Mùa hoa bỏ lại - Truyện ngắn của Nguyễn Lê Vân Khánh

31/12/2017 07:07 GMT+7

Hoàng có lẽ là người quyến rũ nhất trong tất cả những cô gái mà tôi từng gặp suốt những năm tháng đến trường.

Vẻ quyến rũ bất ngờ. Kiểu như không ai ngờ tới rồi từ từ hạ gục ý nghĩa của những người đứng cạnh. Những cô gái như thế có vẻ không nhiều. Sau này tôi cũng thỉnh thoảng bắt gặp vài cô gái có dung nhan khá đẹp, vẻ đẹp bên ngoài chắc chắn hơn Hoàng, nhưng vẻ đẹp về khí chất thì không thể hơn được.
Nàng có cái cổ tay thật quyến rũ. Thật sự phải nói rõ rằng tôi chưa bao giờ yêu Hoàng, mặc dù tôi có khá nhiều cơ hội gần gũi và trò chuyện cùng nàng. Cũng có thể thời bấy giờ chúng tôi còn quá nhỏ để biết đến cái gọi là tình yêu đồng tính. Mọi thứ chỉ hiển hiện theo kiểu tôi thích nhìn nàng trong một vài lúc, như cách tụi trẻ con ngắm nhìn búp bê trong tủ kiếng. Lúc nàng băng qua hành lang một cách nhanh nhẹn và tinh nghịch. Hoặc nàng chạy đi chạy lại trong bộ đồng phục trên sân thể thao. Cái cách nàng vận hành cổ tay rất khác cách của tất cả những bạn học còn lại. Nàng đón quả cầu bằng sự thư thả và uyển chuyển, chậm hơn một giây so với phản xạ của người bình thường. Chân phải nàng luôn đặt ở sau, nhẹ nhàng chuyển trọng tâm về sau trong lúc quả cầu vừa được phát. Cánh tay phải dùng lực đẩy ra sau, sau đó dùng tất cả sự chậm rãi đẩy vợt về trước đón cầu. Quả là rất khác với cách của mọi người thường làm: đẩy lực về trước và một lần nữa, cố dùng lực còn lại để đẩy cầu đi thật xa.
Nàng không phải là tuýp con gái được ưa chuộng trong trường học, ngược lại còn thường bị nhiều bạn học ghét ra mặt. Gương mặt tròn, hàng tóc tơ lơ thơ như trẻ nhỏ dường như chẳng có chút gì hấp dẫn theo chuẩn mực đại trà. Ngực lại không có gì ấn tượng, đến nỗi lớp áo cánh bên trong áo dài thường thùng thình.
Nhưng có một chút mâu thuẫn, Hoàng không bao giờ hiển hiện thiếu sinh động như bất kỳ lời miêu tả nào. Nàng đứng đó, không chỉ với gương mặt tròn hay hàng tóc tơ hay bất kỳ cụm từ miêu tả bất động nào. Hoàng mỉm cười. Hoàng nói. Hoàng dùng cổ tay để đánh cầu lông trong giờ thể thao. Hoàng múa cũng bằng cái cổ tay uyển chuyển ấy trong giờ nghệ thuật. Chính sự sinh động ấy lôi cuốn bất kỳ ai và làm mờ nhạt bất kỳ ai đứng cạnh nàng.
Những đứa con gái không thích Hoàng lúc nào cũng có một đứa con trai bên cạnh. Những đứa con trai không thích Hoàng lúc nào cũng có một đứa con trai bên cạnh. Những đứa con trai bên cạnh thì lại không thích Hoàng lúc nào cũng chực chờ lôi cuốn người khác. Thực tế mà nói, tất cả điều đó đều không phải lý do để không thích Hoàng. Lý do chỉ vì nàng quá nổi bật!
