Nghệ thuật biểu diễn thời 4.0

12/09/2019 06:07 GMT+7

NSND Tống Toàn Thắng đã trải qua nhiều chương trình của Liên đoàn Xiếc VN. Đông có, vắng có, trong nước có, nước ngoài có. Nhưng chuyện làm ông rất nhớ là khi làm chương trình nghệ thuật tổng hợp Ionah, một chương trình rất nhiều kỹ xảo hình ảnh và ánh sáng.

“Chương trình được lập trình. Bấm nút cái là anh em vào diễn, sai một nhịp cũng không được. Anh em lúc đầu cũng sợ. Nhưng biểu diễn càng ngày càng phải nhiều chiêu giải trí để hấp dẫn khách”, ông Thắng nói trong hội thảo về Tác động của công nghiệp 4.0 tới nghệ thuật biểu diễn sáng 11.9 tại Hà Nội.
Không chỉ có thế, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, chúng ta đang chứng kiến việc các nhạc sĩ sáng tác trên máy tính và cũng đã có những diễn viên do máy tính sản xuất ra. Điều đó khiến mọi việc sẽ trở nên tiện hơn, cũng như khó khăn hơn.
Ở một góc độ khác, PGS-TS Phạm Duy Khuê nhìn nhận chúng ta cũng phải đối mặt với các giá trị ảo mà công nghệ tạo ra. “Lễ hội dùng ánh sáng như thế nào để đừng tạp nham hổ lốn. Lằng nhằng đủ thứ. Cái đó là đánh lừa. Chúng ta phải ưu tiên trí tuệ, bắt đầu bằng trí tuệ”, ông nói.

Đẩy mạnh kết nối

Trong khi đó, TS Phạm Việt Long, nguyên Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL, lại nhắc tới việc ngành nghệ thuật biểu diễn chưa tập hợp được cơ sở dữ liệu big data. Hiện, mỗi đơn vị số hóa một kiểu rồi không kết nối được với nhau. “Chúng ta phải có chuẩn nghiên cứu rồi định mã. Chẳng hạn, nhạc lên mạng phải MP3. Nếu không có định dạng chuẩn thì không tải lên được. Tôi chứng kiến nhiều nhà nghiên cứu điền dã, ghi chép, ghi âm, sau đó chuyển cơ quan hay qua đời là mất. Nhưng cái khổ là có cái mất không sưu tập lại được”, ông Long nói.
TS Ngô Tự Lập, Giám đốc Viện Pháp ngữ IFI, cũng cho rằng cần gấp rút gom và kết nối dữ liệu. IFI là đơn vị đã số hóa Nhà hát Lớn, và giờ công chúng có thể thăm Nhà hát Lớn ảo trên trang của nhà hát này. Chính việc kết nối, truyền dữ liệu dễ dàng của thời kỳ 4.0 cũng đặt lại những giá trị khác. Trước đây, một vở diễn lên truyền hình là được quảng bá. Nhưng giờ đây, nghệ sĩ lại sợ bị thiệt thòi về bản quyền. Đấy cũng chính là lý do vì sao Nhà hát Nhạc vũ kịch VN đang lưỡng lự có nên để Đài truyền hình VN truyền hình trực tiếp vở ballet Hồ Thiên Nga của mình không. Bởi truyền hình trực tiếp thì khó bán vé, còn phía nhà đài thì lại không trả tiền bản quyền vở diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.