Nghệ sĩ bức xúc vì 'thánh đường' cải lương quá tệ

29/05/2017 06:51 GMT+7

Cuối tuần qua, vở cải lương kinh dị Hồn ma báo oán đã khai diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang (Q.1, TP.HCM), nơi được xem là “thánh đường” cải lương phía nam, trong khi nhà hát vẫn chưa được nghiệm thu.

Cuối tuần qua, vở cải lương kinh dị Hồn ma báo oán (tác giả Vương Huyền Cơ, NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn) đã khai diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang (Q.1, TP.HCM), nơi được xem là “thánh đường” cải lương phía nam, trong khi nhà hát vẫn chưa được nghiệm thu.
Dù buổi diễn không được quảng cáo rầm rộ, vẫn có không ít khán giả trung thành với cải lương đến xem. Các nghệ sĩ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết họ rất xúc động trước sự xuất hiện của khán giả, bởi suốt 4 năm qua, khi nhà hát được đập bỏ để xây mới, họ luôn lo lắng khán giả sẽ mất dần thói quen đến rạp xem cải lương.
Đại diện Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết khán giả than phiền lối đi hẹp và quá dốc dễ bị trượt ngã, ghế ngồi không thoải mái có cảm giác như chúi về phía trước. Nhiều khán giả lớn tuổi nói rằng không đủ sức đi bộ lên lầu, còn muốn đi thang máy phải vòng vào đường hầm qua bãi gửi xe khá xa.
Chưa biết khi nào khánh thành
Khởi công từ tháng 4.2013, nhà hát cải lương dự kiến cắt băng khánh thành vào ngày 18.4.2015 với suất diễn đầu tiên là vở Chiến binh (tác giả Hoàng Song Việt). Vở diễn đã được dàn dựng khá quy mô nhưng cuối cùng phải đi diễn chỗ khác, trong lúc thanh tra của các cơ quan chức năng đến “thánh đường” làm việc. Nguyên nhân là công trình thiết kế ban đầu được Sở Xây dựng phê duyệt chỉ gần 60 tỉ đồng nhưng quá trình thi công phát sinh thêm nhiều hạng mục làm kinh phí đội lên đến 132 tỉ đồng. Nhiều ý kiến trong giới nghệ sĩ cũng không đồng tình với bản thiết kế thiếu khoa học, chưa phù hợp với loại hình nghệ thuật đòi hỏi nhiều thiết bị, cảnh trí hoành tráng như cải lương. Qua thanh tra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều sai phạm trong công tác lập dự án, đấu thầu, lại thêm chủ đầu tư chọn tư vấn không đủ năng lực khiến công trình thi công xong đưa vào sử dụng không phù hợp.
Gặp phóng viên Báo Thanh Niên khi đang chỉ đạo tập vở Hồn ma báo oán, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, than: “Chúng tôi vẫn đang ráo riết tập để biểu diễn, nhưng sân khấu quá thiếu không gian mở nên đành chịu chết. Sàn diễn thì bị “bóp” nhỏ lại, khó mà trang trí đẹp được. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng đang trục trặc chưa bàn giao nên các đoàn phải tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, những cái đã và sẽ khắc phục toàn ba thứ lặt vặt, còn lỗ hổng lớn nhất vẫn là sai về thiết kế. Nhà hát hiện đại gì mà không có chỗ để vật dụng biểu diễn, ban công nhô ra chiếm hết diện tích hai bên cánh gà, sân khấu quá nhỏ thì chỉ có nước dựng được những vở đơn giản, ít diễn viên mà thôi”.
