>> TỐ TÂM

Nhân dịp đầu xuân, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi bàn tròn về những hồi ức đẹp của cải lương xưa và những tâm huyết, kế sách để bảo tồn, phát triển cải lương ngày nay, với sự tham gia của các nghệ sĩ cải lương nhiều thế hệ, gồm các tài danh thuộc thế hệ vàng như: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Minh Vương; NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên (Phó giám đốc Nhà hát cải lương VN), NSƯT Kim Tử Long, Chuông vàng vọng cổ (CVVC) 2018 Lâm Thị Kim Cương, NS trẻ Võ Minh Lâm.

Nhớ về thời hoàng kim của cải lương, ắt hẳn các nghệ sĩ có rất nhiều hồi ức đẹp và kỷ niệm khó quên, đặc biệt là không khí cải lương những ngày tết?

NSƯT Thanh Tuấn:

Hồi đó, một tháng trước tết là các chủ bầu, trưởng đoàn đều nô nức tập trung chuẩn bị để lo cho một cái tết tươm tất, phục vụ bà con yêu thích bộ môn cải lương. Thường nghệ sĩ nghỉ tết sau khi đưa ông táo về trời, khai xuân diễn lại từ sáng mùng 1 tết, mỗi ngày hát 3 suất sáng, chiều, tối; đoàn nào yếu cũng phải 2 suất. Khán giả rất náo nức, các suất ban ngày thường hát phục vụ khán giả xa, họ đi xe mấy chục cây số lên xem.

NSND Bạch Tuyết:

Hồi đó, một tháng trước tết là các chủ bầu, trưởng đoàn đều nô nức tập trung chuẩn bị để lo cho một cái tết tươm tất, phục vụ bà con yêu thích bộ môn cải lương. Thường nghệ sĩ nghỉ tết sau khi đưa ông táo về trời, khai xuân diễn lại từ sáng mùng 1 tết, mỗi ngày hát 3 suất sáng, chiều, tối; đoàn nào yếu cũng phải 2 suất. Khán giả rất náo nức, các suất ban ngày thường hát phục vụ khán giả xa, họ đi xe mấy chục cây số lên xem.

Rạp cải lương Sài Gòn xưa trong dịp tết (Ảnh: Tư liệu)

NSƯT Kim Tử Long:

Những năm 1980 - 1990 là thời hoàng kim của cải lương. 10 giờ sáng là hết vé, ngày thường chứ chưa nói chi ngày tết. Còn cứ tết đến là các đoàn nô nức dựng vở mới, chủ yếu là vở hài, tình yêu cho không khí vui vẻ. Các mùng từ 1 - 6 cứ đều đặn ngày mấy suất. Tết thì đường phố vắng hoe nhưng rạp hát thì đông nghẹt. Nghệ sĩ hát xong suất đầu là tranh thủ cơm nước để hát suất tiếp.

NSƯT Triệu Trung Kiên:

Tôi nhớ những năm khoảng 1970 - 1980, khi tôi còn rất bé, những buổi cơm trưa, bố tôi vẫn luôn bật những băng cassette các vở cải lương. Tiếng hát cải lương cứ văng vẳng trong cuộc sống hằng ngày, đi đến các ngõ ngách nào ở Hà Nội đều có thể nghe. Ngày xưa, mỗi lần có đoàn cải lương trong Nam ra Bắc diễn thì khán giả nô nức lắm. Tôi nhớ ở nhà hát Nhân Dân trước đây, địa điểm của cung Văn hóa Hữu Nghị bây giờ, mỗi lần có vở cải lương trong Nam ra diễn, khán giả đông lắm. Mỗi lần nhà hát cải lương Trung ương có vở diễn thì như một sự kiện văn hóa, rất quan trọng.

CVVC Lâm Thị Kim Cương:

Hồi nhỏ em thích đến mùa lễ Kỳ yên để đi xem hát ở đình làng. Lúc đó mới 5-6 tuổi thôi nhưng em đã rất mê cải lương. Mỗi khi có đoàn hát về Sóc Trăng là em thường canh giờ đến sớm tìm chỗ ngồi, xem trọn tuồng có khi đến 1 giờ đêm.

Hoạt động cải lương hiện nay đã không còn được thường xuyên sáng đèn, với rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Theo các anh chị, khó khăn nhất đang cản bước cải lương là gì?

NSƯT Kim Tử Long:

Muốn cải lương sáng đèn, phải có nơi diễn, có rạp, chứ bây giờ đi tìm một rạp để xem cải lương rất khó.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm:

Tôi thấy khó khăn đến từ cả hai phía. Khán giả thì luôn mong có những vở mới được đầu tư chỉn chu để xem. Họ cũng có nhiều chọn lựa giải trí khác. Còn nhiều nghệ sĩ thì cũng dành thời gian để chạy sô hơn là mất thời gian tập tuồng một vở hoàn chỉnh và thu nhập cũng không cao hơn.

NSƯT Minh Vương:

Sự thật trong lòng khán giả không bỏ và quên cải lương đâu. Bằng chứng là khi tôi đi diễn vẫn được khán giả ủng hộ, trong một chương trình tạp kỹ khi diễn vẫn luôn đòi hỏi phải có cổ nhạc.

NSƯT Thanh Tuấn:

TP.HCM là một thành phố lớn nhưng hiện tại vẫn chưa có được một nhà hát riêng cho cải lương đạt tiêu chuẩn thì làm sao mà phát triển. Kịch bản cũng không có nhiều người viết, viết để rồi ra sao, chuẩn viết của tác giả thế nào? Để có một kịch bản hay, tác giả phải đầu tư nhiều tâm trí, nhưng nếu hát vài đêm rồi bỏ thì làm sao họ còn nhiệt tình để viết. Trong khi đó, nhuận bút cũng không cao. Cái đó là khó nhất, nan giải nhất.

