Nghệ nhân Việt dựng tượng sáp 100 nghệ sĩ

23/04/2016 07:07 GMT+7

Vợ chồng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông đã mất hơn 10 năm nghiên cứu, “chia tay” 2 căn nhà ở TP.HCM và miếng đất “của để dành” ở Đà Lạt, để thực hiện đam mê dựng tượng sáp.

Vợ chồng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông đã mất hơn 10 năm nghiên cứu, “chia tay” 2 căn nhà ở TP.HCM và miếng đất “của để dành” ở Đà Lạt, để thực hiện đam mê dựng tượng sáp.

Vợ chồng anh Đông bên tác phẩm của mình - Ảnh: Độc LậpVợ chồng anh Đông bên tác phẩm của mình - Ảnh: Độc Lập
Trước khi đến với niềm đam mê này, anh Đông và vợ làm kinh doanh, sản xuất cây - trái giả bằng nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ và đầu tư bất động sản. Khi đó, cứ dư dả thì anh chị lại dắt nhau đi du lịch. Họ bắt đầu chú ý đến bảo tàng tượng sáp trong những chuyến đi du lịch nước ngoài, rồi bị những bức tượng mê hoặc lúc nào không hay.
Tự nghiên cứu cách đúc tượng
Anh Đông cho biết thời gian đầu nghiên cứu, anh có nhờ người thân ở Anh, Pháp đến các cơ sở đúc tượng xin làm công nhân để học nghề, với hy vọng có được chút “bí kíp” và chia sẻ lại với anh. Tuy nhiên dự định này bất thành do không nơi nào nhận “người ngoài” cả. Sau đó, anh lại nhờ bạn bè đến một số bảo tàng ngỏ ý xin mua công nghệ chế biến tượng sáp, cũng chẳng nơi nào bán hết. Cuối cùng, quá đam mê, anh chị đã dày công đầu tư cả tâm sức lẫn tiền của để từ một người không hề được đào tạo, sau hơn chục năm trời tự mày mò tìm hiểu về chất liệu, công thức... giờ đây họ đang thực hiện dự án dựng tượng sáp 100 nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực, chuẩn bị trưng bày vào cuối năm nay.
“Vì không có khuôn mẫu nào nên việc tìm chất liệu và chế biến vô cùng vất vả, mất thời gian. Đến khi có được chất liệu thì gặp khó khăn khác, vì mọi thứ đều từ con số 0. Chẳng hạn ban đầu, chúng tôi nghĩ chỉ ướm chừng chiều cao và kích cỡ để đúc tượng. Nhưng khi đúc xong mặc quần áo vào thì trông rất đơ. Thế là phải làm lại, bằng cách khác, kỹ càng chi tiết hơn từng số đo một”, anh kể. Và tượng đầu tiên anh chị đúc là... chính mình. “Phải làm hàng chục tượng về nhau, chúng tôi mới thấy... tạm được”, vợ anh Đông nhớ lại.
Khi thuần thục các công đoạn, theo quy trình từ số đo - tạo hình - làm khuôn - đổ sáp - xử lý - làm da, chỉnh màu - cấy tóc, lắp răng - trang điểm, anh chị đăng ký giấy phép kinh doanh, và bắt đầu nhận những đơn hàng đầu tiên, chủ yếu là tượng Phật và một số tượng trụ trì các chùa.
Nghệ sĩ Thanh Bạch bên tượng sáp của mình - Ảnh: N.D
Tượng sáp có thể giữ được hơn 100 năm
“Qua một người bạn, dự án về tượng sáp nghệ sĩ Việt của chúng tôi đến tai ca sĩ Lý Hải. Anh cũng là người ủng hộ đầu tiên và mạnh dạn cho phép chúng tôi làm tượng cho anh. Tôi nói mạnh dạn bởi nhiều nghệ sĩ ban đầu rất ngại khi tôi đặt vấn đề này, có thể họ chưa có niềm tin hoặc sợ điều gì đó”, anh Đông nói.
