Nghệ thuật cho giới đồng tính, những góc nhìn...

05/08/2006 17:59 GMT+7

Khi bộ phim lãng mạn Brokeback Mountain về tình yêu của hai chàng cao bồi đồng tính ra đời, giới hâm mộ ngỡ ngàng rồi chợt tin rằng, có thể có một dòng tác phẩm nghệ thuật dành cho người đồng tính. Nhìn lại lịch sử nghệ thuật thế giới, không ít tác phẩm về thế giới thứ ba có giá trị và thực sự rất nhân bản. Còn ở Việt Nam ta...?

Điện ảnh  ngán ngại hoặc méo mó?

Điểm lại danh sách các phim điện ảnh và truyền hình có liên quan đến đề tài đồng tính, chúng ta giật mình chợt nhận thấy cái nhìn của giới làm phim về đề tài này rơi vào hai trạng thái căn bản: hoặc là ngán ngại, né tránh hoặc là bôi bác thê thảm.

Đại diện cho xu hướng thứ hai xuất hiện với mật độ dày đặc trong phim nhựa lẫn truyền hình: các nhân vật má mì (do Anh Vũ và Minh Nhí đóng) trong Gái nhảyLọ lem hè phố, nhân vật Vinh (do Lương Mạnh Hải đóng) trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Gần nhất, nhân vật Phụng trong Anh chỉ có mình em đang chiếu trên sóng HTV7 giờ vàng cũng là một nhân vật đồng tính hành nghề cắt uốn tóc. Các nhân vật có đặc điểm chung: Phục sức thì lố lăng, ăn mặc thì kệch cỡm, người ẽo à ẽo ợt,


Minh Nhí trong phim Gái nhảy

nói chuyện thì "đãi cái miệng đến tám thước" và vừa xuất hiện trên màn hình ngay lập tức khán giả đã biết đó là nhân vật đồng tính. Có thể kể ra rất nhiều nhân vật thuộc giới này có tên và không tên trong nhiều tác phẩm điện ảnh truyền hình Việt được xây dựng theo khuynh hướng bôi bác.

Dĩ nhiên, trên thực tế cũng có những người đồng tính như thế. Nhưng nếu chỉ xây dựng hình ảnh nhân vật đồng tính theo hướng chế giễu, nhại lại, gây cười một cách lố bịch như vậy thì khó lòng thấy được sự nhân bản của người làm phim. Một số phim có đề cập ít nhiều đến những người đồng tính với cái nhìn nhẹ nhàng hơn mặc dù cái nhìn đó vẫn nặng định kiến: Một thế giới không có đàn bà, Công ty thời trang, Những cô gái chân dài... Một thế giới không có đàn bà (nằm trong serie phim Cảnh sát hình sự) có cách xây dựng nhân vật thoáng hơn, thiên về chia sẻ hơn mặc dù cái kết phim vẫn nằm trong khuôn khổ của định kiến xã hội. Công ty thời trang xây dựng nhân vật đồng tính không quá son phấn màu mè nhưng vẫn làm cho cái nhìn của xã hội về người đồng tính không được thiện cảm.

m nhạc chập chững?

Dĩ nhiên, sẽ khó mà gọi những người thuộc giới tính thứ ba kêu lô tô hàng đêm, trang phục hoa hòe để hát trong những hội chợ là ca sĩ đích thực theo đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, họ cũng đã làm nên một dòng "ca sĩ" đồng tính mặc dù chẳng ai công nhận.

Vừa qua, sự cố Cát Tuyền cũng góp phần xới tung dư luận về vấn đề này. Trong chương trình Người đẹp hát diễn ra tại một phòng trà của TP.HCM, cũng có sự góp mặt của một nữ ca sĩ chuyển đổi giới tính là Cindy Thái Tài. Liệu đây có phải là bước tiên phong để những người chuyển đổi giới tính được bước lên sân khấu như họ mong muốn không? Thực sự, pháp luật không cấm những người thuộc giới tính thứ ba đã hay chưa chuyển đổi giới tính hát nhạc. Vấn đề còn lại là họ hát nhạc gì và hát như thế nào mà thôi.

Một số ca khúc được xem như dành riêng cho giới thứ ba. Chiếc bóng của Phương Uyên là một trong số đó. Ca sĩ Minh Thuận xuất hiện trong album cùng tên khá ấn tượng. Hoặc đó là sự phù hợp với bài hát? Hoặc đó là một ẩn ý được tuyên bố rõ ràng? Cũng có thể đó là sự chia sẻ cần thiết với giới tính thứ ba? Nhưng dù hiểu cách nào thì những tấm ảnh của ca sĩ này trên album cũng khó được lý giải tận tường...

