Nghệ sĩ Minh Nhí: 'Cầm cái rổ có thể vớt lên cả đống danh ca, danh hài'

07/03/2017 07:00 GMT+7

'Những người có ăn, có học chắc chắn không thích hài tục. Có thể người ta cười đó nhưng khi về lại nói 'dơ quá', chứ chưa chắc cười là khen', nghệ sĩ Minh Nhí thẳng thắn chia sẻ.

Chỉ có hai người xứng đáng là danh hài
* Những ngày qua, dư luận tranh cãi không ngừng về chuyện hài nhảm, hài tục đang lên ngôi. Là nghệ sĩ hài lâu năm trong nghề, lại là thầy của nhiều nghệ sĩ đã thành danh như Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương, Quốc Thuận..., anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Nghệ sĩ Minh Nhí: Chính xác là nghệ sĩ "tập" cho khán giả cười những cái xàm xí. Thật ra, nói "tập" thì hơi quá vì đó chỉ là trong những gameshow truyền hình thôi, còn sân khấu kịch thì người ta không chạy theo mấy cái đó đâu. Nhưng bây giờ gameshow, chương trình nhiều quá, đến mức tôi có cảm tưởng lấy chiếc rổ quơ một cái là hốt được cả triệu quán quân từ các cuộc thi. Khán giả thì không tốn tiền coi trong khi đến sân khấu kịch vừa tốn tiền vừa mất thời gian di chuyển lại mưa gió, xa xôi.
Cái từ danh hài bây giờ dễ dãi quá, cầm cái rổ vớt lên là cả rổ danh ca, danh hài. Một số ca sĩ kêu hát thiệt thì hát còn dở hơn người bình thường hoặc có những thí sinh hát còn hay hơn các nhân vật ngồi ghế giám khảo. Như vậy thì hỏi sao mà không bát nháo?
Nghệ sĩ hài Minh Nhí
Tuy nhiên cũng không thể quơ đũa cả nắm vì vẫn còn nhiều khán giả trung thành với sân khấu kịch và nhiều nghệ sĩ vẫn làm nghề một cách đàng hoàng, chân chính. Khi tôi mở sân khấu kịch, mọi người nói sao tôi gan quá, không để tiền trong ngân hàng đi. Tôi bảo, để tiền ngân hàng thì không mất đó nhưng những cái tôi muốn làm lại không được thực hiện. Người ta nói khán giả sẽ không tới thì tôi cứ làm rồi coi người ta có tới không, rồi tính sau.
* Nhưng anh cũng từng làm giám khảo, huấn luyện viên trong các chương trình truyền hình. Anh làm thế nào để chống lại những cái "xàm xí" ấy?
- Nói là "chống" lại thì hơi quá vì đúng như bạn nói, tôi từng làm giám khảo của nhiều chương trình, gameshow trong đó có những chương trình mà học trò tôi tham gia nữa. Làm sao tôi chống được khi tôi cũng ở trong đó? Tuy nhiên, tôi muốn mình kỹ hơn, hài thì phải sâu sắc, phải có bài học giáo dục, còn có xàm thì cũng ở mức độ cho phép, đừng dễ dãi quá, tục tĩu quá. Chứ một mình tôi sao chống lại được cả một trào lưu như vậy?
Tôi cũng lớn tuổi, cũng là bậc thầy nên ráng ở trong chương trình nào thì góp ý cho các bạn ở đó đừng dễ dãi quá, còn khi là huấn luyện viên thì phải dạy cho các bạn biết kết hợp học thuật với giải trí và kết hợp sao cho dễ thương vì có thể khi mình diễn có chiều sâu một chút hay bài học có ý nghĩa một chút thì sẽ "cứng" hơn mấy tiết mục xàm xí.
Ít ra tôi cũng góp một phần nào đó để cảnh báo các bạn trẻ là nếu các bạn cứ đi theo con đường như vậy là... "đi" luôn. Bằng chứng là gần đây, tôi và Quốc Thảo muốn dựng lại vở Tám người đàn bà mà khổ một cái là tìm hoài không ra những diễn viên có thể đóng tròn vai như chị Tú Trinh, Kim Xuân, Thanh Thủy... ngày trước. Càng về sau, lên sân khấu chỉ có diễn xàm thôi.
Minh Nhí trong vai trò huấn luyện viên Tiếu lâm tứ trụ và học trò của anh đã giành quán quân chương trình này
* Bản thân anh khi xem các chương trình hài trên truyền hình hiện nay có cảm thấy khó chịu?
- Tôi không cảm thấy khó chịu, chỉ là thích hay không thích thôi. Nếu không thích, tôi sẽ chuyển kênh. Cũng như một số chương trình mời tôi làm giám khảo, tôi nói thôi, không có thời gian vì tôi cũng nghe một số người chửi bới chương trình đó nhiều, còn chương trình nào thích là tôi nhận lời liền.
Các chương trình bây giờ, có khi tối tập, sáng mai đã ghi hình, rồi cắt xén, thêm tiếng cười, thêm khán giả rần rần, BTC kêu mấy trăm người đến xem. Vậy là người ta tưởng người ta hay thật nhưng khi đưa một vai diễn gai góc hay một vai trong vở kịch dài tầm 2 tiếng thì không trụ nổi. 