Cả đến bối cảnh của nàng cũng khiến người khác có cảm xúc kỳ lạ. Có một dạo tôi đến nhà Hoàng vào buổi sáng để cùng nhau đi đến nơi tập văn nghệ cho ngày hội mùa hè. Buổi sáng đó tôi đã đến khá sớm mà chưa kịp ăn gì. Hoàng mang cho tôi hai chiếc sandwich, kèm theo đó là một thỏi phô mai hình chữ nhật. Tôi thật sự đã lúng túng với thỏi phô mai, vì tất cả mọi hiểu biết của tôi về phô mai chỉ là những mẩu tam giác có hình một chú bò đang cười thật tươi, tai đeo những mẩu phô mai tương tự trên nhãn. Khi đó tụi trẻ con chỉ dám nhắc tới phô mai mỗi tháng một lần, nhin nhín và tập trung ăn như thể trong một phút chốc lơ là chính bản thân sẽ ăn hết mà không hề hay biết. Trong lúc tôi không biết cư xử như thế nào với thỏi phô mai kỳ lạ, Hoàng đã dùng dụng cụ để cắt mỏng nó ra, khéo léo đặt từng miếng lên chiếc sandwich và rồi lấp tất cả bằng miếng sandwich còn lại. Nàng đưa nó cho tôi, tất cả hành động đều diễn ra một cách thành thục.
Không ai nhớ đến bối cảnh gia đình của một người bạn thân chỉ bằng ký ức về một thỏi phô mai, nhưng logic của tôi thời niên thiếu về Hoàng chỉ có vậy! Và khi nghĩ về Hoàng, tất cả mọi ký ức về cô gái nổi bật nhất trường đều chỉ gói gọn trong những điều ấy: thỏi phô mai hình chữ nhật, cổ tay uyển chuyển, và sự ngưỡng vọng đến phát ghét. Tôi muốn nhớ về Hoàng nhiều hơn một chút, trong khi lái xe đến nơi hẹn gặp nàng. Nhưng tuyệt nhiên không còn gì hơn.
Hai hôm trước nàng đã gọi tìm tôi vào khoảng nửa đêm.
- Có phải Ngân không?
Tôi đã biết là Hoàng ngay từ tiếng đầu tiên bật ra từ ống nghe điện thoại, thật sự không thể khác!
- Dạ… xin lỗi… cho tôi hỏi có phải là Ngân không?
Lần này đã có một chút e dè.
- Là Ngân đây, Hoàng phải không?
- Đã lâu lắm chúng ta không gặp nhau!
Lúc này tôi mới nhận ra bên ngoài đang mưa. Có lẽ là mưa nhỏ, nghe như từng hạt li ti đang gõ nhẹ vào cửa kính. Hơi đất nồng ẩm bắt đầu luẩn quẩn nơi cánh mũi.
- Đúng là đã lâu quá không gặp nhau!
- Mình gọi vì muốn hẹn gặp để đưa thư mời họp lớp cho Ngân. Đã lâu lắm không thấy Ngân đi gặp mọi người vào những dịp như vậy, có lẽ phải gặp trực tiếp mới có thể mời được.
Có lẽ nàng vừa mỉm cười ở đầu dây bên kia. Nụ cười rất khẽ, hầu như không thành tiếng. Nhưng tôi nghe thấy tiếng nàng nén một hơi thở giữa lúc cười, tựa hồ nốt nhạc vừa bị sự lơ đễnh của người nhạc sĩ làm hỏng mất. Mùi hơi đất vẫn luẩn quẩn, mấy hôm nay trời đã quá nóng đến nỗi đất đai cũng ngỡ ngàng với một cơn mưa. Lúc này đồng hồ điện tử trên màn hình điện thoại vừa nhảy 2 giờ đúng.
Tôi hẹn gặp Hoàng ở một tiệm ăn giữa thành phố. Đó là một tiệm ăn nhỏ trong con hẻm ít người qua lại, xung quanh lại có khá nhiều hoa thiên điểu. Lúc tôi đến thì nàng đã ngồi sẵn ở đó.
- Ở đây không có gì khác xưa.
Hoàng có vẻ bị giật mình bởi đang tập trung vào điều gì đó mông lung. Nàng không biết tôi đã tiến lại gần trước đó.
- Có lẽ vì vậy mà mình vẫn thường đến đây - Nàng cười, nụ cười thoạt trông có vẻ vẫn giống như cô gái của hai mươi năm trước, nhưng đột ngột lại có điều gì như lưỡi dao xén vào tim tôi.
