MV 'đam mỹ', 'bách hợp': Đừng lạm dụng!

Ngọc An
Ngọc An
30/09/2020 06:40 GMT+7

Gần đây ngày càng xuất hiện nhiều MV có nội dung là câu chuyện tình yêu đồng giới. MV thường được gọi “đam mỹ” khi nói về tình yêu của hai người nam hay “bách hợp” với mối tình của hai người nữ.

Sau 3 năm vắng bóng, ca sĩ Trung Quân vừa ra mắt MV Tình nào không như tình đầu kể câu chuyện xoay quanh những rung động của một chàng trai dành cho cậu bạn cùng lớp. Noo Phước Thịnh đánh dấu sự trở lại sau thời gian im ắng với việc phát hành MV Em đã thương người ta hơn anh mang đến câu chuyện tình tay ba bi kịch cùng mối tình "đam mỹ" đơn phương. Cũng trong tháng 9, á quân The Voice 2019 Võ Đức Trí tung MV Nước mắt cạn khô, trong đó là câu chuyện về hai chàng trai vô tình gặp rồi yêu nhau.
Trước đó, thị trường V-pop đã xuất hiện nhiều MV xoay quanh hoặc nhắc đến chuyện tình yêu “đam mỹ”, “bách hợp” như: Sáng mắt chưa (Trúc Nhân), Thanh xuân, Gửi thời niên thiếu (Đào Bá Lộc), Muộn màng (Dương Triệu Vũ), Yêu một người mộng mơ (Cao Thái Sơn), Nghe nói anh sắp kết hôn (Văn Mai Hương)...

Khai thác quá đà

Không ít MV cho thấy cái nhìn cởi mở, nhân văn với tình yêu của những người cùng giới, được công chúng và cộng đồng LGBTQ+ (người đồng tính, song tính, chuyển giới và dị tính) đón nhận. Nhưng bên cạnh đó, nhiều MV đã gây ra không ít tranh cãi, thậm chí phản ứng với những hình ảnh phản cảm, gây sốc. Ba năm trước, MV Trăng dưới chân mình của ca sĩ Đức Tuấn bị nhiều người trong cộng đồng LGBTQ+ phản ứng gay gắt vì cho rằng đề tài đồng tính chỉ được đem ra để... câu khán giả bằng nhiều cảnh nóng, khoe thân.
MV 'đam mỹ', 'bách hợp': Đừng lạm dụng!1

MV Nghe nói anh sắp kết hôn của Văn Mai Hương

Sau MV Màu nước mắt, Tự tâm, tiếp tục đến MV Canh ba, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân tiếp tục khai thác chủ đề tình yêu đồng giới với nhiều cảnh hôn, động chạm táo bạo... Đầu năm nay, màn trình diễn của Nguyễn Trần Trung Quân và Denis Đặng trên sân khấu bị cho rằng quá phản cảm khi họ đã có hành động “khóa môi” hay vuốt ve cơ thể bạn diễn trên sân khấu... Nhiều người cho rằng nam ca sĩ đã lợi dụng chuyện tình yêu “đam mỹ” quá nhiều.

Gây phản ứng ngược

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận định tình yêu đồng giới là quyền của con người, việc đưa câu chuyện tình yêu đồng giới vào những sản phẩm âm nhạc cũng bình thường giống như khai thác những câu chuyện tình yêu khác. Tuy nhiên, theo ông, làm MV về tình yêu cần sự tinh tế, chứ không phải với những hình ảnh gây sốc. “Cần biến thành vẻ đẹp, chứ không phải sự lố lăng”, ông Kha bày tỏ.
TS mỹ học - nhà phê bình nghệ thuật Thế Hùng (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận những sản phẩm nghệ thuật đều cần được làm bằng sự trân trọng với nghệ thuật. “Một số ca sĩ trẻ dễ dãi, tìm cách gây chú ý mà tạo ra những sản phẩm phản thẩm mỹ hoặc phi thẩm mỹ”, ông Hùng nói. Theo TS Thế Hùng, việc làm một MV với những hình ảnh nghệ thuật khác với những hình ảnh dung tục, cũng giống như chụp một bức ảnh khỏa thân nghệ thuật khác với bức ảnh khoe thân thô thiển.
Anh Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền cho cộng đồng LGBTQ+ VN, chia sẻ: “Nếu MV truyền tải thông điệp đúng về một mối quan hệ thì cũng đáng ủng hộ, dù đó là mối quan hệ tốt đẹp hoặc không hạnh phúc thì cũng là phản ánh đời thường. Tuy nhiên, nhiều người lại sử dụng chất liệu về người LGBTQ+ hay mối quan hệ tình yêu cùng giới trong MV để gây sốc thì họ phải nhìn lại, vì điều đó có thể dẫn đến những hiệu ứng ngược”. Anh Huỳnh Minh Thảo cũng cho hay cộng đồng LGBTQ+ là một trong những cộng đồng rất nhạy cảm. “Trước đó, họ đã gặp rất nhiều định kiến từ xã hội hay những khó khăn khác, nên họ sẽ “soi” kỹ hơn. Chẳng hạn, với một MV nào đó đưa ra thông tin không rõ ràng, không đúng hay có yếu tố câu khách, giật gân thì cộng đồng LGBTQ+ sẽ phản ứng ngay”, anh Thảo nói.
Ngoài ra theo chuyên gia Huỳnh Minh Thảo, một ca sĩ làm sản phẩm tử tế, đàng hoàng hay có sự đầu tư chỉn chu thì khi làm về mối quan hệ đồng tính hay dị tính đi nữa thì sẽ vẫn có những cốt truyện nhân văn, tích cực, mang lại cảm xúc cho người xem. “Đó phải thật sự là sản phẩm được đầu tư bằng tâm huyết và tâm trí, chứ không phải vì mục đích muốn gây chú ý cho nhiều người mà bất chấp tất cả để làm một sản phẩm xấu xí. Người nghệ sĩ thực thụ cần trân trọng sản phẩm của mình làm ra”, anh Thảo nhấn mạnh.
Nếu một MV gây những hiệu ứng phản cảm với cộng đồng LGBTQ+ ra mắt thì cũng khiến nhiều người trong xã hội nghĩ cộng đồng LGBTQ+ là như vậy thật. Chẳng hạn có những người viết truyện, hay dựng phim về cộng đồng LGBTQ+ đưa hình ảnh rất lố lăng như họ là người xấu tính cướp bồ, thì một bộ phận người xem cũng sẽ nghĩ người trong cộng đồng LGBTQ+ bên ngoài cũng như thế. Trên thực tế, xã hội luôn có hai chiều. Một chiều là họ luôn tiếp nhận thông tin mà họ thấy được; một chiều là những người có thông tin, có kiến thức sẽ có sự phản biện với thông tin tiếp nhận. Dù vậy, với những thứ gì khiến cộng đồng có cái nhìn không đúng, thì chúng ta vẫn cần phải hạn chế.
Chuyên gia Huỳnh Minh Thảo
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.