NSƯT Triệu Trung Kiên:

Theo tôi, lôi kéo khán giả chính là khó khăn lớn nhất do điều kiện xã hội hiện nay đã thay đổi. Chuyện này chúng ta đã nói rất nhiều và không đổ lỗi cho cái gì cả, mà chỉ hiểu rằng vào giai đoạn này, cải lương có những mặt hạn chế và cần làm thế nào để khắc phục, đổi mới nó. Làm thế nào để khán giả nhìn thấy cải lương đã có những thay đổi để thỏa mãn khán giả.

Liệu có giải pháp nào để giúp cải lương “hồi sinh” một cách mạnh mẽ như xưa?

NSND Bạch Tuyết:

Cải lương xưa luôn đi cùng với hơi thở thời đại, gắn với những vấn đề trong cuộc sống nhưng bây giờ không có vở nào để nói về vấn đề gần gũi với người trẻ. Khi chúng ta không nói về cái người ta cần thì làm sao bảo họ chú ý đến mình; phải hiểu họ đang quan tâm gì và thích gì. Việc tôi “cover” các bản nhạc trẻ sang cải lương là một phép thử, để xem tư duy của mình có hợp với thời đại không và thực tế cho thấy suy nghĩ đó về những người trẻ là đúng. Người ta không quay lưng với mình, mà chỉ vì mình không để ý đến họ. Fan của tôi bây giờ toàn người trẻ đó thôi!

NSƯT Minh Vương:

Theo tôi, khán giả đi xem cải lương vì thích nghe ca, xem nghệ sĩ đẹp, diễn hay, cảnh trí đẹp nhưng các vở bây giờ dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó. Tôi thấy một vở cải lương hiện có thời lượng ngắn hơi hồi xưa như vậy là tốt rồi, nhưng kịch bản nên nói ít và ca nhiều hơn thì sẽ cuốn hút khán giả.

NSƯT Triệu Trung Kiên:

Cải lương phải tự vận động, những người làm cải lương phải có những sáng tạo, thay đổi như thế nào để có cuộc chinh phục mới với khán giả. Theo quan điểm của tôi, sự thay đổi không cần là cái gì đó quá lớn, đừng nghĩ và lo lắng cải lương sẽ biến dạng hoặc bị mất đi những cái gì đó nguyên gốc, nguyên bản. Trước mắt, chỉ cần điều chỉnh ở một liều lượng tương đối, nhìn nhận lại thị trường nghệ thuật, xu hướng thưởng thức của khán giả để cải lương tự điều chỉnh.

Thế hệ nghệ sĩ trẻ nên làm gì để có thể làm tốt vai trò kế thừa và phát triển? 

NSƯT Kim Tử Long:

Việc trau dồi nghề của các nghệ sĩ trẻ hiện rất khó vì họ không có một sân khấu chính quy để rèn luyện thường xuyên. Ngày xưa, một đoàn cải lương tập một vở ít nhất 3-4 tháng và diễn ít nhất 100 suất trở lên cho một vở thì họ mới trau dồi được vai diễn, diễn vai đó được hay và công chúng xem mới nhớ được.

NSƯT Thanh Tuấn:

Thế hệ chúng tôi ngày xưa từ học lò cổ nhạc, các thầy tư, sau đó len lỏi vào các đoàn hát đóng vai quân sĩ, theo làm đệ tử cho các anh chị lớn, dần dần được cái vai “cóc trong hang chui ra” ca câu vọng cổ là mừng lắm rồi, dần dần được cái vai nhỏ rồi mất rất nhiều thời gian mới nổi lên được. Bây giờ có nhiều chương trình, cuộc thi để các nghệ sĩ trẻ nổi bật nhanh; hình ảnh cũng có nhiều phương tiện để lăng xê nên rất dễ tạo thương hiệu. Tuy nhiên các em, cháu nên nhớ rằng dù sự thành công có đến nhanh thì phải luôn cố gắng giữ lấy cái tâm đạo thật tốt, không nên tự mãn sớm mà phải luôn trau dồi, giữ đạo đức nghề.

CVVC Lâm Thị Kim Cương:

Em vẫn đang học hỏi cách ca diễn từ các thầy cô, đồng thời cũng có suy nghĩ bản thân khi ca diễn cần có những sáng tạo thêm để cải lương hay hơn, thu hút hơn.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm:

Phải hết lòng với nghề và bền bỉ chịu đựng, khán giả có thưa đi vẫn phải cố gắng hát từ tuồng này sang tuồng kia thì mới tạo ra được một làn sóng, hiệu ứng tốt.

Nhà hát 4.0 cho cải lương

Theo NSND Bạch Tuyết: “Nhà hát ở nước ta vừa thiếu vừa lạc hậu so với thế giới cả trăm năm. Sự đòi hỏi con người bây giờ dữ dội lắm. Nếu không có được công nghệ 4.0 trong kỹ thuật dàn dựng, có được một nhà hát văn minh, hiện đại thì làm sao vực dậy cải lương. Bên trong các nhà hát trên thế giới bây giờ đã sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại hết. Đạo diễn chỉ cần thiết lập trên máy phút thứ mấy ánh sáng thế nào, chiếu ở đâu, diễn viên phải đứng đúng vị trí như thế nào để không bị tối. Chứ bây giờ mà cải lương còn tắt đèn, chuyển cảnh thì làm sao thuyết phục được khán giả”. 


Ảnh: Tố tâm, An Khánh, K.B, NVCC
Đồ hoạ: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
24.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.