Lưỡi dao ấy hẳn rất nhỏ và được mài mỏng tinh vi, đến mức tôi cảm nhận được nỗi đau thì lưỡi dao đã ngập sâu trong tim mình.
Tóc nàng cột cao, trước trán rơi vài cọng tóc con. Kiểu tóc có vẻ khác, nhưng vẫn là những sợi tóc tơ mềm mỏng và đáng yêu như ngày xưa. Mắt nàng đã hiện một vệt mờ ở khóe, nỗi sầu muộn mơ hồ đọng lại ở đó.
Tiệm ăn vắng người. Chỉ có một bà lão ngồi ở bàn cạnh cửa sổ. Bà lão đặt cả hai bàn tay lên đầu gậy, cằm tựa nhẹ. Mắt nhắm mơ hồ như thể đã ngủ quên. Trên bàn là đĩa thức ăn chỉ còn vương lại một vệt khói mỏng. Đĩa thức ăn không có rau, nhợt nhạt không màu, không có vẻ gì là hấp dẫn. Bên ngoài chợt có tiếng xe máy vụt ngang. Tiếng động dường như cắt đứt dòng mơ hồ khiến mi mắt bà cụ khẽ lay động. Sự lay động dù rất khẽ, nhưng lại chắc chắn hệt như cành thiên điểu lay trước sân.
Cả hai đều gọi một phần súp nóng, có lẽ vì trời trở gió. Từ nãy giờ chúng tôi vẫn chưa nói gì nhiều ngoài việc chọn thức ăn. Sự yên lặng dễ chịu bao trùm không gian, tôi không định hỏi vì sao nàng gọi mời tôi họp lớp vào lúc hai giờ sáng.
Chúng tôi chọn nơi này vì đây là quán quen suốt thời trung học. Vào mỗi cuối kỳ học, với những tách cà phê nóng thơm vào buổi sáng sớm. Quán lúc nào cũng vắng, và trong tất cả những buổi gặp mặt, hoa thiên điểu luôn lay lay trước sân.
Hoàng mặc một chiếc áo sa tanh màu xanh cô ban cổ rộng. Màu xanh trông rất mát mắt. Hõm da ở xương quai xanh trông khô và mỏng, như thể có thể nhìn tận vào sâu khung xương. Khoảng trống ở đó đặc biệt thu hút, đến mức tôi quên bẵng việc ngắm nhìn cổ tay quyến rũ của nàng. Đôi vai hao gầy giờ đây tiềm ẩn cả lưỡi dao tinh vi khi nãy.
Có tiếng xe máy vụt qua lần nữa, lần này cành thiên điểu trên đôi mắt của bà cụ không buồn lay động.
- Ngân không hỏi vì sao mình lại làm phiền Ngân vào lúc 2 giờ sáng sao?
Hoàng cười, nụ cười ngưng một nhịp thở như lúc trò chuyện với tôi qua điện thoại. Không ai lại đi mời họp lớp vào lúc 2 giờ sáng.
- Mình đã nghĩ là Hoàng gặp biến cố gì đó và cần mình, nhưng nghĩ sâu hơn thì không phải. Cô gái nổi bật nhất trường thì khó có thể như vậy.
Lần này đến phiên tôi cười để lấp đầy khoảng trống đằng sau câu nói. Thời đoạn trung học đã trôi xa như thể chiếc hộp Pandora bị quăng vào lỗ đen vũ trụ, không ai nhớ rõ mọi thứ được cất giấu ở trong đó. Vậy mà tôi lại vừa mở nó ra và phần nào chua chát ném một vài thứ không vui vào Hoàng.
- Biến cố của mình có lẽ là phải chia tay thời trung học.
- Nghe có vẻ như một người nuối tiếc quá khứ đẹp đẽ ấy.
Rất sến!
- Ngân vẫn nói chuyện giống như ngày xưa. Kiểu một chút châm biếm. Nếu không thân thiết thì không thể nói chuyện lâu với Ngân.
- Đó cũng là lý do suốt từ khi rời trường mình không đi họp lớp, mọi người có lẽ không dễ chịu khi gặp mình.
