Nghi án Trường Lạc đầu độc vua Lê Thánh Tông

31/07/2021 06:20 GMT+7

Năm 1497, vua Lê Thánh Tông băng hà. Thái tử Lê Tranh công bố về cái chết, có nói nhà vua mắc chứng phong thũng từ ngày 27 tháng 11 âm lịch năm trước (1496 - bia Chiêu Lăng ghi ngày 17) và qua đời vào giờ Thìn ngày 30 tháng giêng năm 1497. Tuy nhiên, lời bàn của sử thần Vũ Quỳnh hé lộ nguyên nhân khác.

Trường Lạc đầu độc do ghen tuông ?
Sau khi bàn luận về đức độ của Lê Thánh Tông, sử thần Vũ Quỳnh lại nói tiếp: “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá (nữ yết thịnh), nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”. Nói cách khác, Trường Lạc hoàng hậu đã thúc đẩy cái chết của vua.
Trường Lạc hoàng hậu nói đây là bà Nguyễn Thị Hằng (còn có tên Huyên), là con gái thứ hai của công thần Thái úy Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung - người có công dẹp Lê Nghi Dân và phò Thánh Tông lên ngôi. Vì thế, ngay từ năm Quang Thuận thứ nhất (1460), bà đã được tuyển vào cung, được phong là Sung Nghi ở cung Vĩnh Ninh và được “vua yêu quý nhất trong số các cung nhân” (theo lời Đại Việt thông sử). Bà sinh ra hoàng tử Lê Tranh - người sau này được lập làm thái tử. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), bà được tấn phong quý phi. Đó là vị trí cao nhất mà bà giành được dưới thời Lê Thánh Tông. Lê Quý Đôn cho biết: “Nhà vua mấy lần muốn lập bà làm hoàng hậu, nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh, sợ rằng các tần thiếp không ai dám gần vua nữa, nên lại thôi”. Dòng họ của bà chính là dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn (Thanh Hóa). Dòng họ này về sau lan tỏa ra khắp Đàng Ngoài và Đàng Trong, trong đó có một nhánh đã dựng lên vương triều Nguyễn. Vì địa vị cao nhất của bà là quý phi, nên cách gọi Trường Lạc hoàng hậu là chưa chính xác.
Quý phi Nguyễn Thị Hằng là mẹ của thái tử, việc tấn phong bà làm hoàng hậu hết sức hợp lý. Sở dĩ Thánh Tông cân nhắc rồi lại từ khước là vì sợ bà đè nén các cung tần khác. Điều này phù hợp với lời của Vũ Quỳnh về việc vua thường gần gũi các cung tần. Điều này đã làm dấy lên sự ghen tuông của bà. Nhưng chỉ vì ghen tuông mà lại giết vua thì phải chăng là có hơi quá? Thực ra còn có một chi tiết khác, quý phi từ trước đã “bị giam ở cung khác”.

Hậu cung tranh sủng, thái tử trù yểm

Sử gia nhà Mạc là Hà Nhậm Đại đã cho biết rằng vào lúc cuối đời của Lê Thánh Tông, đã có một nhân vật xuất hiện trong hậu cung. Người này đã đe dọa nghiêm trọng đến vị trí của Nguyễn quý phi và thái tử Lê Tranh. Vị cung tần này không còn để lại tên họ trong lịch sử. Bà đã sinh ra người con trai út của Lê Thánh Tông là Kinh vương Lê Kiện. Hà Nhậm Đại nói rằng Thánh Tông “cuối đời ham mê nữ sắc, say đắm về mẹ con Kinh vương, đến nỗi mắc phải bệnh nặng”. Đó có lẽ là lý do khiến Nguyễn quý phi phẫn nộ và dẫn đến cái chết của vua.
Hà Nhậm Đại còn cho biết rằng sự việc không dừng lại ở đó. Ông cáo buộc rằng chính sự sủng ái của Lê Thánh Tông với mẹ con Kinh vương Lê Kiện cũng làm khơi lên sự oán hận từ phía thái tử Lê Tranh - người về sau sẽ trở thành vua Lê Hiến Tông. Ông cho biết Lê Hiến Tông “hưởng nước không lâu, do hiếu đạo mà để xảy ra thiếu khuyết, thấy vua Thánh Tông yêu mến mẹ con Kinh vương, đã ngầm sai người viết thư dụ dỗ đem đi khắp các nơi có thần từ để yểm chú Thánh Tông. Sau khi lên ngôi, phong cho thần ở huyện Tam Nông là Báo Triệu thần. Ngày lên ngôi (đế) đã bắt giam rồi giết mẹ con Kinh vương”.
Tổng hợp thông tin lại thì thấy, sự tranh sủng trong hậu cung vào cuối triều Lê Thánh Tông dường như đã đẩy mẹ con thái tử Lê Tranh vào thế lép vế so với mẹ con Kinh vương Lê Kiện. Vì lý do gì đó, quý phi lại bị giam lỏng ở cung khác. Đây là đòn giáng nặng nề vào thái tử và quý phi. Rất có thể họ cảm thấy địa vị của mình bị đe dọa nên phải hành động để bảo vệ quyền vị. Trong bối cảnh Lê Thánh Tông mắc bệnh nặng, giải pháp tốt nhất là tiễn hoàng đế một đoạn. Một khi Lê Thánh Tông băng hà, thái tử nghiễm nhiên lên ngôi vua và thanh trừng địch thủ. Đây là bí mật mà sử gia Vũ Quỳnh đến thời Lê Tương Dực mới dám hé lộ. Lê Tương Dực không phải là dòng dõi Lê Hiến Tông mà là dòng dõi của Kiến vương Lê Tân - con trai của người vợ thuở còn chưa lên ngôi của Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, Vũ Quỳnh cũng không dám nêu vấn đề một cách công khai, mà chỉ để nó ở cuối phần bàn luận vốn được khắc in bằng cỡ chữ nhỏ hơn phần chính văn.
Vấn đề nằm ở chỗ vào ngày thứ ba sau khi vua cha qua đời, Lê Hiến Tông đã tuyên bố khôi phục chế độ để tang ba ngày. Hành động này của ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía đại thần về mặt hiếu đạo. Đó là hành động được đưa ra nhằm xóa bỏ lời cáo buộc trù yểm, bất hiếu đang nhắm vào ông, hay thực ra nó chứng minh rằng đó là cáo buộc vô căn cứ? Liệu những tội trạng của quý phi và thái tử có thể được xác định hay không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.