'Nàng thơ' VN trong mắt nhà thơ Mỹ

26/07/2015 05:37 GMT+7

Đối với GS - nhà thơ Fred Marchant, VN tạo nên nguồn cảm hứng bi tráng và bất tận, giúp ông bày tỏ sự cảm kích của chính mình khi được tiếp xúc với cội nguồn văn thơ xứ Việt.

Đối với GS - nhà thơ Fred Marchant, VN tạo nên nguồn cảm hứng bi tráng và bất tận, giúp ông bày tỏ sự cảm kích của chính mình khi được tiếp xúc với cội nguồn văn thơ xứ Việt.

GS Fred Marchant (bìa trái) trong chuyến thăm VN -	Ảnh: JOHNFDEANE.COMGS Fred Marchant (bìa trái) trong chuyến thăm VN - Ảnh: Johnfdeane.com
Fred Marchant sinh năm 1946, là Giáo sư danh dự của Đại học Suffolk, Boston (Mỹ), một trong những người xây dựng nên cây cầu nối văn thơ hai nước.
Từ chối tham chiến tại VN vì vụ thảm sát Mỹ Lai
Năm 1969, ông là trung úy thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, đang chuẩn bị được điều động đến tỉnh Quảng Trị thì mệnh lệnh thay đổi. Marchant được yêu cầu ở lại Okinawa (Nhật) trong 6 tháng. Lúc đó, ông trở thành phó chỉ huy lực lượng quân cảnh lính thủy đánh bộ tại đảo. “Đến cuối tháng 11.1969, cũng như nhiều người Mỹ khác, tôi nghe được thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai. Phát hiện này là sự khởi đầu cho quyết định từ chối tham chiến của tôi. Sau khi biết chuyện gì đã xảy ra ở Mỹ Lai, tôi nhận ra rằng chiến tranh hoàn toàn sai lầm”, GS Marchant chia sẻ.
Vài tháng sau khi quyết định từ chối tham chiến, Marchant đã biết thêm nhiều điều khác để chứng minh rằng mình đã quyết định đúng. Tuy nhiên, chính vụ thảm sát Mỹ Lai thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông về chiến tranh VN nói riêng và chiến tranh nói chung.
Lúc đó, không có nhiều trường hợp từ chối tham chiến trong lực lượng lính thủy đánh bộ, và ông là một trong những người đầu tiên được rời khỏi quân đội trong vinh dự. Thời khắc quan trọng nhất mà ông phải đối mặt là khi Tổng tư lệnh của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa, Robert Barrow, nói chuyện riêng với chàng lính trẻ để xác định liệu anh này thật lòng muốn rời khỏi quân đội. Cuộc trao đổi kéo dài suốt 4 giờ đồng hồ. Cuối cùng, Marchant đã thuyết phục vị tướng đồng ý cho từ chối tham chiến. Marchant nói nhiều lính Mỹ khác không may mắn như ông. Khoảng 10 tháng kể từ khi biết được vụ Mỹ Lai, Marchant được trao giấy chứng nhận từ chối tham chiến trong vinh dự vào tháng 9.1970.
Cầu nối văn thơ Việt - Mỹ
Marchant gia nhập Trung tâm William Joiner, nghiên cứu các hậu quả chiến tranh và xã hội tại ĐH Massachusetts Boston. Lúc đó, ông đang giảng dạy toàn thời gian tại Đại học Suffolk. Vào mùa xuân năm 1994, tập thơ đầu tiên của ông được phát hành.
Cuối năm 1994, Marchant lần đầu trở lại VN sau chiến tranh, tiếp xúc với văn hóa Việt thông qua 4 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng gồm Tô Nhuận Vỹ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa. Giám đốc Trung tâm Joiner lúc đó là nhà thơ kiêm dịch giả Kevin Bowen cùng người phiên dịch cho phía VN là ông Nguyễn Bá Chung đã tạo ra sự kết nối cho sự đóng góp to lớn và kéo dài trong quan hệ văn hóa, hiểu biết giữa hai quốc gia. Theo đó, tình bạn giữa nhà thơ Mỹ với 4 tác giả từ VN đã được xác lập, và đây mới chỉ là bước khởi đầu cho nhiều quan hệ bạn bè văn chương thân thiết với các nhà văn, nhà thơ VN trong hơn 20 năm qua.
Vào thời điểm đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa không thể nói tiếng Anh, còn ông Marchant chẳng biết một chữ tiếng Việt. Nhưng với sự giúp đỡ của dịch giả Nguyễn Bá Chung, một số bài thơ của họ đã được dịch. Có thể nói, nhiều bài trong tuyển tập thơ thứ hai của Marchant có liên hệ đến VN, về những năm bom đạn chiến tranh, và cả chuyến thăm VN lần đầu tiên của nhà thơ Mỹ. Trên thực tế, Marchant thừa nhận hai lần đến VN trong giai đoạn đầu đã khắc họa nên tập thơ Thuyền đầy trăng. Tác giả cho rằng đây là cách mà ông bày tỏ sự cảm kích của bản thân mình khi cuối cùng cũng đã hiểu được chiều sâu vô đáy của đời sống văn hóa VN, đặc biệt là truyền thống văn thơ của người Việt. Hay nói cách khác, VN chính là “nàng thơ” gợi nên cảm hứng để tác giả viết nên những câu thơ rung động.
Bên cạnh những bài thơ về VN, GS Marchant cùng Nguyễn Bá Chung bắt tay vào việc dịch thơ VN sang tiếng Anh. Một trong những công trình là chuyển ngữ cuốn Từ góc sân nhà em của nhà thơ Trần Đăng Khoa theo yêu cầu vào năm 2005 của bà Borton, một tác giả người Mỹ sống ở Hà Nội. GS Marchant nói, tập thơ được dịch này đã “cháy sạp” sau khi được xuất bản. Gần đây, vào năm ngoái, hai ông tiếp tục dịch thêm thơ của Trần Đăng Khoa và sau khi hoàn tất có thể chuyển sang các tập thơ của Võ Quê.
GS Marchant đã trích lời của nhà thơ xứ Ireland Seamus Heaney từng nói: “Cứu cánh của nghệ thuật là hòa bình”. Do vậy, ông hy vọng thơ của mình và hoạt động dịch thơ của các tác giả VN sẽ góp phần vào mục tiêu đó, giúp những người Mỹ khác hiểu rõ hơn về VN.
Bài thơ Fred Marchant gửi riêng cho Thanh Niên: 
Crossing Nguyễn Du Street Hà Nội