Tôi nói dối một chút. Lý do thực ra rất đơn giản, đã lâu tôi không nhớ đến chuyện họp lớp hay những buổi tụ tập đến thăm nhà thầy cô giáo và bạn bè cũ. Thư mời có lẽ đều đặn được chuyển đến email cũ. Cái hộp thư với địa chỉ nghe rất trẻ con và vớ vẩn được làm từ thời trung học, và cũng vì lẽ đó mà suốt từ bấy đến nay tôi không hề đụng tới. Có lẽ password cũng tự động được xóa mất trong trí nhớ! Điều duy nhất tôi vẫn hay nghĩ thuộc về thời trung học là Hoàng. Mà Hoàng thì vẫn ở đó, đâu đó trong thành phố, dễ dàng liên lạc bằng email hay điện thoại hay thư tay. Bởi vì nàng luôn ở đó, nên tôi đã luôn yên tâm không gặp nàng và rồi hai mươi năm trời trôi qua.
- Vóc dáng của Hoàng có vẻ nhỏ hơn trước thì phải, có phải là do không còn chơi thể thao không?
- Mình vẫn chơi cầu lông đều đặn. Thỉnh thoảng còn đi bơi cùng bạn bè. Nhưng hình như Ngân nói đúng, mình có vẻ nhỏ đi một chút. Soi trong gương hay thậm chí là đi cân đo cũng không thấy như vậy, nhưng về cảm giác thì là có. Đôi lúc đang đi đường mình lại thấy vai mình rút lại, lưng ngắn hơn một chút.
Câu vừa rồi có lẽ là câu dài nhất của nàng trong suốt buổi gặp gỡ.
- Thời gian qua có phải Hoàng đã mất đi điều gì quan trọng, hay là sao?
- Không, mọi người và mọi việc vẫn ở đó, chính xác là mình vẫn sống với mọi thứ như thời trung học.
- Nhưng cuộc điện thoại của cậu như một lời cầu cứu ấy.
Nàng bật cười. Tiếng cười bừng nở đến nỗi bà cụ bừng mở mắt nhìn hai chúng tôi. Lúc này đĩa thức ăn đã nguội lạnh, sợi khói chỉ còn một vệt mơ hồ trong suy nghĩ. Tôi biết nàng cười vì cuối cùng tôi cũng đã nói về điều gì đó nằm sau cuộc điện thoại lúc 2 giờ sáng.
- Suốt hai mươi năm qua mình vẫn sống bình thường với mọi người, mọi việc, mọi sự kiện. Không có điều bất hạnh nào xảy đến với mình và cũng không có người nào khiến cho mình đau đớn. Lẽ thường tình đó được gọi là may mắn, nhưng hình như đối với mình, đó mới chính là biến cố.
- Một biến cố xảy ra suốt hai mươi năm sao?
- Đúng rồi. Nó cứ diễn ra tiếp nối suốt hai mươi năm. Mình không biết làm gì với nó. Thậm chí để gọi tên chính xác nó là gì thì mình cũng không biết. Mình không thể đến gặp bác sĩ và nói rằng tôi mắc chứng bệnh “sống bình thường”. Mình cũng không thể nói với mọi người trong gia đình là vấn đề của mình là mình giống như tất cả mọi người được.
- Có lẽ mình hiểu!
- Trường học là một thế kỷ thu nhỏ và được rào lại bằng cổng trường. Ý mình không muốn nói về thời gian, mình muốn nói về không gian, thế giới quan, mâu thuẫn. Tất cả tụi mình khi đó đều buộc phải sống cạnh nhau, nhìn thấy nhau và va chạm về mọi mặt. Ngân nhớ là có rất nhiều người ghét mình chứ?
- Đó không phải là ghét, là vì Hoàng luôn nổi bật, và họ thì không.
- Đó là va chạm. Mặc dù cả họ và mình đều không muốn, nhưng tụi mình với cách nhìn mọi thứ, cách làm mọi thứ khác nhau, bị buộc phải va chạm và mâu thuẫn với nhau.
- Vậy là Hoàng bị mắc kẹt ở thời đoạn trường trung học sao?
