Nghệ sĩ Anh điêu khắc chân dung lãnh đạo G7 từ rác điện tử

Huệ Bình
Huệ Bình
27/06/2021 10:00 GMT+7

Ngày 27.6, kênh BBC Four phát phim tài liệu về nghệ sĩ Joe Rush - người gần đây gây chú ý với tác phẩm điêu khắc tái hiện khuôn mặt của các nhà lãnh đạo G7 từ rác thải điện tử.

Tác phẩm điêu khắc khổng lồ vừa nêu có tên Mount Recyclemore, được lấy cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc khuôn mặt tổng thống Mỹ trên đỉnh núi Rushmore (bang Nam Dakota, Mỹ). Các khuôn mặt trong tác phẩm Mount Recyclemore dựa trên chân dung các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mount Recyclemore được đặt tại Vịnh Carbis ở hạt Cornwall, gần với nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở phía tây nam nước Anh giữa tháng 6. Tác phẩm do Joe Rush cùng với nhà điêu khắc Alex Wreckage hoàn thành nhằm gây ấn tượng với lãnh đạo khối G7, thúc đẩy họ đưa ra những giải pháp và việc làm thiết thực hơn khi lượng rác thải điện tử tăng kỷ lục.

Nảy sinh ý tưởng từ… bồn tắm

Joe Rush năm nay 60 tuổi. Ông kể rằng ông nảy ra ý tưởng thực hiện các tác phẩm điêu khắc từ rác thải có thể tái chế vào một buổi sáng giữa mùa hè đầu những năm 1980 khi đang trong bồn tắm. Sau đó hí hửng với ý nghĩ bất chợt xuất hiện, phấn khích đến độ Joe Rush quyết định cạo sạch tóc của mình. Rồi sau đó khi bước chân ra đường, đi được một đoạn nhưng ông cảm thấy thiếu tự tin nên quay lại, đội chiếc mũ len rồi mới đi ra phố. 

Nhóm của Joe Rush thu thập khí tài quân sự ở khu đất gần tòa nhà Reichstag ở Berlin (Đức)

Ảnh: The Guardian

Joe Rush bị ám ảnh bởi bánh xe, luôn giữ các phụ tùng xe máy và khay hứng dầu nhớt trong phòng ngủ. Tại London vào năm 1984, ông cùng một số nghệ sĩ thành lập nhóm sáng tác tác phẩm nghệ thuật đề cao sự tự do sáng tạo và đi khắp châu Âu trong nhiều năm. Joe Rush kể với báo The Guardian “một số người nghĩ chúng tôi là những kẻ khủng bố” khi cả nhóm chất đầy khí tài quân sự ở khu đất gần tòa nhà Reichstag (Đức) không lâu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ (ngày 9.11.1989). Sau đó nhóm của Joe Rush làm ra nhiều tác phẩm điêu khắc từ những khí tài có được với mục đích làm ra một khu vườn hòa bình. Joe Rush gọi thời gian đi khắp châu Âu là trải nghiệm cuộc sống du mục giúp nhen nhóm tình yêu nghệ thuật vào những người gặp gỡ trên đường. Cuộc sống lang bạt 10 năm ở châu Âu chấm dứt vào năm 1995, Joe Rush trở về Anh để chữa bệnh cho con trai.

Bậc thầy của nghệ thuật đột biến

Trước tác phẩm điêu khắc Mount Recyclemore, ông Joe Rush được biết đến là người có tư tưởng nghệ thuật hoàn toàn khác lạ và gắn bó lâu dài với lễ hội nghệ thuật Glastonbury (Anh). Vào năm 1987, nhóm ông đã được giao một cánh đồng tại địa điểm tổ chức lễ hội. Khi đó, Joe Rush đã làm ra Carhenge, lấy ý tưởng từ di tích Stonehenge với vật liệu là chiếc xe cắm đầu xuống đất trông giống như đá nguyên khối. Nhiều năm sau đó, kính ngắm pháo hoa, robot, tác phẩm điêu khắc kỳ lạ như con phượng hoàng cơ khí khổng lồ treo lơ lửng trên sân khấu Kim tự tháp… trở thành điều đáng chú ý của lễ hội Glastonbury, và Joe Rush là người đứng đằng sau các ý tưởng. Năm 2012, Joe Rush được mời chỉ đạo nghệ thuật và biểu diễn lễ bế mạc Thế vận hội Paralympic ở London.

Nhà điêu khắc Joe Rush ở Berlin (Đức) năm 1989 (ảnh trên, bên trái). Joe Rush ở Ý năm 1990 (ảnh dưới, bên trái). Tác phẩm Carhenge năm 1987 (ảnh trên, bên phải) và những con kiến làm từ bình xăng xe máy ở phía nam London

Ảnh: REX, The Guardian

Trong khoảng thời gian phong tỏa do dịch Covid-19, Joe Rush tập trung vào sáng tác các tác phẩm điêu khắc động vật làm từ cờ lê, xích xe đạp, mũi khoan, bộ chế hòa khí…, ông gọi đó là những vật nuôi được tái sinh thành dị nhân biến đổi gien. Một số tác phẩm của ông gần đây được trưng bày tại tòa thị chính Fulham ở London, một phần của chương trình nghệ thuật Art in the Age of Now. Có cư dân mạng nói vui rằng các tác phẩm điêu khắc của Joe Rush chuyển từ đường phố, cánh đồng sang phòng trưng bày. Joe Rush chia sẻ: “Trẻ em có thể nhìn thấu những điều vô nghĩa. Và tôi cố gắng mãi là một đứa trẻ theo nghĩa đó”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.