Cách đây chưa đầy một tháng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng ra mắt album Giải thoát với những tấm ảnh bìa lấy cảm hứng từ bộ phim Brokeback Mountain nói trên. Đặc biệt, ca khúc Tình tuyệt vọng


Bìa album Giải thoát của Đàm Vĩnh Hưng

của nhạc sĩ Thái Thịnh có nội dung nói về tình yêu đồng tính đã nhanh chóng được công dân giới tính thứ ba yêu thích. Đọc thật kỹ lời ca khúc này, chúng ta có thể thấy những đoạn lời ỡm ờ về giới tính: "Vẫn biết yêu em là tìm không ra cho ta lối thoát. Đã trót đeo mang một số phận. Đã trót yêu thương thật khác thường... Số kiếp long đong rẽ sóng nhân gian, anh bơi ngược dòng". Có lẽ, đến thời điểm hiện nay, chỉ có ca khúc này thể hiện rõ nhất vấn đề tình yêu đồng tính. Đồng thời, chính nhạc sĩ Thái Thịnh trong bài trả lời phỏng vấn của Vietnamnet đã công nhận đây là bài hát anh viết cho giới đồng tính từ một câu chuyện có thật. Đây là bước đột phá hay là gì thì còn tùy thuộc vào suy nghĩ của từng người nghe nhạc.

Kịch và văn học e dè?

Đến thời điểm hiện nay, giống như phim, kịch cũng có các nhân vật đồng tính theo kiểu méo mó là chính. Tuy nhiên, vở kịch Tiếng chim vườn ngọc lan chuyển thể từ truyện ngắn của Trung Quốc được xem là một đột phá của làng kịch nói Sài Gòn trong đề tài về đồng tính với những day dứt, đau đớn trong khát vọng của một người thuộc giới tính thứ ba muốn sống đúng với bản chất mình.

Trên thế giới, đề tài đồng tính trong văn chương không còn xa lạ. Tuy mỗi nhà văn có cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau nhưng nhìn chung, tác phẩm văn chương về giới thứ ba đã ít nhiều giảm bớt việc bị cái nhìn định kiến và cấm kỵ của xã hội "theo dõi". Ở Việt Nam, thời gian gần đây, với Một thế giới không có đàn bà, Bùi Anh Tấn gần như đã ghi tên mình vào lịch sử văn học đương đại Việt Nam


Nhân vật Hoàng (trái) trong phim Một thế giới không có đàn bà

với tư cách là nhà văn viết cho người đồng tính. Trước đó, Người còn sót lại của rừng cười của nhà văn Võ Thị Hảo cũng có thể xem là có một góc nhìn về đồng tính nữ, mặc dù sự đồng tính đó không phải do bẩm sinh mà do hoàn cảnh trớ trêu gây nên. Nhà văn Bùi Anh Tấn từng tự sự rằng, quyển sách về giới đồng tính cho ông nhiều nhưng cũng lấy đi nhiều thứ. Dường như định kiến xã hội vẫn còn chụp mũ theo lối hễ ai viết về đồng tính thì bản thân người ấy... có vấn đề về giới tính. Có lẽ vì thế mà số lượng tác phẩm văn học nói về đề tài này còn khiêm tốn chăng?

Cần nhìn như một thực tế xã hội

Dù muốn hay không, giới tính thứ ba đã và đang tồn tại trong xã hội như một thực tế không thể chối cãi. Sự chối bỏ quyết liệt và lên án họ, phỉ báng họ dù chỉ qua tác phẩm nghệ thuật là việc làm thiếu tính nhân đạo. Tuy nhiên, ủng hộ những trò lố hoặc những hành động phản cảm của họ lại trái với chuẩn mực xã hội. Nếu không có gì thay đổi, tháng 8/2006 sẽ là thời điểm Bộ Y tế trình Chính phủ dự thảo nghị định về xác định lại giới tính. Đã đến lúc, chúng ta có cái nhìn trung thực và công bằng về vấn đề này.

Có thể khẳng định cho đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam không có dòng tác phẩm nghệ thuật dành riêng cho người đồng tính. Chỉ là rải rác đâu đó trong các ca khúc, phim ảnh, tác phẩm văn học, kịch. Thực sự, với các tác phẩm nghệ thuật, không có tiêu chuẩn dành riêng cho dòng tác phẩm về những người đồng tính. Vấn đề là người sáng tạo có chuyển tải những thông điệp giàu tính nhân văn, khơi gợi những cảm xúc tốt đẹp, tích cực trong lòng người tiếp nhận hay không. Có lẽ, chỉ nên xem đồng tính như một đề tài bình thường mà thôi!

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.