Ngàn năm áo mũ

15/04/2013 03:20 GMT+7

Bức tranh trang phục của người Việt xưa bị che mờ do sự khuất lấp, thiếu thốn của sử liệu và hiện vật. Tập sách Ngàn năm áo mũ (tác giả Trần Quang Đức) mang tham vọng phần nào vén lên màn sương lịch sử dày đặc ấy.

Ngàn năm áo mũ dự kiến phát hành vào đầu tháng 5, là công trình của một nhà nghiên cứu mới 28 tuổi nhưng đã được nghệ nhân Trịnh Bách - người nhiều năm theo đuổi việc phục hồi trang phục cổ, hết lời khen ngợi: “Việc ra đời của quyển sách Ngàn năm áo mũ là một sự cứu rỗi may mắn. Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay. Tác giả với vốn liếng ngoại ngữ và cổ văn rất cao đã bỏ ra nhiều năm lăn lộn, tìm tòi ở Việt Nam và các nước, nhất là Trung Quốc, để có được những tài liệu quý giá và chính xác đúc kết nên tác phẩm này”.

Hiện vật áo Cổn triều Nguyễn
Hiện vật áo Cổn triều Nguyễn 

Trần Quang Đức, từng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), hiện là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu văn học Việt Nam,  bày tỏ: “Thái độ nghiên cứu khoa học không nên chịu ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị cũng như tinh thần dân tộc cực đoan”. Phương pháp nghiên cứu của anh là đối chiếu - so sánh sử liệu, hiện vật, tiến hành khảo sát sử liệu, hiện vật dựa trên tính đồng đại của chúng.

 

Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay

Nghệ nhân Trịnh Bách

Bức tranh từ thời Lý đến thời Nguyễn

Ngàn năm áo mũ làm rõ kiểu dáng và quy chế các loại áo mũ được sử dụng trong cung đình và dân gian Việt Nam trong giai đoạn từ 1009 - 1945, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn.

Trong suốt gần một ngàn năm lịch sử, trang phục cung đình hầu hết đổi thay qua từng triều đại, bởi “xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định sự tiến bộ và khác biệt về văn vật trong sự đối sánh giữa các vương triều nội bộ nước Việt và trong sự đối sánh giữa vương triều Việt Nam với vương triều Trung Quốc”. Ngoài ra, trang phục còn gián tiếp thể hiện sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, mỹ thuật của một thời đại. Chẳng hạn, khảo cứu cho thấy nhà Lý là triều đại thịnh trị, bởi vậy trang phục cung đình trong thời kỳ này cũng hết sức cầu kỳ, sang trọng: “Riêng với trang phục của bá quan, Văn hiến thông khảo cho biết mũ Phốc Đầu, ủng, hốt, hài đỏ, đai vàng, đai sừng tê của đoàn sứ thần nhà Lý, thứ nào cũng được dát vàng; phục sức Ngư Đại đều được sử dụng ở các nước đồng văn cùng thời, nhưng Ngư Đại vàng của Đại Việt được miêu tả là rất dài và lớn”. Còn như trang phục nhà Nguyễn, khảo cứu nhận định: “Đặt trong nhãn quan phong kiến đương thời, triều đình nhà Nguyễn bất luận thế nào cũng đã sở hữu một nền văn hiến áo mão có bề dày truyền thống và những cách tân đặc sắc, tự tin sánh ngang với các quốc gia Nho giáo như Trung Quốc, Triều Tiên, khiến Khâm sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang công nhận: Gần gũi Trung Hạ, tôn sùng Nho giáo, yêu chuộng thi thư, cùng được coi là đất thanh danh văn vật, ắt phải nói đến hai nước Triều Tiên và Việt Nam”.

Thể hiện lòng tự tôn dân tộc

Phụ nữ quý tộc thời Lê trung hưng
Phụ nữ quý tộc thời Lê trung hưng

Khảo cứu cho biết, hai tư tưởng chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn, đặt định quy chế trang phục cung đình của triều đình Việt Nam là tư tưởng đế vương và quan niệm Hoa Di. Chính bởi quan niệm coi văn minh Trung Hoa là thước đo tiến bộ, trang phục cung đình Việt Nam các đời vẫn được đặt định theo chuẩn mực của các quy chế Trung Hoa cổ điển, ngoại trừ hai triều đại Nguyên, Thanh. 

Người Đàng ngoài thế kỷ 16
Người Đàng ngoài thế kỷ 16 

Tuy nhiên, “bất kể quan niệm của người phương Bắc cho rằng, trời chỉ có một thiên tử, thiên hạ chỉ có một hoàng đế, song không ít thủ lĩnh nước Việt mỗi khi giành được độc lập, giành quyền làm chủ cõi đất phương Nam đều xưng đế”; vì thế, tư tưởng đế vương, ngang hàng với thiên tử Trung Hoa của vua quan người Việt lại được thể hiện rất rõ qua lễ phục của triều đình. Lấy ví dụ, ngay từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần trong các dịp đại lễ, nhà vua đều mặc áo Cổn, đội mũ Miện, tương tự hoàng đế Trung Quốc. Theo quy chế đó, “Long Cổn còn gọi là Cổn phục, hoặc gọi tắt là Cổn, là lễ phục của đế vương và vương công đại thần. Như Phạm Đình Hổ ghi nhận, một bộ Cổn Miện dành cho đế vương mũ Miện phải có 12 lưu, lưu có 12 ngọc, Cổn phục thêu 12 chương. Trong đó, chương là các dạng hoa văn thêu trên lễ phục, tượng trưng cho trời đất, vạn vật”. Các vị vua nước Việt luôn sử dụng mũ Miện 12 lưu, áo Cổn 12 chương, khác với vua Triều Tiên chỉ dùng mũ 9 lưu, áo 9 chương theo quy chế dành cho vương công, đại thần. Dạng lễ phục trang trọng bậc nhất này bị phế bỏ vào thời Thanh tại Trung Quốc, và vào thời Lê trung hưng tại Việt Nam. Vào thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, Cổn Miện được khôi phục.

Với sự nghiên cứu bài bản, công phu về lịch sử trang phục của người Việt, Ngàn năm áo mũ hẳn không chỉ cần thiết để làm sáng rõ những vấn đề tranh cãi lâu nay, mà còn có thể mở ra những góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa Việt Nam qua từng thời đoạn.

Minh Ngọc
 Ảnh: Tư liệu do tác giả cung cấp

>> Cấp bách tìm kiếm lễ phục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.