Bất ngờ và vui sướng khi lần đầu nhìn thấy tượng sáp của mình, Lý Hải đã gọi ngay anh thợ chuyên cắt tóc cho mình sang xưởng anh Đông để cắt tóc cho tượng sao cho giống nhất. Còn nghệ sĩ Thanh Bạch thì tự tay sấy - chải lại mái tóc và trang điểm cho bức tượng của anh gần 2 giờ đồng hồ, trong tâm trạng đầy hào hứng. Nếu ban đầu khi lấy số đo, nghệ sĩ Út Bạch Lan tỏ ra lo lắng bao nhiêu thì khi thấy tượng mình, bà xúc động và khóc nhiều bấy nhiêu... Hầu như tất cả nghệ sĩ đều chọn bộ trang phục ưng ý nhất để mặc cho bức tượng của mình. Không chỉ ở VN, một số nghệ sĩ đang định cư ở nước ngoài như Thanh Hằng (Úc), Minh Trang (Singapore), Phương Oanh (Pháp)... cũng sắp xếp kết hợp công việc để về VN sớm nhất sau khi nhận lời mời của vợ chồng anh Đông.
Có nhiều nghệ sĩ sau khi thấy tượng của mình đã ngỏ ý với vợ chồng anh Đông để làm tượng cho ba mẹ họ. Và việc kinh doanh tượng sáp của vợ chồng anh cũng dần ổn định hơn khi những đơn hàng từ người bình thường gửi đến ngày càng nhiều. “Mỗi tượng chúng tôi làm trong 2 - 3 tháng, với giá dao động từ 200 - 300 triệu đồng/cái. Sau dự án tượng sáp nghệ sĩ, chúng tôi sẽ bắt tay vào dự án tượng sáp 54 dân tộc VN”, anh Đông cho biết.
Theo anh Đông, để tạo nên vẻ tự nhiên và có hồn, tượng sáp được cấy từng sợi tóc thật, răng sứ nha khoa, mắt y tế (công nghệ nước ngoài)..., sau khi hoàn thiện, anh còn mời nghệ sĩ đến để xem, chỉnh sửa lại lần cuối. Sau Lý Hải, mới có nghệ sĩ Út Bạch Lan, Đinh Bằng Phi, Thanh Bạch “diện kiến” chính mình. Anh Đông cho biết tất cả chất liệu nhập từ Nhật, Đức, Pháp, Mỹ, và sau khi chế biến, thử nghiệm tạo thành chất liệu phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, tuổi của tượng sáp có thể đảm bảo từ 100 năm trở lên.
Sẽ trưng bày ở Nhà hát Hòa Bình cuối năm nay
Anh Đông cho biết sau khi làm việc với Ban Giám đốc Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), dự kiến 100 tượng sáp nghệ sĩ Việt đầu tiên sẽ được trưng bày tại lầu 3 nhà hát vào cuối năm nay. Sau đó, nếu được sự đồng ý của nghệ sĩ Hoài Linh, số tượng này sẽ chuyển đến trưng bày trong khuôn viên Nhà thờ tổ của anh ở Q.9, TP.HCM.
Hiện tại đã có hơn 20 tượng của nghệ sĩ được hoàn thiện 80% (đang chờ người thật đến xem, chỉnh sửa lần cuối tại xưởng chế tác ở H.Nhà Bè, TP.HCM) là: Thanh Tòng, Út Bạch Lan, Thanh Nam, Châu Thanh, Hoài Linh, Thành Lộc, Thanh Bạch, Quyền Linh, Hồng Vân, Thanh Thủy, Minh Nhí, Hải Phượng, Thanh Kim Huệ... Tượng của các nghệ sĩ đang được thực hiện có: Phùng Há, Trần Văn Khê, Bắc Sơn, Đoàn Bá, Mạc Can, Thế Anh, Giao Linh, Phương Dung, Việt Trinh, Thoại Mỹ, Thanh Vy, Kim Xuân, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Chí Tài...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.