Nghệ sĩ rút tác phẩm khỏi triển lãm vì trưng bày cẩu thả

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/12/2020 06:45 GMT+7

Nhiều ý kiến đánh giá Triển lãm mỹ thuật Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM quá cẩu thả, thiếu tôn trọng nghệ sĩ và tác phẩm.

Nghệ sĩ rút tác phẩm khỏi triển lãm vì trưng bày cẩu thả1

Tên tác phẩm được đính ngay vào chân tượng gỗ bày ngoài trời

ẢNH: KHOA ĐIÊU KHẮC

Những tấm thảm lót tượng cẩu thả

Tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Phan Tấn Toàn đã không thể trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam khi triển lãm này diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 22 - 29.12, sau khi đã được triển lãm tại Hà Nội.
Trước giờ khai mạc, ông Toàn nhận được thông tin từ ban tổ chức. Theo đó, ông sẽ mang tác phẩm điêu khắc bằng đồng của mình về sửa rồi bày sau. Việc trưng bày này có thể muộn hơn khai mạc một chút. “Tác phẩm có 2 vết ở tay và ở tay lái chiếc xe máy 67”, ông Toàn nói. Ông dự đoán trong quá trình vận chuyển tác phẩm đã bị lực tác động dẫn đến hậu quả như vậy. Ngày 23.12, nhà điêu khắc Phan Tấn Toàn cho biết có lẽ ông sẽ rút tác phẩm khỏi triển lãm tại TP.HCM.
Nhiều tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 tại TP.HCM cũng không may mắn hơn tác phẩm của ông Toàn. Chúng được trưng bày theo cách rất kỳ lạ.
Chẳng hạn, ban tổ chức dùng những miếng thảm màu ghi mép cong vênh đặt lên nền gạch hoa tông nâu đỏ rồi đặt tượng lên trên. Họ cũng kê thêm gỗ để lót mặt sàn chênh vênh rồi đặt tác phẩm điêu khắc lên. Tên tác phẩm được in lên giấy và đính lòng thòng ngay trên chính tác phẩm hoặc ở bục đặt tác phẩm. Tượng gỗ được đặt ở ngoài trời, không bục bệ, không mái che mưa nắng. Có tác phẩm điêu khắc màu đen vẫn còn nhiều vết sơn trắng mà không hề được lau.
Nghệ sĩ rút tác phẩm khỏi triển lãm vì trưng bày cẩu thả2

Miếng thảm cong vênh lót tượng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

“Sự cẩu thả, vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng của ban tổ chức triển lãm qua cách trưng bày tệ hại các tác phẩm điêu khắc trong một cuộc triển lãm lớn nhất nước. Người thưởng lãm sẽ đánh giá thế nào về tầm nhìn văn hóa và ý thức thẩm mỹ của một hệ thống văn hóa nghệ thuật lớn nhất nước”, tài khoản Facebook Khoa Điêu khắc bình luận. Tài khoản này cũng công bố những hình ảnh thực tế việc trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Trong khi đó, từ Đà Nẵng, ông Thân Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, đã quyết định không nhận lại tác phẩm sơn dầu của mình. Ông cho biết, tác phẩm của ông đã bị hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa được. “Tôi nghĩ có vật cứng hoặc là phù điêu hay cái gì đó đè lên mặt tranh, làm hình méo xẹo đi, màu bị bung ra. Tôi đứng gần, thấy hơi thở của mình cũng có thể làm mặt vải run bần bật”, ông Dũng nói.

Ngân sách không đền, ban tổ chức tự thỏa thuận

Ông Thân Trọng Dũng cho biết ông đã có 2 đơn khiếu nại gửi ban tổ chức. Theo đó, đơn đầu tiên ông viết tay ngay khi ra Hà Nội dự khai mạc Triển lãm mỹ thuật Việt Nam và thấy tác phẩm bị hỏng. Đơn thứ hai ông viết khi đã về Đà Nẵng và soạn thảo, đánh máy. Đặc biệt, trong đơn thứ hai, ông có ghi mức yêu cầu đền bù gửi Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ VH-TT-DL; Hội Mỹ thuật Việt Nam. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Dũng cho biết đây là bức tranh có giá ít nhất cũng hơn chục nghìn USD.
Nghệ sĩ rút tác phẩm khỏi triển lãm vì trưng bày cẩu thả3

Tượng được đặt chênh vênh

Họa sĩ Phạm Hùng Anh cũng dự kiến yêu cầu đền bù, sau khi bức tranh của ông đã mất khi gửi tới Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020, khi triển lãm này tổ chức tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội). Chiều 24.12, ông Phạm Hùng Anh cho biết đang chờ trả lời của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm. “Tôi muốn họ gửi văn bản trả lời rồi mới đưa ra yêu cầu đền bù. Giá trị bức tranh của tôi là khoảng 12.000 USD”, ông Hùng Anh cho biết.
Tác giả Cao Nam Tiến, người có bức chân dung bị xước ngang mặt, nói: “Tranh của tôi định giá là 5.000 USD. Nhưng tôi chỉ đưa ra mức cảnh cáo, khoảng 20% giá trị của tác phẩm”.
Trong khi đó, việc thương lượng đền bù thiệt hại của ban tổ chức với họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, người có tranh sơn mài bị xước, chưa có con số cụ thể. Ông Huy cho biết sẽ chờ con số mà Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đưa ra vì không muốn chủ động đưa ra số tiền cần bồi thường.
Chiều 24.12, ông Hoàng Hữu Chính, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ VH-TT-DL, cho biết về việc đền bù này Bộ đã họp và giao Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm chủ động trực tiếp gặp các tác giả để đàm phán giải quyết. Việc đền bù sẽ do cục này làm việc và thỏa thuận với tác giả. Tiền đền bù sẽ không lấy từ ngân sách nhà nước.
Ông Bùi Kỳ Đà, Phó giám đốc Triển lãm Vân Hồ, cho biết số tiền đền bù sẽ do các cá nhân có trách nhiệm liên quan chi trả. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm và đơn vị của ông sẽ họp và rà soát để quy rõ trách nhiệm.
“Nếu tác phẩm ở Triển lãm Vân Hồ không sao, nhưng mang vào trong đó lại hỏng thì Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cùng bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm. Nếu tác phẩm khi nhận ở Triển lãm Vân Hồ không sao, nhưng sau khi trưng bày tại đây lại hỏng thì Triển lãm Vân Hồ chịu trách nhiệm”, ông Đà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.