'Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay...'

Ngọc An
Ngọc An
05/02/2018 06:39 GMT+7

Người nhạc sĩ viết lời ca như một chân lý cuộc sống, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc VN - nhạc sĩ Hoàng Vân, đã dừng bước chân trên con đường trần.

Khối di sản âm nhạc đồ sộ
Chàng trai Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Vân) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học tại Hà Nội. Tình yêu nước đã sớm đưa ông đến với cách mạng. Năm 1954, khi đang công tác tại Sư đoàn 312 tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã viết ca khúc Hò kéo pháo, và lời ca “hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo” đã vang lên khắp các chiến trường. Lúc sinh thời, nhạc sĩ nói rằng, ông viết ca khúc khi đang là chiến sĩ Điện Biên, chứ không phải là nhạc sĩ. Và Hò kéo pháo đã khẳng định tài năng của chàng chiến sĩ khi đó mới 24 tuổi, khiến ông rẽ sang một bước ngoặt mới với việc được cử đi học âm nhạc tại nước ngoài, trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.
Khi về nước, nhạc sĩ Hoàng Vân tham gia chỉ huy dàn nhạc và chỉ đạo nghệ thuật tại Đài tiếng nói VN, đồng thời giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, sau này là Học viện Âm nhạc quốc gia VN, và tiếp tục sáng tác. Ông đã để lại khối di sản âm nhạc đồ sộ. Những sáng tác của ông phong phú về thể loại, từ nhạc giao hưởng, thính phòng hợp xướng, cho đến ca khúc, nhạc thiếu nhi, nhạc phim; đa dạng về đề tài, từ tình yêu quê hương, đất nước, đến ca khúc chính trị, chiến tranh, lĩnh vực ngành nghề.
“Nhạc sĩ Hoàng Vân là một gương mặt lớn của nền âm nhạc VN với các sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng đáng kể nhất là lĩnh vực sáng tác giao hưởng và ca khúc”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Một biệt tài của nhạc sĩ Hoàng Vân là khai thác âm hưởng dân gian trong sáng tác ca khúc. “Cách khai thác ấy đã trở thành chuẩn mực cho các thế hệ nhạc sĩ sau này khi sáng tác. Chẳng hạn, ông đã khai thác âm hưởng của điệu hò sông Mã vào trong ca khúc Hò kéo pháo, sáng tác theo nhịp hành khúc, cổ vũ tinh thần chiến sĩ và đồng bào ta. Hay ông khai thác âm hưởng hò khoan Quảng Bình vào trong ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! tài tới mức một ca khúc có cấu trúc lớn hơn bình thường, gồm nhiều đoạn nhạc tiếp nối nhau vậy, nhưng lại dễ nhớ, dễ thuộc và phổ biến khắp cả nước, chứ không chỉ trong phạm vi địa phương”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá.
Người mang tư tưởng mới
“Trong đầu tôi lúc này lại vang lên lời ca Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Một câu hát dung dị nhưng lại mang triết lý nhân sinh quan, đúng với mọi thời đại, mọi cá nhân, cho thấy tầm vóc tư tưởng của người nhạc sĩ”, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ. Anh vẫn nhớ lần thể hiện ca khúc Tâm tình người thủy thủ với tinh thần mới trẻ trung và gần gũi. “Nhạc sĩ Hoàng Vân ngồi dưới lắng nghe và gật đầu. Tôi đã được thấy một người nhạc sĩ lớn tuổi chấp nhận, ủng hộ người trẻ được thể hiện cái tôi, làm mới sáng tác của ông. Điều đó cho thấy một người nhạc sĩ có tư tưởng mới, cái nhìn cấp tiến và cởi mở với người trẻ”, ca sĩ Tùng Dương nhớ lại.
Nhạc sĩ Hoàng Vân có hai người con, con gái là Lê Y Linh - nhà nghiên cứu âm nhạc hiện đang sống và làm việc tại Pháp, và con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Macedonia. Nhạc trưởng Lê Phi Phi từng chia sẻ, bố mẹ anh là những người tiên tiến và cởi mở, việc các con sống ở đâu không quan trọng bằng tình cảm với gia đình thế nào và sống ở nơi có thể phát huy hết tiềm năng.
Cách đây 3 năm, nhạc sĩ Hoàng Vân lâm bệnh nặng, nhạc trưởng Lê Phi Phi về nước để chăm sóc bố. Khi đến thăm ông tại bệnh viện, người viết đã được thấy sự lạc quan của nhạc sĩ. Lúc mệt ông thiếp đi, nhưng lúc tỉnh táo, ông lại nói những câu chuyện vui để mọi người cùng cười, thậm chí ông còn nghêu ngao hát. Giữa lúc đang phải chống lại bệnh tật, ông vẫn không quên cảm ơn người giúp việc đã tận tình chăm sóc mình. Những điều tuy nhỏ nhưng khiến người ta dễ dàng cảm nhận về một người con trai Hà Nội hào hoa, lịch sự, nhã nhặn.
Người nhạc sĩ lớn ấy lâu nay vẫn sống yên bình tại phố Hàng Thùng. Ông sinh ra, lớn lên và rồi ra đi cũng từ góc phố cổ của Hà Nội. Ngày hôm nay, bước chân ông đã thôi không còn bước trên những con phố nhỏ của Hà Nội, nhưng những tác phẩm của ông sẽ mãi còn vang lên trong đời sống âm nhạc hôm nay và mai sau. Những lời ca ông viết sẽ vẫn nguyên giá trị nhắc nhớ mọi người về tình yêu với cuộc sống, con người, quê hương, đất nước: Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay…
Nhạc sĩ Hoàng Vân từ trần vào hồi 4 giờ sáng 4.2, tại nhà riêng ở Hà Nội.
Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thanh niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội, rồi làm phụ trách thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Ông tham gia đội tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.
Hòa bình lập lại, ông được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Trở về nước, ông công tác tại Đài tiếng nói VN, tham gia chỉ huy dàn nhạc, chỉ đạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, ông còn tham gia giảng dạy bộ môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội, sau này là Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Nhiều học trò của ông là những nhạc sĩ nổi tiếng như An Thuyên, Văn Thành Nho, Phú Quang…
Nhạc sĩ Hoàng Vân là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Hò kéo pháo, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Người chiến sĩ ấy, Hát về cây lúa hôm nay, Chào anh giải phóng quân, Tình ca Tây nguyên... Ông cũng là tác giả của nhiều ca khúc thiếu nhi được yêu thích như: Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia… Ông viết nhạc cho nhiều bộ phim như Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu… Nhiều bài của ông trở thành “ngành ca”: Tôi là người thợ lò, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca giao thông vận tải…
Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.