'Ngôi nhà mù' kỳ lạ giữa Sài Gòn

27/07/2018 09:43 GMT+7

Nằm trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Tri Phương, mái ấm Bừng Sáng chính là ngôi nhà cổ tích kỳ diệu giữa Sài Gòn. Đây là nơi cưu mang 35 trẻ em mù có hoàn cảnh nghèo từ mọi miền đất nước.

Trao “ánh sáng” cho người mù
Người sáng lập ra mái ấm là thầy Đào Khánh Trường (đã qua đời), cũng là một người khiếm thị. Thầy đã biến căn nhà riêng của mình thành nơi nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh giống mình từ mọi miền đất nước. Quan điểm của thầy là chỉ có giáo dục tốt mới có thể giúp người mù hòa nhập với cộng đồng. Các em trong mái ấm sẽ được đi học vào ban ngày ở Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), về mái ấm sẽ được các sơ, các thầy, tình nguyện viên dạy thêm về âm nhạc, vi tính, cũng như các kỹ năng mềm. Đó cũng là lý do thầy đặt tên cho mái ấm là Bừng Sáng. Mặc dù thầy đã qua đời nhưng ước nguyện của thầy vẫn được thế hệ đời sau tiếp nối.
Các học viên khiếm thị đang được tập luyện đàn organ
Hiện nay mái ấm có 35 em, trong đó bé nhỏ nhất là A Hiếu, 6 tuổi, mồ côi cha mẹ, người dân tộc. Và hai em lớn nhất hiện đang học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM đều 21 tuổi. Các em lớn sẽ hỗ trợ và dạy học lại cho các em nhỏ. Cả bốn thầy dạy học ở Bừng Sáng đều là người khiếm thị, xuất thân từ nơi đây, gồm có thầy Sáu dạy đàn, thầy Phú dạy nhạc, thầy Phát dạy văn hóa (chữ nổi Braille) và thầy Hoàng dạy vi tính.
Hằng ngày, các em đồng loạt thức dậy từ 6 giờ sáng để vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng. Các bé nào phải đi học sẽ được đưa đến trường, còn các bé chưa đến tuổi sẽ ở nhà. 16 giờ 30 chiều sẽ là giờ ăn cơm, 18 giờ là ôn tập bài học trong ngày, và 20 giờ học thêm về văn hóa. 21 giờ tất cả phải đi ngủ. Thứ 6 là ngày học Anh văn, sáng thứ 7 học vi tính, chiều tối học cờ vua.
Hiện nay, với nhiều phần mềm hỗ trợ cho người mù, các bạn hầu hết đều có thể sử dụng smartphone, chơi Facebook, vi tính rất thoải mái, giúp cuộc sống có thêm niềm vui.
Mỗi năm các em sẽ được về nhà hai lần vào mùa hè và dịp Tết. Ngoài ra, có một số em học bán trú, sẽ được ba mẹ đưa về nhà vào dịp cuối tuần hoặc vào buổi tối.
Thầy Hoàng đang dạy vi tính cho các em nhỏ khiếm thị
Những “bà tiên” vất vả
Quản lý mái ấm là các sơ, mà đứng đầu là sơ Hoàng, đã có 10 năm gắn bó với mái ấm. Ngoài ra còn có 7 sơ khác phụ trách cùng nhau, mỗi người một việc.
Sơ Hoàng bồi hồi nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ những ngày mới nhận việc, mái ấm chỉ là một căn nhà cấp 4 xập xệ. Đây quả là một công tác rất khó khăn vì các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau, rất bướng bỉnh và nghịch ngợm. Chính vì các em không thấy đường nên bản thân mình phải vất vả gấp nhiều lần. Từ việc phải giáo huấn các em làm sao tuân theo phép tắc, giờ giấc, cho đến việc vệ sinh ăn uống, học hành… Nếu như không có tình yêu trẻ và sự kiên nhẫn, tôi nghĩ khó lòng có thể duy trì công việc dài lâu vì mọi người ở đây đều làm việc không có lương”.
Sơ Hoàng bên bé khiếm thị nhỏ tuổi nhất
