Để làm được điều đó, không chỉ đòi hỏi ở người nghệ sĩ tài năng xuất sắc, mà còn cả sự khổ luyện ròng rã, đánh đổi bằng nước mắt và cả máu trên sàn tập.

Đảm nhận cả hai vai thiên nga trắng và thiên nga đen, chị làm thế nào để làm tròn từng vai diễn?

Đó là điều vô cùng khó mà ngay từ đầu tôi đã rất trăn trở. Thiên nga trắng và thiên nga đen giống như 2 khía cạnh đối lập, là cái thiện và cái ác trong mỗi con người. Trong khi người ta bao giờ cũng muốn phô ra cái thiện, nhưng chẳng muốn công nhận cái ác của mình cả. Lúc đầu, tôi dành thời gian xem clip của các ngôi sao ballet trên thế giới để học từ họ hơi thở, bước đi… Đó là những điều cần thiết khi môi trường học tập ở VN còn hạn chế. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra mình có thể học được nhiều điều, nhưng thứ mà mình không thể học, hay bắt chước được, chính là cảm xúc. 

Tôi dành thời gian để suy nghĩ về vai diễn và cách khai thác bản thân mình nhiều hơn. Chẳng hạn, nghĩ về vai thiên nga đen, tôi đặt mình trong hoàn cảnh muốn quyến rũ người đàn ông thì mình sẽ phải như thế nào; còn lúc muốn cười nhạo một người khác thì mình sẽ ra sao. Tôi cần tỏa ra năng lượng từ bên trong chứ không phải là đang tập cho vai diễn. Quan niệm của tôi là nếu người diễn viên còn cảm thấy mình đang biểu diễn thì rõ ràng khán giả sẽ không thấy được sự “chân thật” của họ. Trong những ngày tháng đó, có đôi khi tôi quên mất cả bản thân mình, gần như không còn tương tác với đồng nghiệp, những người xung quanh, đến nỗi ba tôi rất lo tôi không đủ tập trung khi đi đường. Ông gọi cho tôi và dặn: “Con gái đừng lái xe nữa”. Chỉ đến đêm diễn cuối cùng, lúc chụp ảnh, mọi người mới cười và bảo tôi: “Bây giờ mới là cái Huệ này, 2-3 tháng rồi không được gặp nó”.

Chị có gặp chấn thương với cường độ tập luyện như vậy?

Tôi làm việc từ 8 giờ 30 sáng, có ngày đến 6 giờ chiều mới kết thúc. Khoảng 2 tuần sau khi làm việc với anh Văn (đạo diễn - biên đạo múa Lê Ngọc Văn - PV), tôi bị co cơ lưng. Tôi hiểu khi đã được chọn vào vị trí solist, mình phải cố gắng tự khắc phục, còn nếu không được thì phải đưa ra quyết định sớm nhất có thể để không ảnh hưởng đến mọi người. Sau đó, từ những kinh nghiệm của mình, tôi dùng những cách ép dẻo khác nhau để giãn cơ dần ra. Mọi việc khá ổn cho đến khi tập luyện cả vai thiên nga trắng và thiên nga đen cùng lúc, tôi bị tràn dịch ở cổ chân bên phải. Khi thấy chỗ tràn dịch làm chân sưng vù lên, tôi quyết định xin nghỉ tập vài ngày, không làm gì cả, để tiêu dịch đi. Đó là cách tốt nhất, còn nếu cố múa thì chân sẽ tiếp tục sưng, rất nguy hiểm. 

Ở nhiều nước, nghệ sĩ ballet có phòng massage riêng, hay có bác sĩ chăm sóc, nhưng mình không thể so sánh với họ được. Các nghệ sĩ phải tự lo khi gặp chấn thương, nếu nặng quá và có chiều hướng xấu đi thì mới tìm đến bác sĩ thôi.

15 năm trước, điều gì khiến một cô bé 12 tuổi quyết tâm ra Hà Nội học múa?

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Ở quê mình, tôi nhìn thấy nhiều anh chị học rất giỏi. Học đại học xong, họ trở về quê nhưng khó khăn lắm mới xin được việc làm. Đi làm rồi lập gia đình từ sớm. Cuộc sống cứ như chuỗi lập trình như thế. Tôi không thích vậy. Tôi muốn được bước chân ra bên ngoài để xem cuộc sống như thế nào.

Xem tivi, biết trường múa tuyển sinh, tôi muốn được thử sức. Lúc đầu, ba mẹ tôi cũng chỉ nghĩ cho tôi đi thi thử. Khi tôi đỗ rồi, ba mẹ lại chùn chân muốn tôi ở nhà vì thấy còn bé quá. Lúc đó, tôi nói: “Ba mẹ không cho đi, con sẽ tuyệt thực”.

Đó là những háo hức của một cô bé được khám phá cuộc sống mới, nhưng khi ấy chị có ý thức được rằng học múa sẽ rất cực nhọc?

Lúc đó thì đúng là chưa, nhưng đến khi biết là vất vả rồi thì tôi cũng không cho phép mình quay đầu vì mình còn có sĩ diện chứ (cười). Mình đã quyết định rồi, mình phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. 

