Ngắm di sản như xem phim 3D

06/04/2016 05:59 GMT+7

Người ta có thể xem những clip 3D để thấy các bảo vật, các kiến trúc cổ quý giá thế nào, bất chấp chúng có thể đã bị hư hỏng, cháy rụi.

Người ta có thể xem những clip 3D để thấy các bảo vật, các kiến trúc cổ quý giá thế nào, bất chấp chúng có thể đã bị hư hỏng, cháy rụi.

Phiên bản tượng A di đà chùa Phật Tích hoàn chỉnh theo giả địnhPhiên bản tượng A di đà chùa Phật Tích hoàn chỉnh theo giả định
Thêm bệ cho tượng bảo vật quốc gia
Khi nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền quan sát pho tượng A di đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - một kiệt tác mỹ thuật của VN có từ thời Lý, bà thấy một vài chi tiết bất hợp lý. Nếp áo tượng chỗ tiếp xúc với đài sen không có độ chuyển động nối tiếp mà như bị cắt cụt. Hai gối của tượng cũng lộ những vết thô nhám chưa chế tác. “Điều này là một thiếu sót khó có thể chấp nhận đối với một pho tượng được tạo tác rất tỉ mỉ và chăm chút như tác phẩm tượng A di đà này”, bà Hiền nhớ lại. Chính vì thế, theo bà, điều đó cho thấy sự không tương thích giữa bệ và tượng.
Thế mạnh của 3D chính là trực quan. Vì thế, nó sẽ rất hữu hiệu khi dùng để dựng hình ảnh giả định của một hiện vật không còn nguyên vẹn trên thực tế
Một chuyên gia bảo tồn
Cũng theo bà Hiền, trước đó, sau khi Pháp bắn gãy tượng, người dân cũng đã bối rối không biết gắn lại như thế nào. Nhiều nhà nghiên cứu từng đưa ra giả thuyết tượng bị thiếu một khối cầu giữa bệ tượng và đài sen. Khi dịch chuyển tượng để trùng tu, người ta thấy một cái ngõng (bộ phận để ghép khớp - NV) phía dưới đài sen. Nó khớp với khối cầu hai con sư tử ngậm ngọc đang ở trong chùa. Khai quật khảo cổ cũng cho thấy thêm những mảnh bệ tượng cánh sen úp tương thích với bệ tượng.
Từ đó, bà Hiền dựng lại được hình ảnh của toàn bộ bức tượng A di đà chùa Phật Tích với khối cầu hai sư tử ngậm ngọc thêm vào so với hiện tại. Với bệ tượng có thêm một khối nữa, pho tượng A di đà sẽ có dáng vẻ với khuôn mặt hơi cúi, đồng điệu với thế mắt khép hờ. “Nó sẽ tạo cho pho tượng dáng vẻ cận nhân tình hơn. Đây cũng là một đặc điểm nổi trội của điêu khắc Phật giáo VN, không thị uy phô diễn như các tác phẩm của nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa”, bà Hiền cho biết.
Phiên bản tượng A di đà trước khi  thêm bệPhiên bản tượng A di đà trước khi thêm bệ
Tuy nhiên, nghiên cứu này của bà Hiền sẽ rất khó hình dung cho đến khi Nguyễn Trí Quang - chàng trai 19 tuổi chuyên viết phần mềm, tái hiện nó bằng hình ảnh 3D. Trong đoạn clip được chàng trai này đưa lên mạng, tượng Phật được ngắt ra ở phần bệ, rồi sau đó được ghép thêm khối cầu hai sư tử vào. Kết thúc việc ráp khối cầu, tượng có hình dáng khác so với ban đầu, và cũng khác so với hiện trạng của tượng ngoài thực tế.
Nhìn lại những gì đã mất
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, do không có hình ảnh gốc làm căn cứ nên việc phục dựng lại khối cầu vào đúng vị trí bệ tượng là không khả thi. Vì thế bảo vật này vẫn đang được giữ nguyên như hiện nay. “Trước đây khi đưa ra giả định các nhà nghiên cứu vẫn dùng mặt phẳng bằng hình vẽ hoặc ảnh chắp nối hình với nhau. Hình ảnh phục dựng của Quang, dựa trên scan hiện vật thật, rồi ghép ảnh đa chiều giúp giả định gần thực tế hơn”, ông Bình nói.
Khối cầu hai sư tử được ghép thêm vào
Khối cầu hai sư tử được ghép thêm vào
Nguyễn Trí Quang cho biết hiện anh có thể tạo ra không gian bảo tàng 3D có tương tác. Chẳng hạn, người truy cập có thể chủ động xem thông tin liên quan, rọi sáng hiện vật theo ý muốn. “Cũng có thể chuyển về chế độ khối bản rập để tăng độ nét. Các hiệu ứng này giúp hoa văn hiện rõ hơn, có ích cho công tác nghiên cứu Hán Nôm và mỹ thuật”, ông Bình nói.
Việc dựng các hình ảnh 3D không xa lạ với ngành bảo tàng, di sản của nước ta. Chúng ta đã có bảo tàng 3D đầu tiên ở Bảo tàng Dân tộc học. Sau đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội cũng có một phòng trưng bày 3D trên mạng. Điện Kính Thiên cũng được dựng lại qua một clip hình ảnh 3D với hình dung các bước cột và mái. Tuy nhiên, những hình ảnh của điện Kính Thiên này chưa thể cụ thể đến từng li do tư liệu đầu vào chưa dồi dào. Nó trái lại với bản 3D phục dựng tượng A di đà rõ nét, và có thể đọc cả các hoa văn, chạm khắc. Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế cũng đã có một số hình ảnh 3D, song những hình ảnh này không thể xoay các góc như tượng A di đà mà Quang thực hiện.
Một chuyên gia bảo tồn nhìn nhận 3D hóa di sản rất hữu hiệu để hình dung hiện vật mà không phải dựng phiên bản thật. “Thế mạnh của 3D chính là trực quan. Vì thế, nó sẽ rất hữu hiệu khi dùng để dựng hình ảnh giả định của một hiện vật không còn nguyên vẹn trên thực tế. Công chúng hình dung tốt hơn, mà lại kinh tế hơn là làm phiên bản giống thật ngoài đời”, ông nói.
Cũng theo ông Bình, di sản điêu khắc và kiến trúc của VN có rất nhiều pho tượng hoặc kiến trúc bị mất hoặc phá hủy. Các mô tả giả định của các nhà nghiên cứu khó có thể mường tượng được hết hình ảnh nguyên bản. “Song với sự hỗ trợ của công nghệ VR3D, chúng ta có thể hình dung rõ”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.