Sơ Trâm chia sẻ thêm: “Chúng tôi đều đã đi tu nên dĩ nhiên không lập gia đình, vì vậy tôi xem các em như con cháu trong gia đình mình. Tôi chỉ mới làm công tác có 2 năm thôi. Những ngày đầu mới về thật sự quá áp lực vì mình nói các em không hiểu. Bản thân mình phải vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn, khi ra chỉ dẫn phải chính xác. Ví dụ như bảo các em di chuyển, phải nói rõ về bên trái hay phải, bao nhiêu bước, bước dài hay bước ngắn”. Hai năm công tác tại mái ấm, sơ Trâm cảm thấy đó không phải là nghĩa vụ, mà là “sứ mệnh”.
Sơ Trâm mỉm cười khi nói về các em: “Cực thì cực nhưng cũng có những lúc rất vui, hạnh phúc khi các con tiếp thu được những gì mình dạy bảo, thay đổi tích cực. Có bé lúc mới vào bị tự kỷ, nhút nhát, sợ sệt, sau một thời gian có bạn bè, được yêu thương trở nên vui vẻ, hoạt bát”.
Không ít ước mơ đành dang dở
Mai Hương (17 tuổi, quê Ninh Bình) chia sẻ: “Cả hai anh em con đều không thấy đường được bởi chứng bệnh teo giác mạc bẩm sinh. Nhà nghèo nhưng ba mẹ luôn khao khát cho hai đứa được đi học. Tìm hiểu khắp nơi trường cho con nhưng cũng dần chán nản vì học phí quá cao. Sau đó, qua lời giới thiệu của địa phương, hai anh em con được gửi đến mái ấm Bừng Sáng. Lúc đó anh con 7 tuổi, còn con 4 tuổi".
"Giờ đây, anh đã là sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM để từng bước trở thành giảng viên thanh nhạc. Còn con vẫn luôn nỗ lực để học giỏi, mình mù nhưng vẫn có thể hòa nhập với cộng đồng. Ước mơ của con là được trở thành diễn viên lồng tiếng nhưng rất nhiều người bảo điều đó khó thực hiện vì con không thể nhìn thấy được khẩu hình, biểu cảm gương mặt… Con cũng buồn nhưng không tuyệt vọng. Con đang học thêm về ngoại ngữ để có thể trở thành một thông dịch viên thay vì diễn viên lồng tiếng”, Mai Hương kể thêm.
Mai Hương chia sẻ về ước mơ, nghề nghiệp tương lai
Mai Hương có năng khiếu về âm nhạc từ bé, khi nghe một bản nhạc, em có thể nhớ và đệm lại ngay, đồng thời sáng tạo bản hòa âm mới. Em thường xuyên đệm đàn và dạy hát lại cho các em nhỏ hơn.
Phạm Gia Bảo (12 tuổi, quê Bình Định) lại có vẻ nhút nhát hơn Mai Hương. Em nói một câu mà làm tim chúng tôi đau như cắt: “Con từng ước mơ làm ca sĩ, nhưng con biết điều đó là không thể. Vì làm ca sĩ phải đẹp và đòi hỏi nhiều thứ, nên có lẽ con sẽ học nghề massage để nhanh giúp đỡ được cho gia đình”.
Clip bé Gia Bảo hát Ngày đầu tiên đi học
Giờ học nhạc đã đến, các em nhỏ tập trung lên phòng âm nhạc để tập chơi organ. Những giai điệu réo rắt vang lên vừa khiến cho chúng tôi vừa cảm thấy xúc động, lại vừa thấy vui khó tả. Các em biết đàn khá nhiều bài, kể cả những bài “hot” nhất hiện nay như Duyên phận… Khi hỏi tên các nghệ sĩ hiện nay như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Đông Nhi… các em đều biết và khoe rằng mình biết đàn nhiều bài của các cô chú lắm.
Theo sự hướng dẫn của sơ Trâm, các em cùng nhau hát vang:
“Em như chim bồ câu tung cánh giữa trời
Em như chim bồ câu trắng bay giữa trời
Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìa
Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa…”

Thế mà lạ lùng, nước mắt chúng tôi vẫn cứ tuôn rơi.
Mái ấm Bừng Sáng (266/5 Nguyễn Tri Phương, Q.10, TPHCM) là nơi nuôi dưỡng trẻ em bị khiếm thị suốt nhiều năm qua. Các mạnh thường quân và tổ chức muốn đến thăm các em có thể liên hệ qua số điện thoại: (028) 39270537.
Ngoài ra, còn có mái ấm khiếm thị Nhật Hồng ít được biết hơn (Cơ sở 1: Số 16A, đường 7, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức; cơ sở 2: Số 20/4 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.