Cuộc trò chuyện của chúng tôi đôi khi phải tạm dừng vì nỗi trăn trở với nghề trỗi dậy và đâu đó có cả những sự thật trong showbiz mà anh nói rằng “Thôi đừng ghi âm, buồn lắm”. Cũng có một Trung Dân ngoài sân khấu, say mê làm nông, vẽ tranh, viết truyện ngắn, chơi đồ xưa cũ…

Chúng tôi hẹn gặp tại ngôi nhà của nghệ sĩ Trung Dân ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Bước lên lầu 1, đập vào mắt tôi đầu tiên là một viên đá có hai chữ Cách mạng. Thấy tôi có vẻ tò mò, anh nói ngay: “Cách mạng với tôi nghĩa là cái mới. Tôi thích làm những điều mới mẻ chứ không có gì cao siêu cả”.

Được biết gia đình anh phần lớn theo ngành y, vì sao lại có một Trung Dân “xé rào” làm nghệ thuật?

Là do thời cuộc đẩy đưa và quan trọng nhất là cái duyên với nghề. Nghề này khi bước vô tôi như cá gặp nước. Lúc đầu tôi gặp khó khăn và gia đình không thích, nhưng sau đó má ủng hộ nên tôi cứ thế mà sống với đam mê.

Gần 30 năm vào nghề, điều gì khiến anh nhớ và trăn trở nhất mỗi khi ngồi ngẫm lại?

Tôi nhớ nhiều thứ lắm. Tốt có, xấu có, nhớ cái đối đãi của mọi người với mình và ngược lại. Tôi bây giờ chỉ muốn yên thân. Đi làm với tôi là mưu sinh, nhưng kèm theo đó là cá tính của tôi nữa. Chắc có lẽ tính tôi không chịu được những đối xử không công bằng trong showbiz. Tôi hay nhìn thấy được những điều đó nên muốn đấu tranh. Mà đấu tranh sẽ làm cho mình mất nhiều thứ về kinh tế, thậm chí có thể mất cả uy tín. Đôi lúc thấy mình cũng bị thiệt thòi. Nhưng tính cách làm nên số phận và số phận mình phải làm chuyện đó.

Anh có hàng trăm vai diễn nhưng phần lớn “chuyên trị” những vai già, khắc khổ, nông dân... ngay cả khi còn rất trẻ. Đó là “duyên” hay vì anh muốn hóa thân vào các nhân vật như thế?

Tôi có duyên với vai già. Tôi không bao giờ có tính toán hay suy nghĩ sẽ giành vai với bất kỳ ai. Tôi cho đó là sự an phận, nhưng trong công việc cũng có xảy ra mâu thuẫn. Trong giới này (showbiz - NV) còn có những cái lố bịch, phân biệt đối xử. Đã gọi là đồng nghiệp thì hãy cùng nhau tồn tại tạo sự thành công. Phải có sự thân thiện với đồng nghiệp, với người mới vô nghề, người già, vì số phận hoàn cảnh họ không được như ý... Bởi thành công không đến từ một người mà là tập thể. Khi anh bước lên sân khấu diễn, nhất là diễn độc thoại ai cũng khen. Nhưng nếu không có âm thanh ánh sáng, người đàn, hát, phụ họa thì anh có làm nên tiết mục đó hay không. Tất cả phải có sự cộng sinh với nhau đi đến thành công.

Có bao giờ Trung Dân kén chọn vai diễn hay phải đi “xin” vai?

Không, người ta đưa cái gì tôi đóng cái đó, vai gì tôi thấy được là đóng. Tôi suy nghĩ theo một cách duy tâm vai nào mà mình được nhận đó là ông tổ nghiệp cho và ông sẽ bảo vệ mình đến cùng. Khi mình không có được vai đó nên hiểu rằng tổ nghiệp đã phân cho người khác. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi “xin” vai là lúc còn ở Sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM), lúc nghệ sĩ Thành Lộc dựng vở về Nguyễn Trãi (Bí mật vườn Lệ chi). Ông ấy không phân vai cho tôi nên tôi “xin” và được cho vai Tạ Tốn.

Từng có người nói vì Trung Dân quá thẳng, quá thật nên không ít lần xích mích cùng đồng nghiệp?

Chuyện tôi xích mích với đồng nghiệp là có. Tôi không cành nanh với ai. Có những con người vì quá quắt nên tôi phải “luộc”. Tôi “luộc” vì suy nghĩ, cái cách đối xử bất công của họ với đàn em. Tính thẳng và thật của tôi cũng có 2 mặt. Tôi mất khá nhiều vì thẳng tính, nhưng đó là tính cách thật của tôi. Hồi đó tôi đóng một vai mà cứ diễn là tôi bị đánh. Ngày nào tôi cũng bị đánh hết (trầm buồn). Tôi bị đánh thật không phải giả. Bữa nào mà bạn diễn thấy sảng khoái, thong dong thì đánh tôi bằng chà chổi. Nhưng hôm nào tâm thức của họ trỗi dậy một điều gì đó không vui, họ đánh tôi bằng cán chổi. Chuyện đó tôi về nhà luôn giấu vợ. Khi tắm rửa nhìn những vết thương bầm tím nơi tay, tôi đau lắm (xúc động mạnh). Vì họ đánh trên đầu, tôi sợ trúng nên phải đỡ bằng tay.

