Ngô đồng sau bão

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
25/09/2020 05:58 GMT+7

Sau cơn bão số 5, chuyện cây xanh ở Huế lại “nóng” lên không chỉ bởi hiện trạng gãy đổ la liệt đến đau lòng, mà còn gợi ý về chủng loại rồi lan man nhắc nhớ đến câu chuyện vua Minh Mạng và cây ngô đồng Việt...

Chuyện xưa ngô đồng

Hoa ngô đồng trong văn học cổ Trung Quốc vốn được truyền tụng là loại cây quý phái, được mệnh danh “vương giả chi hoa”, gắn với truyền thuyết loài chim phượng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng.
Ngô đồng xuất hiện trong văn học Trung Quốc từ rất sớm, ngay trong Kinh Thi cũng đã nhắc đến:
“Phượng hoàng minh hĩ,
Vu bỉ cao cương.
Ngô đồng sinh hĩ,
Vu bỉ triêu dương.
Bổng bổng thê thê
Ung ung dê dê”.
(Chim phượng hoàng hót/Tiếng trên ngọn núi cao/Cây ngô đồng mọc/Trong ánh nắng sớm/Tươi tốt xanh xanh/Hài hòa vui vẻ).
Loài hoa vương giả này cũng từng được nhiều người biết đến qua câu thơ: Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu (Một chiếc lá ngô đồng rụng/Thiên hạ biết mùa thu đã đến rồi).
Loài hoa được văn học, huyền sử Trung Hoa ca tụng ấy hóa ra có rất nhiều ở đất nước Việt. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại, như sau: “Ngô đồng: Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện”.
Chuyện vua Minh Mạng thấy cây ngô đồng mà người Trung Hoa ca tụng “vương giả chi hoa” như một sự ẩn ý chỉ có đất nước thiên triều mới có, khiến ngài nảy sinh lòng tự tôn dân tộc, bèn sai binh biền lên rừng Trường Sơn tìm kiếm. Hóa ra loài cây này nước Nam cũng có rất nhiều. Việc cho người lên núi tìm cây ngô đồng về trồng, vua Minh Mạng ngầm muốn khẳng định rằng tuy ngô đồng nổi tiếng trong huyền sử, thi ca Trung Hoa, nhưng thực tế ngô đồng đã có trong tự nhiên của nước ta. Và để khẳng định rằng ngô đồng cũng là cây của nước Việt, chính vì vậy nhà vua đã cho khắc lá ngô đồng lên Nhân đỉnh (đỉnh thứ hai trong bộ Cửu đỉnh) đặt ở Thế miếu, tượng trưng cho sự trường tồn, giàu đẹp và thống nhất của đất nước.
Ngô đồng sau bão1

Cây rừng Trường Sơn miền Trung cho sắc đỏ và vàng mơ tuyệt vời khi đến mùa thay lá

ẢNH: PHAN TÂN LÂM

Quá trình nghiên cứu cây xanh, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế, đã tình cờ phát hiện đặc điểm thú vị của cây ngô đồng xứ Huế: cây bắt đầu rụng lá vào đầu xuân và đến cuối xuân thì cây trụi lá để trổ hoa. Trong khi ngô đồng Trung Quốc lại rụng lá và nở hoa vào mùa thu, ứng với câu “ngô đồng nhất diệp lạc/thiên hạ cộng tri thu”.
Theo nhà giáo Đỗ Xuân Cẩm, điểm khác biệt thú vị này có thể đã làm cho ngô đồng xứ Huế “thoát thai” ra khỏi ảnh hưởng Trung Hoa, trở thành loài cây của niềm tự tôn dân tộc để các vua triều Nguyễn chọn trồng ngay trong hoàng cung của mình. Theo ông, ở nước ta, cây ngô đồng mọc tự nhiên rải rác nhưng khá phổ biến dọc dãy Trung Trường Sơn. Du khách đi dọc đường Hồ Chí Minh từ Đông Giang - Tây Giang (Quảng Nam) cho đến Đakrông (Quảng Trị), động Thiên Đường (Quảng Bình) vào cuối mùa xuân dễ dàng nhìn thấy hoa ngô đồng nở giữa núi rừng hùng vĩ.
Còn tại Huế, hằng năm, cứ vào độ cuối xuân, những cây ngô đồng trong hoàng cung Huế lại khoe sắc, tạo nên những vòm tán tím phớt hồng điểm xuyết giữa không gian xanh vời vợi cổ kính đã tạo thêm cảnh sắc thơ mộng, hấp dẫn du khách.