Tôi không phải là cô bé có suy nghĩ già dặn trước tuổi, mà đơn giản chỉ là không muốn làm ba mẹ buồn. Thời gian học múa, tôi ở cùng với chị họ, lúc đau quá, tôi vào nhà tắm vặn vòi nước thật to để tiếng khóc của mình không ai nghe thấy. Dù đau đớn cơ thể, tôi cũng không muốn khóc trước mặt ai, nhất là ba mẹ mình. Tôi không muốn con đường mình đã chọn, đã vất vả, đã khóc, đã đổ cả máu cũng khiến cả những người thương yêu mình phải khóc. Tôi chỉ muốn mọi người nhìn thấy những lúc mình vui, mình say mê, có được những vinh quang trên sân khấu. 

Ballet có giúp chị đủ sống?

Nghệ sĩ ballet vẫn được nhà nước “nuôi”, một tháng cả tiền tập và lương với một solist như tôi được nhận vài triệu đồng. Chỉ múa ballet không thôi thì rất khó nuôi được bản thân, phải làm cả những cái khác để nuôi tình yêu với ballet.

Tôi đi dạy múa, dựng chương trình, biểu diễn trong những chương trình bên ngoài, các bạn diễn viên khác đều như vậy. Tôi cũng chứng kiến nhiều hoàn cảnh, có những bạn diễn viên múa yêu ballet đấy nhưng vì kinh tế không đáp ứng được, họ không có cách nào khác là phải lo cho cuộc sống của mình trước, nên phải từ bỏ công việc đang làm.

Nhiều người chọn trở thành diễn viên múa đi diễn những show, chương trình truyền hình… Để duy trì tình yêu với ballet là khó vì bộ môn này khiến người ta đau đớn, cần sự rèn luyện, kiên trì rất cao. Những bộ môn khác kiếm tiền dễ hơn một chút, còn ballet không kiếm nhiều tiền được, chỉ có mang lại cho mình ánh hào quang thôi.

Từ lúc bắt đầu vào trường múa, đến lúc làm nghề, có bao giờ chị gặp phải cám dỗ khiến mình lung lay, muốn từ bỏ ballet?

Tôi thấy mình rất may mắn khi không phải gặp những cám dỗ như thế. Năm 16 tuổi, tôi không còn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Ngoài học bổng ở trường, tôi tham gia một vài chương trình nhỏ bên ngoài. Việc đó giúp tôi mỗi tháng có thể gom một số tiền để lo cho bản thân mình. Ngay từ những ngày ấy, tôi thấy mình không làm ba mẹ quá vất vả vì mình nữa, nên lại càng có quyết tâm học hơn.

Đến khi về Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, có giai đoạn tập vở, tôi thấy rất khủng hoảng. Chẳng hạn như khi tập vở Hồ Thiên Nga, suốt mấy tháng trời tôi không đủ tinh thần đi dạy thêm ở ngoài nữa, tôi thấy cần được nghỉ ngơi, nếu không sẽ khó có thể tập trung cho ballet. Tôi quyết định nói với cha mẹ học sinh rằng mình phải nghỉ dạy trong vài tháng. Nhưng rất may mắn, tôi lại được mọi người ủng hộ, đợi tôi quay trở lại. Có lẽ, tình yêu với nghề khiến tôi gặp may mắn. Mọi người công nhận sự cố gắng của tôi và muốn hỗ trợ cho sự cố gắng đó.

Ballet có thể mang lại cho chị ánh hào quang, nhưng chị có e ngại khi tuổi nghề với một nữ nghệ sĩ ballet sẽ không dài?

Tôi không thấy buồn đâu. Thậm chí, tôi vẫn nói với mẹ mình: “Con sẽ dừng lên sân khấu ở thời điểm con còn rất đẹp. Con muốn hình ảnh mình trong mắt khán giả và đồng nghiệp luôn đẹp”.

Là diễn viên múa ballet thì phải chấp nhận ánh hào quang đấy chỉ có trong một thời gian ngắn thôi. Thậm chí, ngay cả việc để lên vị trí solist không phải ngay từ ngày bắt đầu ai cũng có thể có được. Có những người đến lúc gần giải nghệ mới ở vị trí đỉnh cao, có được ánh hào quang đó. Nhưng tôi nghĩ, khi mình làm bằng tình yêu, sự say mê, thì mỗi năm, mỗi tháng mình trải qua đều có ý nghĩa lớn với cuộc đời.

Bây giờ, nhớ lại năm mình 12 tuổi, 18 tuổi lúc mới ra trường, hay lúc mình bỡ ngỡ được làm solist, tôi chưa thấy ngày nào của mình bị lãng phí cả, bởi tôi luôn sống với đam mê, cố gắng. Mình phải có vấp ngã thì mới thành công, và quãng thời gian đó làm cho tuổi trẻ mình hạnh phúc. Còn khi mình không còn trẻ nữa thì dĩ nhiên mình sẽ hạnh phúc theo cách khác, chứ không phải suy sụp khi đứng trên sân khấu. Khi yêu múa, mình có thể khai thác nhiều khía cạnh từ múa, chứ không nhất thiết phải đứng trên sân khấu mới là ánh hào quang.

Xin cảm ơn chị!

Báo Thanh Niên
21.03.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.