Advice we had was to just step right out, 
like wading in a stream.
Motorbikes-hundreds of them-would find
a way around us. We must not be hesitant,
for that
would throw off everyone. So, trusting these
our friends
here on the street named for the poet of Kiều,
we leaned
into the traffic as if it were only a light wind
flowing round
our faces. At that instant we tried to imagine
a world
utterly merciful, belonging to those few who,
as they
passed smiling, looked as if they might well
forgive us.
--Fred Marchant, 2012
Đi qua đường Nguyễn Du, Hà Nội
Lời khuyên rằng chúng tôi cứ vững bước tiến qua
Giống như đang lội giữa một dòng chảy
Những làn xe máy, hàng trăm chiếc
Sẽ được cách rẽ qua chúng tôi
Nên đừng ngần ngại làm điều đó
Nên hãy cứ xuất phát, và tin vào bạn bè của chúng ta
Trên con đường của thi nhân thai nghén nên Truyện Kiều
Chúng tôi học được rằng
Bước vào dòng chảy giao thông đó
Như thể lạc vào cơn gió nhẹ
Vờn quanh mặt chúng tôi
Và ngay khoảnh khắc đó, chúng tôi tưởng tượng
Một thế giới, hoàn toàn khoan dung
Thuộc về một số ít người
Lướt qua với nụ cười
Như thể họ sẽ hoàn toàn tha thứ
Cho chúng tôi.
T.M
(lược dịch)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.