Đưa cây rừng về phố ?

Khi nghe chuyện vua Minh Mạng đem cây ngô đồng về trồng, nhà báo Phan Tân Lâm (Quảng Trị) hào hứng kể lại những thời điểm đối diện cảnh sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, khi cây rừng Trường Sơn thay lá nở hoa. “Trong hệ sinh thái Trường Sơn, có hàng ngàn giống loài kỳ hoa dị thảo mà con người còn chưa khám phá và nghiên cứu hết. Nhiều cánh rừng đến mùa thay lá đỏ rực cả một vùng, không thua gì sắc phong của các nước châu Âu. Nếu đem về được trồng ở đô thị thì tuyệt biết bao!”, anh tâm sự. Cây lá đỏ, người dân vùng cao gọi là cây lôi khoai hay lim lửa.
Ngô đồng sau bão2
Thật bất ngờ khi chính TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Tài nguyên và Môi trường - ĐH Huế, cũng chung ý tưởng “dịch chuyển” loài cây lôi khoai về phố. Theo TS Thái Hoàng, lôi khoai là cây rừng bản địa vốn rất quen thuộc với thổ nhưỡng của Huế. Cây phân bố nhiều ở khu vực rừng Bạch Mã, Phú Lộc và Nam Đông. Đây là loại cây thân nhỡ, cao khoảng 5 - 7 m, có mùa ra lá đỏ như cây lá phong, nếu trồng trên một tuyến đường sẽ tạo điểm nhấn rất đẹp, đến mùa thay lá sẽ vô cùng ấn tượng. Lôi khoai đã được trồng thử nghiệm và sinh trưởng tốt ở Huế. TS Thái Hoàng gợi ý đơn vị quản lý cây xanh có thể phối hợp với các lâm trường tìm kiếm thêm loại cây rừng phù hợp để ươm giống ngay từ bây giờ…
Nhìn những bức ảnh chụp cây rừng Trường Sơn thay lá đỏ mà nhà báo Phan Tân Lâm ghi được, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Ý tưởng đưa những loài cây quý có sắc hoa, sắc lá tuyệt đẹp về trồng để tạo cảnh quan đặc trưng cho đô thị được bàn luận sôi nổi. Anh Phan Lễ, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên về ươm và kinh doanh cây trồng tại Huế, sau khi xem những bức ảnh cây rừng ấy đã lập tức muốn cùng với nhà báo Phan Tân Lâm “lên rừng” tìm giống cây lá đỏ tuyệt đẹp. “Đợi chờ nhà nước thì khó lắm. Trước mắt, mình sẽ quyết lên rừng tìm bằng được giống cây này mang về Huế để trồng thí nghiệm. Nếu thành công, mình sẽ nhân giống để phát triển. Hiện tại, mình cũng đang cung cấp rất nhiều giống cây cho các khu đô thị mới. Có cây đẹp chắc chắn sẽ có chỗ trồng”, anh Phan Lễ hào hứng.
***
Đưa giống cây rừng về phố không còn là một gợi ý lãng mạn mà hoàn toàn khả thi. Ý tưởng ấy cũng có thể được nhìn nhận như một đề tài nghiêm túc cho những nhà chuyên môn, quy hoạch cây xanh đô thị. Bởi câu chuyện vua Minh Mạng từng đưa giống ngô đồng Việt về trồng thành công là bài học lịch sử.
Gần đây, đơn vị chăm sóc cây của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã nhân giống thành công cây ngô đồng (tên khoa học là Firmiana simplex) và hiện đang trồng thử nghiệm một số điểm trong các di tích cố đô Huế. Nhiều năm qua, Trung tâm công viên cây xanh Huế cũng đã nhân giống với số lượng cá thể lớn, đã đưa trồng ở một số công viên. Một vài cơ quan và tư nhân cũng đã nhân giống ngô đồng…
Tuy nhiên, theo Nhà giáo Ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, với một loài cây vừa gắn liền với sử tích vừa cho hoa đẹp như ngô đồng, chỉ nên bảo tồn theo phương thức “in situ”, tức không nên mở rộng trồng “đại trà” ra khỏi khu di tích (Đại nội và lăng Minh Mạng). Vì như vậy sẽ “bình dân hóa” và làm mất đi nét duyên “vương giả” của loài hoa gắn với di tích lịch sử của cố đô Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.