Về sự thẳng thắn của mình, tôi biết đôi lúc người ta không thích. Người ta nói mật ngọt chết ruồi còn lời nói thẳng nghe khó chịu, nhưng tôi là thế. Có show tôi nghĩ mình không làm nữa nên đấu tranh cho người khác. Kết quả phần thiệt đúng là về tôi. Tôi chấp nhận, cái tôi vui mừng nhất là đã giúp được cho những người làm cùng mình bớt cực khổ, tôi thiệt chút không sao.

Anh cho rằng mình chỉ kiếm tiền đủ sống, nhưng trong một chương trình trước đây, Trung Dân từng tiết lộ thu nhập tiền tỉ và có 2 căn nhà tại Úc?

Tôi xin kể và cũng xem như là… đính chính thế này. Đó là lần tôi ngồi hóa trang trong một chương trình, ở hậu trường mọi người hỏi tôi về nhà nuôi yến, rồi chuyện nhà cửa. Tôi tâm sự với tư cách cá nhân rồi nói chơi là ở Mỹ có mấy căn nhà, Úc cũng mấy căn cho mướn. Tôi còn “nổ” mình có mỏ vàng... (cười lớn). Nhưng mấy ngày sau câu chuyện này lên báo. Gia đình tôi đọc, ba má tôi kêu về nhà la dữ lắm. Ba vợ tôi đọc cũng rầy. Bạn nghĩ sao khi nhà tôi vầy mà giàu có gì.

Mỗi khi nghe Trung Dân trò chuyện, mọi người đều nhìn thấy ở anh sự trăn trở, đau đáu với hài, với nghề. Anh nói gì về điều mình đang nghĩ?

Tôi nhìn thấy sự lụi tàn, không phát triển. Tôi vẫn đang chờ thế hệ kế tiếp có được thành quả. Tôi chưa khẳng định là không có, vì biết đâu nó đang tiềm ẩn và một ngày nào đó người ta phát hiện ra. Nhưng phải nói sự thật rằng trong mớ hỗn độn này thì chưa tìm ra. Ngày xưa xem một vở kịch từ rạp đến truyền hình chúng ta nhìn thấy những bứt phá, duyên dáng, thông minh... của người làm nghệ thuật. Bây giờ có vẻ như đi ngược lại. Tôi đôi lúc còn đang ngơ ngác không biết tôi là ai, đang làm gì trong nghề của mình. Tôi có nên chạy theo trào lưu hay tôi đứng lại, ngó phía sau. Một cái gì đó như hào quang đã tắt, một con đường lầy lội, không rõ ràng...

Trung Dân làm giám khảo Cười xuyên Việt (ẢNH: K.M)

Nói như vậy tại sao anh vẫn cứ dấn thân, vẫn bám trụ với nghề. Đó là vì cuộc sống hay vì một lý do nào khác, thưa anh?

Tôi đi theo, men theo để coi đó là gì. Đôi lúc tôi đi theo chỉ để phỏng vấn. Tôi không phải say sưa như ngày trước, tôi muốn khám phá. Tôi không nhảy vào để kiếm một chút gì đó tồn tại cho tôi, về tinh thần lẫn vật chất. Đối với tôi bây giờ là cuộc phiêu lưu. Tôi sống có mục đích và không phải tự động mà tôi lên mạng nói này kia để “chọc” mọi người, nhất là người trong giới. Có người nói tôi khoe mẽ, nhưng có những cái tôi làm kết quả tuyệt vời tôi không kể, giữ trong lòng, một ngày nào đó mọi người sẽ biết.

Trung Dân (phải) trong chương trình Ơn giời cậu đây rồi (ẢNH: Đ.T.PRO)

Về cải lương, nhiều người không nghĩ Trung Dân có thể đam mê và từng “sống tốt” nhờ cải lương?

Từ nhỏ tôi mê lắm, lớn lên có dịp lăn xả. Ngày trước tôi hay đi hát cho các đoàn tỉnh. Tiền cũng khá lắm (cười). Chạy show vùng sâu, xa. Đi ghe xuồng vô diễn. Tôi thấy được tình cảm bà con ngày trước dành cho cải lương lớn thật. Đêm diễn có khi nghệ sĩ xuống trễ 10, 11 giờ khuya mà khán giả vẫn chờ, coi đến 2-3 giờ sáng. Những ngày đầu tiên ca cải lương, lúc chú Viễn Châu (soạn giả cải lương - NV) còn sống, khi vô phòng thu, chú nói ê Trung Dân, trong cái nhóm hài kịch con là đứa ca chắc nhất. Chú khen là dân kịch mà hát cải lương chắc nhịp, rất duyên, rất cải lương...

