Mùa nhớ

30/12/2018 06:00 GMT+7

“Vô thường trời cứ biếc xanh/Thầm bao hoa nở hóa thành mây bay”… Với người xa xứ thì không chỉ có bốn mùa. Sống ở nước Đức gần ba mươi năm, với tôi, mùa nào thiên nhiên, cỏ cây hoa lá cũng mang thêm “mùa nhớ”.

Khởi đầu là hoa xuyên tuyết. Khi đất trời còn đông cứng giá băng thì những bông hoa trắng mong manh đã vươn lên, xuyên qua lớp tuyết phủ mà reo gọi bầu trời… Những bông đồng thảo tím, những cánh hoa đồng nội tiếp theo nhau đua nở. Hoa bạt ngàn bên suối, trong những cánh rừng. Hoa tràn ngoài công viên. Hoa sáng những con đường. Rất dễ có thể đi “lạc” vào những triền đồi trùng điệp trắng muốt hoa lê, chớm hồng hoa táo, rực rỡ hoa anh đào, hoa mận, hay lạc vào những cánh đồng hoa cải vàng rực như những tấm thảm khổng lồ trong bức tranh mùa xuân bát ngát.
Hoa tulip nở trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, không chỉ ở Hà Lan - trong công viên Keukenhof nổi tiếng với rất nhiều chủng loại. Ở đâu cũng có thể gặp những luống hoa tulip thẳng tắp muôn màu. Bên một vạt rừng, trên những cánh đồng hoặc ngay trên những con đường hằng ngày, hoa tulip hiện diện khắp nơi đua nhau vẽ màu trong nắng. Những cánh đồng hoa hướng dương nối đuôi nhau đua nở. Hoa hồng ngào ngạt khắp nơi. Hoa oải hương tím bạt ngàn trên những triền đồi miền nam nước Pháp nhưng cũng có thể gặp đâu đó trong những khu vườn lặng lẽ…
Từ xuân sang hè, đến cuối thu, hoa tulip, hoa hướng dương, hoa lay ơn, hoa thược dược, hoa cánh bướm… cùng nhiều loại hoa khác cũng được trồng và bán ngay trên cánh đồng. Đi đâu cũng có thể gặp những ruộng hoa, để người mua có thể tự chọn, tự cắt hoa rồi bỏ tiền thanh toán theo bảng giá vào một thùng phuy trên cánh đồng. Bước vào những cánh đồng hoa ấy, cầm những bông thược dược, cánh bướm trên tay, người xa xứ ngỡ như đang được trôi về đâu đó, trong một khu vườn mùa xuân vào những ngày giáp tết tại quê nhà.
Khi những bông hoa cúc được bán khắp nơi trong các siêu thị thì mùa đông đã đến gần. Người yêu hoa đặt thêm những chậu cúc trắng nhỏ li ti, những khóm cúc vàng đại đóa bên ban công, trong phòng khách… dường như vừa để níu giữ cái hương vị của thời gian, của đất trời, vừa để vơi đi “mùa nhớ”.
Rồi mùa Giáng sinh mang những cây thông Noel vào phố. Đứng trong chợ Giáng sinh, xem người bán hàng buộc những cây thông trao cho khách, kẻ xa nhà lại thấy như họ đang mang trên vai những cành đào, cành mai nơi quê hương xứ sở. Ghé vào một cửa hàng hoa, mua một bó cành anh đào với những nụ hoa còn khuất trong thân cành. Sức sống của cỏ cây thật kỳ diệu. Từng ngày, những dòng nhựa vẫn tiếp tục âm thầm chuyển động để một ngày bung nở những cánh hoa.
Tết tây rồi tết ta… Như lẽ tự nhiên, những người xa quê đón Giáng sinh và tết tây cùng người bản xứ, rồi lại “riêng mình” bồi hồi, thấp thỏm với Tết Nguyên đán ở quê nhà. Sáng mồng một Tết dương lịch lên đường du xuân, tháp nhà thờ lẫn trong sương, phố xá còn ngái ngủ. Đi về phía cánh đồng, qua những hàng cây trắng như mây bên đường, gặp những người bản địa, họ cũng đón ngày đầu tiên của năm mới cùng thiên nhiên. “Chào buổi sáng“, “Chúc mừng năm mới”… họ chào và cười thân thiện. Những triền dốc dẫn lên núi trở nên huyền ảo hơn với những thân cây phủ kín giá băng. Trên đỉnh núi, nhìn toàn cảnh thấy bạt ngàn những ngọn cây như đang hóa đá. Song thật kỳ thú, “du hành” vào băng tuyết lại có thể cảm nhận một nguồn năng lượng vô tận từ thiên nhiên.
Xuống núi khi chiều đã chập choạng tối. Chạy xe qua những hàng cây trắng muốt trong đêm chợt nghĩ về những thân cây đang đứng giữa rừng. Những thân cây khẳng khiu, trơ trụi giữa tuyết băng sao một ngày lại có thể biếc xanh đến thế. Chỉ còn ít ngày nữa những bông hoa xuyên tuyết ngoài kia lại sẽ cất lên bản giao hưởng vô tận của đất trời. Người làm vườn gieo hạt từ mùa thu năm ngoái nhìn đất nhìn trời, nghe những hạt mầm đang tách vỏ. Trong bình hoa xuân, những cành anh đào đã phơn phớt hồng. Mỗi bông hoa sẽ là một trái tim mùa xuân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.