Netflix sản xuất phim nguyên gốc đầu tiên tại Đông Nam Á

14/11/2019 12:00 GMT+7

‘The Stranded’ - series phim mang hơi hướm khoa học viễn tưởng và kinh dị do Netflix sản xuất tại Thái Lan, vừa chính thức ra mắt vào ngày 13.11 tại Bangkok.

Đây cũng là tác phẩm nguyên gốc (original) đầu tiên của Netflix tại Đông Nam Á, mở ra nhiều cơ hội cho giới làm phim trong khu vực. Vì thế nên buổi họp báo và công chiếu tập đầu của The Stranded (tạm dịch: Mắc kẹt) tại  Bangkok (Thái Lan) trong ngày 13.11 đã thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả trong khu vực.
Ngoài màn ra mắt và chia sẻ của dàn diễn viên chính The Stranded (14 người), buổi họp báo và công chiếu phim còn sôi động với phần giao lưu của đạo diễn Sophon "Jim" Sakdaphisit và giám đốc sản xuất điều hành Ekachai Uekrongtham.  

Đạo diễn Sophon "Jim" Sakdaphisit cùng dàn diễn viên 14 người chia sẻ về hành trình làm phim trong buổi họp báo ngày 13.11

ẢNH: BTC

Nội dung 7 tập phim The Stranded  xoay quanh nhân vật chính là cậu học sinh trung học Kraam (Papangkorn “Beam” Lerkchaleampote đóng) và các bạn cùng lớp may mắn sống sót sau khi ngôi trường của họ trên hònđảo Pintu ở biển Andaman trải qua trận sóng thần tàn khốc. Họ nhanh chóng nhận ra đội cứu hộ sẽ không bao giờ tới và Kraam đã dẫn dắt các bạn thực hiện hành trình trốn thoát khỏi hòn đảo khi rất nhiều thế lực kỳ bí trỗi dậy, ngăn chặn những kẻ còn sống thoát khỏi nơi này.

Một cảnh trong trailer của 'The Stranded' vừa công chiếu

ẢNH: NETFLIX

Nam diễn viên Papangkorn “Beam” Lerkchaleampote  (thứ hai từ trái sang) đảm nhận vai chính Kraam 

ẢNH: BTC

Loạt phim pha trộn những yếu tố kinh dị “đặc sản” của điện ảnh Thái với yếu tố viễn tưởng, kỳ ảo đậm chất Hollywood để phù hợp với “khẩu vị” khán giả khắp nơi khi bắt đầu chiếu đồng loạt trên Netflix toàn cầu kể từ 15.11.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi riêng với ông Ekachai Uekrongtham – giám đốc sản xuất điều hành của The Stranded về hành trình thực hiện tác phẩm và kinh nghiệm dành cho giới làm phim trong khu vực.
* Được biết The Stranded khởi quay từ tháng 1.2019, hành trình thực hiện tác phẩm đến khi công chiếu có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Ông Ekachai Uekrongtham: Ngoài việc được Netflix tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt và hỗ trợ kinh phí sản xuất, dự án The Stranded còn được sự hỗ trợ về cơ chế, thủ tục duyệt phim từ chính quyền Thái.
Về khó khăn, có lẽ thách thức lớn nhất khi sản xuất bộ phim này là phải làm series phim nhiều tập truyền hình nhưng phải đạt được chất lượng của phim chiếu rạp và các tiêu chuẩn của Netflix để phát hành toàn cầu. Để đạt được chất lượng đó cũng như những tiêu chuẩn cao từ Netflix thì ê kíp phải đầu tư rất nhiều công sức và làm việc với cường độ cao để hoàn thành dự án.
Ngoài ra, quá trình quay chúng tôi phải di chuyển qua 12 địa điểm khác nhau khắp đất nước Thái Lan, có những cảnh quay phải đặt góc máy dưới nước (biển) hay trên cao (núi) và mỗi lần đi như vậy là hành trình khá khắc nghiệt. Với những cảnh phim khó, đòi hỏi an toàn cao thì có một nhóm an ninh cùng phía bên Mỹ sang tận nơi kiểm tra cũng như quản lý trước khi quay.
Ông Ekachai Uekrongtham chia sẻ về quá trình thực hiện phim
* Việc sản xuất một bộ phim theo các tiêu chuẩn để chiếu trên hệ thống toàn cầu của Netflix so với sản xuất phim chiếu rạp tại Thái Lan và ở Đông Nam Á có gì khác biệt? Cụ thể The Stranded được sản xuất khác với các phim chiếu rạp tại Thái Lan hiện nay ra sao?
- Với phim chiếu rạp tại Thái Lan, thông thường khi phim được sản xuất và ra rạp xong thì xem như kết thúc, và sau đó nhà sản xuất lại bắt tay thực hiện dự án khác ngay từ đầu. Trong khi làm series phim như The Stranded thì từ kịch bản gốc ban đầu, chúng tôi có thể phát triển thêm nhiều nhân vật và có thể mở rộng ra các kịch bản khác nhau cho từng phần, liên tục sáng tạo thêm kịch bản mới.
Bên cạnh đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn để chiếu toàn cầu cũng buộc đoàn phim phải có sức chịu đựng rất cao và mọi người đều quyết tâm làm thật chuyên nghiệp, không có việc làm qua loa. Chẳng hạn từ chi tiết nhỏ như việc ghép âm thanh như ghép một bộ phim chiếu rạp chứ không phải như phim truyền hình cũng đòi hỏi các diễn viên và đoàn phim dốc sức để đáp ứng đúng tiêu chuẩn.
Các diễn viên cũng thay đổi cách làm việc trong dự án này. Với các phim chiếu rạp thông thường, diễn viên thường nhận vai trong nhiều phim cùng lúc rồi tranh thủ chỗ này không quay thì họ quay chỗ khác. Nhưng khi làm dự án này với Netflix, họ không có thời gian làm như thế mà phải tập trung tốt nhất cho vai diễn vì chúng tôi đặt lịch cố định. Có thể nói việc sản xuất The Stranded giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực diễn xuất cho dàn diễn viên.
Ngoài ra trong quá trình sản xuất, chúng tôi tập trung rất nhiều vào hiệu ứng hình ảnh, bởi vì như các bạn biết, mạng xã hội như Facebook chẳng hạn thì mọi người vẫn chú ý đầu tiên là những hình ảnh, hiệu ứng.