* Hiện nay có rất nhiều chương trình dẫn đến việc những tên tuổi được xem là "hot" liên tục xuất hiện trong vai trò giám khảo, khách mời thậm chí "chạy show" giữa các chương trình. Anh nghĩ như thế nào về "cơn sốt" này?
- Thì chính những điều đó mới dẫn đến hệ lụy là nghệ sĩ bị ảo. Người ta cứ tưởng xuất hiện thường xuyên là "hot" nhưng không phải. Bây giờ, rating do ai chấm? Hồi xưa, ông bà mình hay các anh chị như cô Kim Cương, cô Bạch Tuyết... làm gì có raiting nào đo mà họ vẫn nổi tiếng, được yêu thích qua bao nhiêu năm. Cũng như tôi hay Thành Lộc, Hữu Châu, Việt Anh, Thanh Thủy, Hồng Vân, Hồng Đào... có ai chấm rating đâu mà vẫn sống tới bây giờ?
* Thời của anh, "danh hài" có nhiều như hiện nay?
- Trước năm 1975, tôi không biết người ta có gọi là "danh hài" không vì lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng những nhân vật như chú Thanh Việt, Tùng Lâm, Phi Thoàn, Văn Chung, Khả Năng, Thanh Hoài... đều là bậc tiền bối mà ai ai cũng nể trọng.
Đến khi tôi biết nghề, tôi thấy chỉ có hai người được gọi là "danh hài". Đó là chú Sáu Bảo Quốc (đệ nhất danh hài) và anh Duy Phương (đệ nhị danh hài). Cả làng hài nhiều như vậy mà chỉ có hai danh hài. Tôi và các nghệ sĩ khác như Hồng Vân, Hữu Châu... cũng chỉ gọi là nghệ sĩ hoặc nghệ sĩ hài.
Thời gian sau, tôi được mọi người yêu thích, có một số tụ điểm gọi là danh hài Minh Nhí, cùng với danh hài Bảo Chung... Lúc đó tôi hạnh phúc lắm, giống như hồi xưa có danh ca Hùng Cường hay danh ca Khánh Ly. Còn bây giờ, danh ca, danh hài nhan nhản, đến cả một bạn vừa đoạt á quân một cuộc thi thôi mà đi diễn ở tỉnh cũng được gọi là danh ca rồi, một nhóm hài thi gameshow được á quân hay quán quân thì cũng được gọi là danh hài.
Cái từ danh hài bây giờ dễ dãi quá, như lúc nãy tôi có nói, cầm cái rổ vớt lên là cả rổ danh ca, danh hài. Một số ca sĩ kêu hát thiệt thì hát còn dở hơn người bình thường hoặc có những thí sinh hát còn hay hơn các nhân vật ngồi ghế giám khảo. Như vậy thì hỏi sao mà không bát nháo?
Nghệ sĩ Minh Nhí đã đi diễn và đi dạy cách đây nhiều năm
Người có ăn, có học chắc chắn không thích hài tục
* Là thầy của rất nhiều học trò, điều đầu tiên anh dạy cho học trò của mình khi bước vào nghề là gì?
- Đạo đức. Với lớp trẻ bây giờ cần phải dạy đạo đức vì tôi thấy đây là điều dễ bị bỏ qua lắm. Hồi xưa, lúc tụi tui nổi tiếng rồi nhưng khi gặp các bậc cô chú dù không nổi tiếng vẫn cúi chào, vẫn dạ thưa và không dám nói một câu nào để mất lòng. Còn bây giờ, nhiều người nổi tiếng rồi, ngay cả thầy còn không nhìn mặt.
Có lần, đồng nghiệp quay chung với tôi kể lại việc có những người tưởng mình là ngôi sao "hot" (không phải ngôi sao thực thụ) đi trễ 3-4 tiếng khiến ai cũng phải chờ đợi. Khi tôi vô đoàn phim, tôi điểm mặt, nói thẳng với người đó, nếu hôm sau còn như vậy, tôi sẽ lên xe đi về liền. Hôm sau thì người đó đến đúng giờ. Tại sao phải để người lớn chờ mình trong khi rồi các bạn cũng sẽ lớn, sẽ già, tên tuổi cũng sẽ đi vào lãng quên?
Học trò của tôi thì không đến mức như vậy nhưng nhiều đứa khi chưa có gì thì đi với mình hàng đêm, mình xin cho từng vai diễn, rồi đi ăn thì đưa mình về tận nhà nhưng khi được cái gì rồi thì nó biến mất hẳn. Được cái gì? Được qua những gameshow thì ảo lắm, tôi dám khẳng định điều đó.
* Vì sao anh gọi đó là ảo?