Ông Đỗ Minh Tùng, đội trưởng hậu đài Đoàn 1 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Cầu thang thiết kế quá hẹp nên cảnh trí, đạo cụ dài 4 - 5 m không thể đưa lên tầng 3 được, chúng tôi phải cột dây kéo lên. Tuy nhiên đó là những đạo cụ nhỏ, còn nhiều cảnh trí cồng kềnh thì đành chịu thua. Như vở đang tập, với cảnh trí nhà nghèo thì còn dễ, ít vật dụng thì đưa lên được. Nhưng tới khi chuyển sang cảnh nhà giàu uy nghi, tráng lệ thì phải xin đạo diễn cho cắt vì không thể đưa lên. Hai bên cánh gà thì ban công lấn sâu xuống chật cứng, không nhúc nhích. Nếu sau này diễn các vở lịch sử hoành tráng chắc bó tay luôn”.
Nghệ sĩ Hoàng Minh Vương chua chát: “Tôi đi hát hơn 30 năm nay, chưa từng thấy nơi nào bất cập như sân khấu “thánh đường” này. Ai đời diễn ở tầng 2 mà phòng hóa trang thì nằm ở tầng 3. Vừa diễn xong chạy lên thay đồ, chạy trở xuống là hụt mất hơi, chưa kể nhiều phân cảnh phải thay đồ ngay làm sao kịp, trong khi trang phục cải lương lòng thòng rất dễ vấp té… Ghế ngồi thì quá nhỏ, thiết kế tận dụng diện tích quá đáng kiểu này ai dám tới thuê mướn mà kiếm thu nhập cho nhà hát”.
Chính vì bị phản ứng như trên mà theo NSND Trần Ngọc Giàu, đáng lý ngày 20.5 công trình Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ được khánh thành nhưng tiếp tục bị dời lại.
Vẫn phải sáng đèn
Dù sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mới xây chật chội nhưng các nghệ sĩ cải lương vẫn say sưa tập luyện và mong sẽ thường xuyên được hội ngộ khán giả ở “thánh đường”. Bốn năm qua, do không có chỗ diễn nên đời sống nghệ sĩ cải lương gặp nhiều khó khăn. Một số đi hát cho vài chương trình nhỏ lẻ, số khác phải tham gia game show để có thêm thu nhập.
Vào thời điểm này, vở Hiu hiu gió bấc của soạn giả Hoàng Song Việt dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Quốc Kiệt dàn dựng quy tụ nhiều ngôi sao cải lương: Lê Tứ, Quỳnh Hương, Tú Sương, Lam Tuyền, Lê Hồng Thắm... cũng đã được dàn dựng xong, chỉ còn chờ xếp lịch biểu diễn. Theo đạo diễn Quốc Kiệt: “Đây là một tác phẩm cải lương nhằm tôn vinh các nghệ sĩ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, được dàn dựng công phu. Chúng tôi sẽ diễn thể nghiệm để bắt đầu quen dần với các thiết bị máy móc của sân khấu mới”. Thế nhưng hiện sân khấu thể nghiệm ở tầng 3 có khả năng phải đập ra để sửa chữa lại toàn bộ vì trần quá thấp.
Tháng 1.2017, trong cuộc gặp gỡ giữa Thành ủy TP.HCM với văn nghệ sĩ, NSƯT Lê Tứ bức xúc: “Việc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xây dựng mới nhưng chưa đưa vào hoạt động khiến nghệ sĩ gặp nhiều thiệt thòi, đất diễn bị hạn chế nên không có điều kiện dụng võ”. Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM khi đó là ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng vì có quá nhiều bất cập ở nhà hát nên xin ý kiến cấp trên cho hoán đổi sang vị trí khác để xây nhà hát mới cho phù hợp. Ban đầu dự kiến nhà hát mới đặt ở Q.2, nhưng sau đó tại cuộc gặp gỡ bàn về các dự án văn hóa thể thao với lãnh đạo UBND TP.HCM, có ý kiến đề nghị nên thành lập Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng: cải lương, điện ảnh, kịch nói, thời trang ở Q.9... Rồi ông Khuê chuyển công tác, ông Nguyễn Hữu Việt về làm lãnh đạo Sở VH-TT rồi đi, vẫn chưa thấy dự án nào rục rịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.