Ngày xuân viếng mộ thi nhân

12/03/2015 10:27 GMT+7

Tổ chức đi viếng mộ các thi nhân, văn sĩ đã khuất trong dịp năm mới là hoạt động giàu nhân văn mà giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên-Huế thực hiện trong nhiều năm qua. Nét đẹp ngày xuân này còn hứa hẹn là tour du lịch hấp dẫn.

Tổ chức đi viếng mộ các thi nhân, văn sĩ đã khuất trong dịp năm mới là hoạt động giàu nhân văn mà giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên-Huế thực hiện trong nhiều năm qua. Nét đẹp ngày xuân này còn hứa hẹn là tour du lịch hấp dẫn.

Ngày xuân viếng mộ thi nhânNhà văn Mai Văn Hoan (Huế) trò chuyện với các bạn trẻ yêu văn chương bên mộ nhà thơ Thanh Tịnh - Ảnh: Đình Toàn
Ăm ắp tình người
Ngôi mộ của nhà thơ “Phương Xích Lô” (Nguyễn Văn Phương, 1951 - 2002) nằm khá dung dị trên một phần đất mặt tiền đồi Tam Thai (đường Tam Thai, TP.Huế). Ngôi mộ được xây tươm tất, gọn gàng, cạnh mộ có bài thơ Thiên thu ca của ông được bạn bè tạc đá dựng lên. Nếu không được giới thiệu, hẳn ít người biết đây là mộ phần của một thi nhân tài hoa mà nghèo khó, quái kiệt một thời ở xứ Huế, vốn được xây dựng từ sự giúp đỡ của bạn bè văn nghệ sĩ. Nhiều năm nay, cứ dịp đầu xuân hay trung tuần tháng giêng là các văn nghệ sĩ lại đến viếng ông, hầu hoặc tế rượu cho ông như thắp lên chút tình xuân ấm áp nơi mộ phần. Không phân biệt lớn bé, gia cảnh, họ tộc, những danh nhân, văn sĩ có đóng góp cho nền thi ca, văn hóa nước nhà nếu mộ phần ở nơi không quá trắc trở đều được anh em văn nghệ sĩ ghé thăm, nhan đèn, trà rượu. Có nơi, đoàn ngồi lại nhâm nhi ly rượu tâm sự đôi điều, đọc vài câu thơ, kể thêm vài chuyện văn chuyện đời như mối ân tình chưa bao giờ chia cắt.
Nhà lưu niệm của cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự nhiều năm nay thường là điểm đến đầu tiên của đoàn. Tiếp đó là những mộ phần ở khu nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu nằm trên đồi Quảng Tế ở phía tây nam TP.Huế. Đây là nghĩa trang mà lúc sinh thời nhà chí sĩ yêu nước này lập ra để làm nơi an táng những chiến sĩ có công, những người hy sinh vì đất nước. Năm nay, có 3 “địa chỉ” mới được đoàn tổ chức đến dâng hương thăm viếng là mộ cụ Phạm Quỳnh (1892 - 1945), nhà thơ Phạm Hầu (1920 - 1944) và nhà thơ Thanh Tịnh (1911 - 1988). Mỗi người một thân phận, một gia cảnh, chí hướng cũng khác nhau. Có người không phải quê quán ở Huế nhưng cơ duyên thế nào mà xác thân bao năm qua đã mãi nằm lại trên vùng đất sông Hương núi Ngự. Khi đoàn đến viếng mộ cụ Phạm Quỳnh có ông Nguyễn Hữu Oánh, năm nay 77 tuổi, nhà ở gần khu mộ cụ Phạm Quỳnh, không bà con thân thích gì nhưng năm nào cứ dịp đầu xuân là cụ Oánh đến mộ viếng thăm, vừa để ấm lòng người đã khuất.
Bỏ lỡ một tuyến du lịch
Đây là năm thứ 7 chương trình “Ngày xuân viếng mộ thi nhân” được tổ chức ở Huế - vùng đất thi ca, giàu văn hóa và cũng là nơi có nhiều mộ phần của các văn nhân, thi sĩ tên tuổi của đất nước. Huế được mệnh danh là một “bài thơ đô thị”, mộ phần của phần lớn các văn nhân, thi sĩ tên tuổi lại được an táng ở các ngọn đồi ngoại vi Huế, nơi có ngàn thông reo vi vu và rất nhiều cây xanh tạo cho người viếng mộ cảm giác dịu mát hay một chút u hoài trong khói nhang. Đặc biệt, nếu không trải nghiệm, hẳn nhiều người, nhất là các sinh viên, học sinh chỉ biết qua sách vở mà không biết mộ phần của những danh nhân, nhà văn như Phan Bội Châu, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, nhà văn Hải Triều... chỉ cách trung tâm thành phố chừng 10 phút đi xe máy. Hoặc khó mà biết rằng ở khu vực đồi chùa Từ Hiếu giữa muôn trùng lăng mộ, lớp lớp thông xanh là nơi an táng của các bậc danh nhân như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870), hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng. Ông là nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 19, người được tôn xưng Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường, cũng là người từng được vua Tự Đức xưng tặng là Nhất đại thi ông. Cũng ở đấy, có ngôi mộ chung của Trần Cao Vân - Thái Phiên, hai nhà yêu nước có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị hành hình dã man. Hay có cả di tích lịch sử quốc gia - lăng của Hoàng triều Tham tri Bộ Lễ Trần Thúc Nhẫn - cái tên vốn nhiều người Huế chỉ biết đó là con đường đẹp hướng ra sông Hương trong những lúc đi lại.
Viếng thăm mộ của các danh nhân, thi nhân, từ những tên tuổi ở đồi chùa Từ Hiếu hay hướng lên nghĩa trang nhân dân TP.Huế với mộ phần của họa sĩ Bửu Chỉ, nhà văn nhà báo Thái Ngọc San, nhà thơ Thanh Tịnh, nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng... đều không chỉ là sự sẻ chia, tri ân mà còn được nghe, được kể lại những câu chuyện nhân văn, những áng văn, những bài thơ và cả câu chuyện, thân phận con người gắn với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, cho biết việc tưởng nhớ và viếng mộ thi nhân vào ngày xuân ban đầu do một số ít anh em văn nghệ sĩ thường đến mộ viếng thăm những thi nhân là người thân hoặc bạn bè đầu xuân, sau đó hội thấy việc làm này hay, có ý nghĩa nhân văn nên đã đưa vào chương trình hoạt động thường niên vào dịp đầu xuân. Tuy nhiên theo họa sĩ Tựu thì đã qua 7 năm tổ chức nhưng hoạt động này chỉ là tấm lòng của anh em văn nghệ sĩ với bạn bè, các thi nhân và văn sĩ đã khuất chứ chưa thấy ngành du lịch quan tâm để tổ chức thành tuyến du lịch hấp dẫn. Còn nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương thì tiếc rẻ: “Ở Quy Nhơn, chỉ một ngôi mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử thôi người ta cũng tổ chức được các tour rầm rộ, mọi người khắp nơi tìm đến mộ của nhà thơ. Còn ở Huế thì có rất nhiều mộ phần của các văn nhân thi sĩ nổi tiếng, những tên tuổi lớn không chỉ đóng góp cho nền thi ca, văn học mà đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc nhưng rất tiếc điều này chưa được khai thác du lịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.