Nao lòng với Chuyện tình Khau Vai

Hoàng Kim
Hoàng Kim
11/06/2019 06:30 GMT+7

Chuyện tình Khau Vai - vở cải lương đầy chất văn học và đẹp lung linh của Sân khấu Đại Việt vừa ra mắt tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM).

Sân khấu Đại Việt được thành lập với sự góp sức của hai “ông bầu” lớn là Hoàng Song Việt và Triệu Trung Kiên - hai gương mặt uy tín của làng cải lương phía nam và phía bắc. Bỏ vốn ra để dàn dựng những vở cải lương thật đẹp, họ tâm huyết nhiều hơn làm kinh doanh, nhưng cũng kiên quyết đạt tính hấp dẫn, chứ không làm để rồi xếp xó.
Và Chuyện tình Khau Vai (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên) đã hấp dẫn người xem suốt gần 3 tiếng đồng hồ không hề giải lao. Những nghệ sĩ nổi tiếng như Quế Trân, Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Phượng Loan, Hà Như… đã sánh vai cùng anh kép đất bắc là Quang Khải làm nên một đêm diễn thật ngọt ngào. Quang Khải tập ca giọng nam điêu luyện; chất giọng trầm và vang của anh khiến khán giả trầm trồ.
Một câu chuyện tình yêu của xứ Hà Giang, nơi có chợ tình quyến rũ, đã được thể hiện như một trang thơ đẹp mà đầy nước mắt. Bi kịch của Romeo và Juliet thời nào cũng có, nhưng Chuyện tình Khau Vai có thêm sự nhân văn của tập tục chợ tình, biết buông xả một chút để con chim kia bay về chốn cũ, trái tim kia thổn thức nhịp ngày xưa… Một ngày thôi cũng đủ tình quay lại với nghĩa, và người ta vẫn sống ấm êm trong bếp lửa của mình. Tiếc thay, nhân vật Cố Sầu không buông xả được như bao người - như vợ của chàng Ba hay bà tộc trưởng, hắn siết lấy cuộc đời nàng Út trong sự chiếm đoạt và ghen tuông, để xảy ra bi kịch thứ hai là cái chết của nàng. Hoa rơi tan tác đắp mộ cho nàng, khói sương Hà Giang trắng xóa nỗi niềm… Sân khấu đẹp đến nao lòng.
Bàn tay đạo diễn đã thổi vào vở những nét quyến rũ, đem cả sự ngọt ngào của văn hóa dân tộc lên sân khấu. Từ trang phục cho đến âm nhạc, điệu múa, có cái gì là lạ so với cải lương thuần túy phương Nam, nhưng thú vị vô cùng. Tiếng khèn vùng cao nổi lên là người xem rung động. Cải lương như một “món ăn” quen, nhưng nay thêm “gia vị” lạ, trở nên hấp dẫn. Và trên hết là sự nghiêm túc làm nên sự nể trọng đối với cải lương. Nể nhất là những lời thoại đầy chất thơ. Cải lương là như thế, gần gũi nhưng sang trọng, vẫn vẹn nguyên “viên ngọc” phương Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.