- Ảo nghĩa là chưa chắc đó là bản lĩnh thật, là học thuật thật hoặc khả năng thực sự. Ngày xưa, chúng tôi tập một vở mất 1-2 tháng còn bây giờ tham gia gameshow thì chỉ cần tập 2- 3 buổi thôi rồi lên diễn, may mắn được khán giả thích thì cứ tưởng là vai đỉnh. Vai diễn thật sự đỉnh là khi diễn 10 suất y như 10. Khán giả nổi hết da gà vì vai đó quá vui, quá sâu, quá hay. Những điều đó cũng từ đạo đức mà ra nên tôi và các anh chị trong nghề thống nhất với nhau, dạy học trò thì điều đầu tiên là dạy về đạo đức.
Nghệ sĩ Minh Nhí để lại nhiều ấn tượng trên sân khấu bởi ngoại hình và lối diễn khá đặc biệt
* Vừa qua khi học trò của anh - Việt Hương bị danh ca Hương Lan phản ứng gay gắt vì diễn hài tục, anh có chia sẻ điều gì với học trò của mình không?
Việt Hương về nước, tôi sẽ nhắc nhở ngay!
Nói về chuyện lùm xùm giữa Việt Hương và danh ca Hương Lan mấy hôm nay, Minh Nhí bảo do không trực tiếp chứng kiến nên anh không dám bình luận gì. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ hài khẳng định: "Nếu Việt Hương về đây, tôi sẽ nhắc nhở Hương việc vừa qua là bài học để Hương rút kinh nghiệm, dè dặt hơn trong lúc đứng trên sân khấu".
- Thật ra, chuyện chị Hương LanViệt Hương xảy ra bên Mỹ. Tôi không trực tiếp chứng kiến nên không biết rõ được. Tâm lý của chị Hai (danh ca Hương Lan - PV), tôi cũng rất hiểu và tôn trọng vì chị là thần tượng của tôi. Một bên là thần tượng, một bên là học trò nhưng do không trực tiếp chứng kiến, tôi không biết ai đúng, ai sai chứ không phải tôi hèn, không dám nói. Nếu có tôi ở đó, có thể tôi đã góp ý Hương đừng quá lố hay giải thích cho chị Hai là tụi nó giỡn thôi mà. Tuy nhiên, do không có mặt ở đó nên mình không thể nói gì được. Mọi người đừng vội đánh giá điều gì nếu không phải người trong cuộc.
Tôi thấy Việt Hương đã viết thư xin lỗi rồi thì cho dù đúng hay sai, cũng là biết tiếp thu. Còn chị Hai cũng tuyên bố kết thúc vấn đề rồi. Việt Hương ở Mỹ nhưng mỗi khi về Việt Nam thì luôn đến thăm hoặc gọi điện cho tôi. Mặc dù Hương bây giờ có thể "hot" hơn cả thầy nhưng rất tôn trọng và lắng nghe những gì tôi nói. Nếu Việt Hương về đây, tôi sẽ nhắc nhở Hương việc vừa qua là bài học để Hương rút kinh nghiệm, dè dặt hơn trong lúc đứng trên sân khấu.
* Là một nghệ sĩ hài, anh ý thức như thế nào trong việc giữ gìn hình ảnh của mình?
- Nói chung, tôi cũng cố gắng giữ nhưng nhiều khi "năm xui tháng hạn". Lên sân khấu, ra đường hay lúc đùa giỡn với bạn bè, mình cũng cố gắng giữ hình ảnh nhưng đôi khi đang diễn mà mình lỡ miệng nói câu gì không phải hay lúc giỡn với bạn bè bị hớ mà ai quay được rồi đưa lên mạng thì... cũng là một điều không mong muốn. Nghệ sĩ giỡn với nhau dễ sợ lắm nhưng không ai cố tình chà đạp lên hình ảnh của chính mình hết, ngay cả những nghệ sĩ hàng đầu cũng không dám làm vậy.
Minh Nhí là thầy của Việt Hương
* Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối hiện nay không chỉ có hài nhảm mà còn là hài tục nữa. Anh nghĩ sao?
- Hài tục nghĩa là làm cho người ta mường tượng những chuyện bậy bạ. Tôi nghĩ người ta cười đó chứ người ta không thích đâu, nếu có thích chăng thì chỉ một số nào đó thôi. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, những người có ăn, có học chắc chắn không thích. Có thể người ta cười lúc đó nhưng khi về lại nói "dơ quá", chứ chưa chắc cười là khen.
Cái hài sâu sắc mà tôi dạy học trò là tiếng cười đến từ tình huống, bởi vì đó là hài vĩnh cửu. Nhiều tuồng không cần tên tuổi nào hết mà khán giả vẫn cười sằng sặc. Còn hài từ lời nói hay hài hình thể, khai thác những yếu tố tục tĩu thì có thể người này diễn có duyên nhưng người khác lại không có duyên. Tôi chỉ quan tâm ráng làm sao để mình có những vở diễn đàng hoàng, phải có hài và có bi, đặc biệt là phải có tính giáo dục. Dĩ nhiên bên cạnh đó mình cũng phải phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện tại nhưng không phải là để chạy theo những cái xàm xí. Dung hòa giữa tính nghệ thuật và giải trí là ước mơ của tôi.
* Xin cảm ơn anh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.