Nepal đau đớn giã biệt di sản - Kỳ 4: Xót thương di tích Phật giáo

07/05/2015 06:00 GMT+7

Bảo tháp ở Kathmandu, một trong những di tích Phật giáo cổ xưa nhất trên dãy Himalaya và là một trong những bảo tháp lớn nhất của Nepal, phải hứng chịu nhiều vết nứt bởi trận động đất vừa qua.

Bảo tháp ở Kathmandu, một trong những di tích Phật giáo cổ xưa nhất trên dãy Himalaya và là một trong những bảo tháp lớn nhất của Nepal, phải hứng chịu nhiều vết nứt bởi trận động đất vừa qua.

Khu đền thờ Phật ở Swayambhunat sau động đất - Ảnh: religionnews.comKhu đền thờ Phật ở Swayambhunat sau động đất - Ảnh: religionnews.com
Là 1 trong 68 di sản văn hóa thế giới tại Nepal đã được UNESCO công nhận, nhiều kiến trúc thuộc khu đền Phật nổi tiếng ở Swayambhunath đã trở thành đống đổ nát sau trận động đất. Tuy nhiên, bảo tháp chính nằm trên đỉnh đồi vẫn may mắn còn nguyên, dù một phần bên trong bị hư hại. Đây là một quần thể tôn giáo lâu đời ở Nepal, được cả Phật giáo và Ấn độ giáo tôn kính, được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 5 trên đỉnh đồi tại thung lũng Kathmandu, phía tây thủ đô Kathmandu.
Rơi vào cát bụi
Khu đền này còn có tên Monkey Temple bởi không ít “thánh khỉ” đang sinh sống vui vẻ tại khu vực phía tây bắc của khu đền. Trong tiếng Tây Tạng, tên nơi này còn có nghĩa là tập trung nhiều cây cối sinh sống, ngụ ý tới sự sống và thịnh vượng.
Đối với các phật tử thông thạo về nguồn gốc và các câu chuyện thần thoại lịch sử nơi đây, Swayambhunath luôn chiếm một vị trí trung tâm, được coi là một trong số các điểm hành hương Phật giáo thiêng liêng nhất. Đối với người Tây Tạng và các phật tử Tây Tạng thì nơi đây chỉ đứng thứ hai sau Boudhanath.
Khu đền phức hợp này bao gồm một bảo tháp chính, một loạt các đền thờ, điện thờ phụ, trong đó một số có niên đại từ thời Licchavi (khoảng năm 400 - 750). Nơi này gần đây còn được bổ sung thêm một tu viện Tây Tạng, bảo tàng và thư viện. Trên bảo tháp có vẽ mắt và lông mày của Đức Phật. Ở giữa là cái mũi được tô điểm khá thời trang. Đôi mắt Phật khổng lồ này cứ sừng sững tồn tại bao năm qua, nhìn thẳng ra thung lũng thanh bình. Quanh khu vực bảo tháp có rất nhiều cửa hàng lưu niệm, tiệm ăn và nhà nghỉ cho du khách.
Người ta thường chọn 1 trong 2 cách khi muốn tới thăm bảo tháp trên đỉnh đồi này: một cầu thang phía đông dài 365 bước với những bậc thang dốc đứng trực tiếp dẫn đến mặt tiền chính của ngôi đền, được xây dựng từ thế kỷ 17; và một đường lái xe vòng quanh đồi từ phía nam dẫn đến lối vào phía tây nam. Nhưng phàm là các phật tử khi tới nơi này hành hương đều một lòng thành tâm tự leo từng bậc thang để tận hưởng phút giây sung sướng khi đặt chân tới bậc cuối cùng, được giáp mặt với đôi mắt ngời sáng của Đức Phật.
Bảo tháp được trùng tu hoàn toàn từ tháng 5.2010 với kinh phí lớn, do Trung tâm thiền Nyingma Tây Tạng ở California (Mỹ) tài trợ. Hơn 20 kg vàng đã được sử dụng để tôn tạo lại các mái vòm mạ vàng cùng nhiều chi phí tốn kém khác. Thế nhưng trận động đất năm 2015 đã thực sự khiến công sức, tâm huyết và tiền bạc dồn cho khu đền thờ Phật giáo tôn kính này rơi vào cát bụi.
Nỗ lực tránh cướp bóc
Hiện một đội UNESCO gồm 7 người bắt đầu sứ mệnh ngăn chặn việc cướp bóc, lấy trộm các đồ tạo tác từ quần thể di sản này và các quần thể di sản khác đang bị vùi lấp bởi động đất.
David Andolfatto, một chuyên gia tư vấn của UNESCO, cho biết: “Chúng tôi đang kiểm kê các di tích di sản làm từ đá và đất nung và cất giữ tạm trong chùa. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay là ngăn chặn để chúng không bị cướp đi”.
Tuy nhiên, ông này cũng cho biết giờ đây họ chưa thể nghĩ tới việc tái tạo, phục hồi lại các di tích di sản này bởi phải cần tiền và thời gian. Sau khi hoàn tất công việc ở đây, đoàn UNESCO này sẽ tiếp tục tới quảng trường Kathmandu Durbar và điện Kasthamandap để tiếp tục công việc tìm kiếm, bảo vệ các phần di tích di sản còn sót lại.
Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, hơn 600.000 căn nhà tại Nepal đã bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng bởi trận động đất ngày 25.4, và 2 triệu người Nepal sẽ phải cần lều, nước, thực phẩm, thuốc men. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương lại cho rằng họ cần những vị thần thánh mà lâu nay họ thờ phụng hơn sau những thiệt hại đã xảy ra đối với các điện thờ, chùa chiền, thánh địa tôn nghiêm. “Điều này sẽ tăng cường đức tin của người dân hơn và họ vẫn đang tin tưởng đấng toàn năng sẽ đem mọi thứ trở lại trật tự”, Ankit Adhikari, ca sĩ kiêm cựu nhà báo ở Kathmandu, nói.
Ngôi đền Pashupatinath được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, nằm bên bờ sông Bagmati ở Kathmandu, đã rơi vào cảnh tan nát nặng nề. Đây cũng là một trong số các ngôi đền Ấn Độ giáo linh thiêng nhất nơi đây, là một trong số các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, thờ vị thần Hindu Shiva.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.