải chờ đến sau khi ra trường, năm 1965, vào nông trường làm công nhân chăn nuôi, để 1 năm sau đó đủ điều kiện nộp đơn vào trường nhạc.

Những ca khúc của Phó Đức Phương được kết lại từ tình yêu tha thiết cùng những đau đáu của ông với con người, quê hương, nguồn cội, những nơi ông đã đi qua

Ca sĩ Tùng Dương

Khi vừa ra trường, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đắt đơn đặt hàng sáng tác của các đoàn kịch, ca múa nhạc, sau này là các địa phương, ngành nghề. Ông quan niệm không quan trọng là người nhạc sĩ sáng tác cho mình hay theo đơn đặt hàng, mà quan trọng là họ đủ bản lĩnh và nội lực để giữ được chất riêng, được “cái tôi” của mình. “Ông viết nhạc cân bằng giữa lý trí và tình cảm. Tư duy của một người học toán đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông. Có thể thấy trong tác phẩm của ông vừa phóng khoáng vừa logic, vừa có sự cao trào, thắt mở, trùng điệp vừa giữ được cảm xúc cuồn cuộn”, ca sĩ Tùng Dương - người đã gắn bó với nhạc sĩ Phó Đức Phương trong đời sống lẫn âm nhạc, chia sẻ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn nổi tiếng kỹ tính đến từng... nốt nhạc. Người bạn của nhạc sĩ - nhà văn Trần Thị Trường nhắc lại câu nói của ông: “Mình thà mất một ngón chân để được nghe các ca sĩ hát chuẩn bài hát của mình”. Ca sĩ biểu diễn sai một nốt có thể làm ông mất ngủ 3 ngày.
Người đã trút gánh nặng  đường xa...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (bìa phải) cùng các thành viên của Bộ tứ sông Hồng

Ảnh: TL

Đau đáu với âm nhạc sử thi

Nhạc sĩ Nguyễn Cường nhìn nhận về âm nhạc của Phó Đức Phương: “Từng mạch máu mang nhịp dân ca”. Có thể thấy những ca khúc do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác đều mang âm hưởng dân ca Việt Nam, cùng với những triết lý nhân sinh quan. Chính bởi vậy, nghe nhạc Phó Đức Phương thấy vừa gần gụi vừa triết lý, vừa dung dị vừa hào sảng. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ ông đã vừa khóc vừa viết ca khúc Về quê, trong đó những câu hát như đi vào tâm khảm của bao người Việt: Nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương, ta về, ta về... Về đâu? Ông trải lòng: “Thì ra, nghệ thuật cũng như cuộc đời tôi vậy, sự mộc mạc, giản dị và chân thật tự đáy lòng sẽ khơi dậy những cội nguồn yêu thương, sự đồng cảm...”. Ông bảo mình không đa tài hay đa tình như những nhạc sĩ khác. “Với tôi, khi viết về tình yêu hay nỗi đau khổ, đó là sự chắt chiu cả một đời”, nhạc sĩ tâm sự. Còn ca sĩ Tùng Dương cho rằng: “Những ca khúc của Phó Đức Phương được kết lại từ tình yêu tha thiết cùng những đau đáu của ông với con người, quê hương, nguồn cội, những nơi ông đã đi qua”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Hưng Yên. Ông là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Chảy đi sông ơi, Con sông tuổi thơ, Dòng sông ký ức, Về quê, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân... Ông là một trong những nhạc sĩ lớn đã tạo nên dòng chảy âm nhạc dân gian đương đại tại Việt Nam, được nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này tiếp nối. Đồng thời, âm nhạc của Phó Đức Phương cùng với các nhạc sĩ khác trong Bộ tứ sông Hồng (gồm cả Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường) góp phần tạo nên làn sóng nhạc nhẹ thời kỳ đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của nhạc nhẹ Việt Nam sau này. Ông cũng là người sáng lập và giữ vị trí Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) từ năm 2002. Đến năm 2018, ông thôi chức Giám đốc VCPMC.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện mắc ung thư tụy đầu năm 2020. Vào tháng 7 vừa qua, đêm nhạc Khúc hát phiêu ly đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) như một món quà tiếp thêm sức mạnh để nhạc sĩ vượt qua cơn bạo bệnh, cũng như để tôn vinh những giá trị âm nhạc của Phó Đức Phương. Trong suốt thời gian điều trị, ông luôn tỏ rõ tinh thần lạc quan và mong muốn trở lại với âm nhạc, khán giả.
Dự kiến lễ tang nhạc sĩ Phó Đức Phương được cử hành ngày 24.9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng từ 11 giờ 30; truy điệu lúc 13 giờ; sau đó đưa đi an táng tại Công viên Thiên Đức, Phú Thọ.
Những năm gần đây, nhạc sĩ Phó Đức Phương viết nhiều tác phẩm âm nhạc mang tính chất sử thi, cho thấy một chặng đường sáng tác mới. Ông đau đáu với việc sáng tác những ca khúc trong đó thể hiện những trang sử hào hùng của dân tộc, những bản hùng ca bi tráng, ca ngợi chiến công của các anh hùng dân tộc bảo vệ non sông bờ cõi chống giặc ngoại xâm. Một số tác phẩm đã được giới thiệu với khán giả: Hội thề Mê Linh, Văn Giang - Một khúc sông Hồng, Bài ca thần chim lạc. Cho đến những ngày đang nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ vẫn còn tự giao cho mình “nhiệm vụ”: sáng tác những ca khúc đủ cho chương trình cất lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
Nhiều tác phẩm ông ấp ủ vẫn còn dang dở, nhưng như ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, thế hệ sau sẽ cùng tiếp quản những gì ông để lại. “Người nghệ sĩ khi nằm xuống đã hoàn thành sứ mệnh đi hết cuộc đời này. Những tinh hoa ông để lại sẽ khiến những thế hệ đi sau phải ngưỡng mộ và coi đó như tấm gương cho mình”, nam ca sĩ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.