Người biến lá sen thành tranh

28/09/2019 17:44 GMT+7

Những lá sen già cỗi tưởng chừng bỏ đi đã được ông Lê Văn Nghĩa (61 tuổi, ngụ ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) tạo thành những bức tranh sống động.

Ông Nghĩa nói sen vốn gắn bó bao đời nay và được ví là “đặc ân” của thiên nhiên dành cho người dân Đồng Tháp. Vì vậy ông mong muốn đưa sen thành những tác phẩm nghệ thuật để khi nhắc đến sen mọi người nghĩ ngay đến Đồng Tháp.

Nét vẽ không trường lớp

Vốn yêu thích nghệ thuật từ nhỏ nên khi trưởng thành nối nghiệp cha làm nghề thợ mộc ông Nghĩa luôn tranh thủ lúc rảnh rỗi mày mò học vẽ. Niềm đam mê mãnh liệt nên ông thường đi “học lỏm” từ các phòng tranh của những họa sĩ vẽ tranh sơn dầu. Có những ngày, ông đứng suốt hàng tiếng đồng hồ chỉ để coi cách vẽ. Thấy vậy, một số họa sĩ đã dành thời gian chỉ dẫn cho ông Nghĩa mà không lấy phí.

Lá sen được ông Nghĩa phơi nắng, phơi sương từ 7 - 15 ngày

ẢNH: DUY TÂN

Sau khi phơi, lá sen được rải khắp nền gạch để cắt hoặc xé thành miếng

ẢNH: DUY TÂN

Ông Nghĩa ủi lá sen cho đến khi màu lá thay đổi phù hợp với chủ đề bức tranh

ẢNH: DUY TÂN

Những ngày theo chân các họa sĩ già đi vẽ tại các đình, chùa giúp tay nghề của ông Nghĩa ngày càng vững. Nhưng với mong muốn phải làm thứ gì đó mang đậm nét quê nhà, năm 2017, ông Nghĩa bắt đầu dùng lá sen làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Ban đầu, ông gặp khá nhiều khó khăn do chất liệu lá sen rất khó làm tranh, bị “chết” màu vì không biết cách xử lý, sau một thời gian ngắn tranh bị biến dạng, ẩm mốc… Không bỏ cuộc, ông Nghĩa vẫn miệt mài nghiên cứu để tìm ra công thức tối ưu nhất làm tranh lá sen và cuối cùng đã thành công.

Thăng hoa cùng sen

Lá sen được ông Nghĩa tận dụng tất cả để sáng tạo ra 3 loại tranh cơ bản: tranh từ các mảng lá sen, tranh từ gân sen, tranh từ các vụn của lá sen. Theo ông Nghĩa, để làm được một bức tranh từ sen phải qua các công đoạn: chọn lá sen; phơi nắng, phơi sương; cắt, xé, ủi lá; phân loại màu; phát thảo trên giấy; cố định lá sen lên nền bằng keo sữa; phơi khô chỉnh sửa lần cuối; xịt thuốc chống côn trùng, mối, mọt; phủ lớp keo mỏng để giữ cố định từng chi tiết; sau đó đóng khung.

Vò lá sen để lấy gân làm tranh chân dung

ẢNH: DUY TÂN

Sau khi ủi, ông Nghĩa chọn màu lá sen đậm, nhạt để dán theo phác thảo

ẢNH: DUY TÂN

Lá sen được chọn là những lá già, đã chuyển màu xanh đậm hoặc sẫm, các sợi gân sẽ có độ dai hơn, lá cũng dày hơn dễ dàng cho việc sử dụng và khi xử lý lá không bị rách. Ngoài ra cũng có thể sử dụng những lá sen khô tự nhiên để lấy gân sen làm tranh.
Lá khi đem về phải được phơi nắng, phơi sương, nếu nắng tốt chỉ mất 7 ngày, nắng ít phải mất từ 10 - 15 ngày. Sau khi phơi xong, lá sen được rải khắp nền gạch để cắt hoặc xé thành miếng và ủi sơ qua. Trong lúc ủi phải thật tỉ mỉ vì nếu mạnh gân lá sẽ không nổi, ủi nhẹ lá bị co khó dán khi làm tranh.

Khách đến tham quan phòng tranh lá sen

ẢNH: DUY TÂN

Sau khi ủi, chọn màu lá đậm, nhạt để dán. Loại tranh này cũng không thể vẽ lưới tỉ lệ, khi phác thảo chỉ có thể vẽ thật nhạt một vài chi tiết quan trọng. “Cái khó của loại tranh này là không thể phác thảo nhiều lên đó, chỉ được cầm miếng lá hoặc cái gân của lá sen để dán lên. Dán vô rồi không thể lấy ra được bởi nó rách. Mình phải định hình trước, “nhập thần” như thế nào để khi mình nhìn sang tờ giấy trắng, thấy được cái hình mẫu trên tờ giấy, rồi mình dán theo cái hình mà trong đầu mình tưởng tượng ra”, ông Nghĩa nói.

Thổi hồn vào tranh sen

Ông Nghĩa cho biết làm tranh phong cảnh và tranh chân dung từ sen mỗi loại có cái khó riêng. Cái khó khi làm tranh phong cảnh là làm sao để người xem hiểu được bức tranh đang nói về cái gì, làm sao người xem chìm đắm cảm xúc vào trong đó. Còn tranh chân dung công đoạn khó khăn nhất là lên “thần”, tức là khắc họa cái “hồn” của nhân vật. Vì vậy, tùy theo mỗi người sẽ có những nét rất riêng trên khuôn mặt nên phải làm nổi khối, cường điệu chi tiết hoặc giảm xuống theo thần thái của từng nhân vật.

Ông Nghĩa bên bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, được làm từ lá sen

ẢNH: DUY TÂN

Do cần độ tỉ mỉ cao cũng như tùy thuộc vào chủ đề của bức tranh, để hoàn thiện mất ít nhất từ 3 - 15 ngày. Mỗi bức tranh cũng rất bền vì được xử lý tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất. Với 2 năm bén duyên với tranh lá sen, ông Nghĩa đã làm ra hàng trăm bức tranh vô cùng đẹp mắt. Giá mỗi bức tranh dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

Chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp, được làm từ các mảng lá sen

ẢNH: DUY TÂN

Chân dung huấn luyện viên Park Hang-seo, được làm từ gân sen

ẢNH: DUY TÂN

Hình phong cảnh được làm từ vụn và gân sen

ẢNH: DUY TÂN

 

Một số bức tranh làm từ lá sen

Ảnh: Duy Tân

Ông Hồ Chí Dũng, chủ một doanh nghiệp ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), chia sẻ: “Lần đầu tiên đến tham quan và đặt mua tranh tại đây, tôi rất ngạc nhiên và thán phục vì với chất liệu lá sen mà ông Nghĩa đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động. Tôi thấy những bức tranh này có thể truyền tải được tinh thần, ý chí của người Đồng Tháp. Tôi sẽ tiếp tục đến để đặt mua tranh đem tặng cho các đối tác nước ngoài và tin rằng họ sẽ rất thích tranh từ lá sen này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.