Ông Ekachai Uekrongtham tại buổi họp báo và công chiếu 'The Stranded' ngày 13.11

ẢNH: BTC

* Ông từng xem bộ phim Việt nào phát trên Netflix chưa (như Hai Phượng)? Nhận xét của ông ra sao?
-  Tôi từng xem Hai Phượng trên Netflix và ấn tượng với diễn xuất của Ngô Thanh Vân (cười). Tôi nghĩ bộ phim là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảm xúc và các cảnh hành động, câu chuyện về người phụ nữ mạnh mẽ bảo vệ con mình. Tôi nghĩ ở khu vực Đông Nam Á, chúng ta có thế mạnh trong việc thu hút khán giả bằng cảm xúc. Chỉ cần chúng ta tìm kiếm câu chuyện phù hợp để phát triển những cảm xúc ấy.
* Ông đánh giá cơ hội cho các nhà sản xuất, đạo diễn trong khu vực Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam – có thể hợp tác với Netflix sản xuất phim original trong thời gian tới như thế nào? Họ cần chuẩn bị ra sao để có thể thực hiện được dự án tương tự như The Stranded?
Tôi nhận thấy thời gian qua, các phim Hollywood cũng có nội dung và kịch bản được lấy cảm hứng từ khu vực Đông Nam Á, như một số lấy cảm hứng từ Thái Lan. Theo tôi điều quan trọng cần chuẩn bị chính là những câu chuyện độc đáo mà chúng ta có thế áp dụng cách kể sáng tạo. Kể cả Việt Nam hay Thái Lan đều có những câu chuyện hay, độc đáo. Đây chính là những tài sản quý của mỗi quốc gia trong khu vực.
Điều mà chúng ta cần chuẩn bị tiếp theo chính là nguồn nhân lực để đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Netflix hay các đối tác Hollywood đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất phim. Đội ngũ sản xuất, đạo diễn, diễn viên cần được tham gia vào những dự án tương tự để tích lũy kinh nghiệm và có sự chuyên nghiệp, đáp ứng được cường độ làm việc cao. Bên cạnh đó cũng cần có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được các tiêu chuẩn từ phía đốc tác.
Khi hợp tác sản xuất The Stranded, chúng tôi cũng được làm quen những yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý, như ký hợp đồng với diễn viên, nhà sản xuất, các bên… đều cần chi tiết với các điều khoản phù hợp quy định pháp lý từng quốc gia; đồng thời cả về mặt báo cáo định kỳ về tiến độ công việc theo đúng tiêu chuẩn của Hollywood. Đây là điểm khác biệt so với những gì chúng tôi đang làm khi sản xuất phim chiếu rạp thông thường ở Thái Lan.
Với tôi, quan trọng nhất vẫn là cách kể câu chuyện. Đặc biệt khi hợp tác với Netflix hay các đối tác khác từ Hollywood thì chúng ta cần phải kể được câu chuyện để không chỉ người địa phương mà cả khán giả khắp nơi đón nhận hào hứng. Làm sao để những nội dung độc đáo mang tính bản địa có thể tiếp cận khán khả toàn cầu dựa trên công nghệ streaming.
The Stranded  do Netflix hợp tác sản xuất với MM Grammy và H2L Media, được khởi quay từ tháng 1.2019 với sự tham gia của dàn đạo diễn, nhà sản xuất nổi bật: Sophon "Jim" Sakdaphisit, Ekachai Uekrongtham, Gary Lavinsohn, Christian Durso, Steven Sims và Billy Hins.
Đáng chú ý Sophon "Jim" Sakdaphisit là đạo diễn chuyên trị thể loại kinh dị rất nổi tiếng ở Thái Lan với những dự án đình đám như: Shutter (2004), Coming soon (2008), Ladda Land (2011), và gần đây là The Promise (Giao ước chết, 2017). Còn Gary Levinsohn là nhà sản xuất người Mỹ đã từng rót vốn thực hiện bộ phim chiến tranh kinh điển Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan, 1998) từng giành 5 giải Oscar.
Việc Netflix mạnh tay đầu tư sản xuất loạt phim gốc đầu tiên tại Đông Nam Á phát trên hệ thống toàn cầu cho thấy “tay chơi” trực tuyến này đã nhìn ra tiềm năng lớn từ các nhà sản xuất, đạo diễn phim trong khu vực và mở ra cơ hội cho giới làm phim Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.