Anh nhắc về cải lương với một trời kỷ niệm. Đến giờ vai nào khiến anh nhớ nhất?

Phải là hài hài. Hồi xưa tôi diễn tuồng Xử án Bàng quý phi với Vũ Linh, Tài Linh ở rạp Trần Hưng Đạo (TP.HCM) lúc đó đắt khách lắm. Tôi đóng vai Bàng Hồng. Tối ra diễn cầm cây quạt quạt mạnh một cái rớt bịch xuống đất. Ông Vũ Linh cười, bà Tài Linh cũng cười. Lẽ ra vai đó phải múa quạt cho rành. Nhưng tôi đâu có vũ đạo chuyên nghiệp nên mới vậy. Rồi đóng chung cùng chú Diệp Lang, Thoại Mỹ vở Ánh lửa rừng khuya. Tôi đóng ông Hội đồng Thăng, có cảnh tôi bước vô cầm cây bút bẻ gãy vứt xuống đất. Chi tiết này trong kịch bản không có. Nhưng tôi cứ diễn vì không thấy mạo hiểm. Đạo diễn Huỳnh Nga lúc ấy chấp nhận, chú cứ bảo: “Mày ca đi, diễn đi, khỏi chuốt”, rồi cười nói: “Tôi hiểu ý thằng… mất dạy này”. Tôi nghe xong hỏi sao chú chửi con. Chú cười khì: “Mất dạy phải rồi vì mày là dân kịch mà, ai dạy cải lương đâu” (cười lớn). Tôi nhớ suốt.

Vợ chồng Trung Dân thời trẻ (ẢNH: T.L)

Là người mang tiếng cười đến cho đời, vậy trong cuộc sống gia đình, Trung Dân ở vai trò là chồng, là cha thế nào? Anh gần như rất ít kể về gia đình mình?

Tôi có một bà xã và tôi sẽ sống với bà xã này suốt đời (cười). Tôi không có ý định thay đổi và tôi cũng không có lý do, điều kiện thay đổi. Chúng tôi cưới nhau lúc tôi 27 tuổi, giờ tôi 53 tuổi. Tôi có 3 người con gái, 1 đã lập gia đình. Các con không ai theo nghề của ba.

Trung Dân bên vườn cây trên sân thượng nhà anh (ẢNH: D.L)

Một người thẳng tính như Trung Dân trong cuộc sống gia đình thể nào?

Đôi lúc cũng gây gổ nhưng tôi chưa từng mạnh tay với vợ, bất đồng cãi nhau rồi thôi. Chúng tôi vẫn êm đềm. Tôi xách túi đi làm hết giờ là về, vui tính nhưng cũng nghiêm khắc lắm khi dạy con. Tôi sống căn bản, có lối sinh hoạt đồng quê dù ở thành phố. Trên sân thượng có khoảng sân trồng cây, nuôi con này con kia. Ở quê tôi cũng có miếng đất nho nhỏ trồng cây ăn trái. Tôi từng đi bán bưởi, trồng bưởi nuôi kiến vàng, tự chế phân hữu cơ bằng trái cây như chuối, thơm, khoai mì… trộn đường và nước để một thời gian rồi bón cho cây. Tôi còn thích đồ xưa cũ, cây kiểng. Ở đâu có xe cổ xưa, cây kiểng… là hay tới xem, coi tìm hiểu hỏi người ta để thêm kiến thức. Mỗi người có một triết lý sống hay lắm.

Trung Dân bên 2 tác phẩm tranh của anh (ẢNH: DẠ LY)
Trung Dân và niềm đam mê đồ cổ, xưa (ẢNH: DẠ LY)
Trung Dân bên viên đá có chữ Cách mạng anh yêu thích (ẢNH: D.L)

Nghe nói sắp tới anh có một nhóm kịch diễn xuyên suốt?

Tôi sẽ cùng một nhóm bạn làm những vở kịch, tập tành đàng hoàng rồi đi kiếm chỗ diễn. Không đóng đô ở đâu hết, gồm 6-7 thành viên, có thể chịu được cực khổ. Tên nhóm là Gia Định thành. Tiền bạc thì không có nhiều nhưng chúng tôi đến với nhau bằng đam mê. Tôi sẽ làm kịch về Nam bộ, những câu chuyện về vùng sâu xa, sông nước con người Nam bộ. Rảnh thì lên kênh YouTube của mình kể những câu chuyện vui, đồng quê cho mọi người nghe.

Bài viết: Dạ Ly
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
26.04.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.