- Nói là thời đi học thì đúng hơn. Khi mình học xong đại học, mọi thứ cũng chưa rõ ràng lắm. Nhưng tốt nghiệp và bắt đầu đi làm thì biến cố lại trở nên tệ đi, với bề mặt thì luôn có vẻ bình thường, thậm chí là trông tốt hơn rất nhiều. Ví dụ mình kiếm được công việc rất nhiều tiền, đồng nghiệp luôn vui vẻ hỗ trợ, mình kết hôn và có một con trai. Mọi thứ, mọi thứ!
Tôi không biết đáp trả Hoàng như thế nào ngoài sự yên lặng. Từ nãy giờ hình như bà cụ cũng đang lắng nghe. Mắt bà chăm chú vào đĩa thức ăn, đôi đũa chỉ hờ hững gắp từng miếng nhỏ. Hoặc cũng có thể vì đĩa thức ăn có mùi vị chán ngắt.
- Thật lạ là chúng ta ở cùng một thành phố không lớn. Công việc lại không quá bận rộn. Cuộc sống không có gì phải suy nghĩ ngoài việc thường nhật. Nhưng hai mươi năm mới lại gặp nhau một lần.
Đến lượt nàng im lặng. Tiếng xe máy bên ngoài không hiểu sao vụt qua mỗi lúc một nhiều, khác hẳn với thời trung học, không có mấy xe cộ lưu thông trước tiệm ăn cũ cùng con hẻm nhỏ thưa vắng.
Không có tiếng nhạc nào chi phối tinh thần của cuộc nói chuyện giữa Hoàng và tôi, chỉ thỉnh thoảng vẳng lại nốt nhạc đứt quãng của người nhạc sĩ lơ đễnh. Cuộc nói chuyện này có lẽ hơi nặng nề nhưng lại cần thiết đối với Hoàng.
- Mình dường như cũng đã sống cuộc sống như cậu nói, với biến cố giống Hoàng. Nhưng may mắn là mình không phải là người nổi bật nhất trường trung học, mình không quyến rũ, và mình cũng không đủ nhạy cảm để cảm nhận được nỗi đau của biến cố đó.
- Thời gian không gặp Ngân dài như vậy cũng là một nỗi đau đối với mình. Đích xác là nỗi đau, không phải là nhớ nhung hoặc là loại tình cảm riêng tư gì cả. Có thể như một sợi dây bị kéo căng ở mức vừa phải, không thể đứt nhưng cứ mãi mãi ở trạng thái căng thẳng như vậy.
- Giá mà chúng ta cứ mãi bị “nhốt” trong thế - kỷ - trường - trung - học.
Tôi nhắc lại cụm từ của Hoàng và phì cười. Nàng cũng cười chua chát, nỗi sầu muộn ở khóe mắt lại lấp lánh như lưỡi dao tinh vi. So với cô gái nổi bật nhất trường năm xưa, dáng vẻ bên ngoài của Hoàng dường như chẳng thay đổi gì nhiều, thậm chí có phần quá trẻ. Nhưng mỗi sự thay đổi vi tế, mỗi vết hằn của thời gian hắt lên khóe mắt, hõm xương, cổ tay mờ nhạt, đều khiến tôi cảm thấy đau đớn như thể chính mình là Hoàng.
- Ngân có muốn xem lại ảnh họp lớp vào năm ngoái không? Mình có mang theo, biết đâu vì nhìn thấy nó mà năm nay Ngân quyết định sẽ đi họp lớp cùng mọi người.
- Cuối cùng cũng vào mục đích chính rồi.
Nàng chìa cho tôi xem tấm ảnh chụp rất nhiều người ngồi xếp hàng thành hai dãy phía trước, và phía sau là một hàng người dài đang đứng. Tôi nhận rõ mặt của hầu hết mọi người trong ảnh, có rất nhiều bạn học trở nên xinh đẹp hơn trước. Phụ nữ chủ yếu mặc đầm và váy sáng màu, ngồi nghiêng chân về một phía trông rất điệu đà và kiểu cách. Hàng dọc phía sau trông có vẻ thoải mái hơn rất nhiều. Tất cả đàn ông trong ảnh đều mặc áo phông, polo hoặc không cổ. Họ khoác vai nhau theo kiểu đội bóng trường trung học, trông rất khỏe mạnh và hào sảng. Trong bức ảnh ấy, tôi thấy Hoàng ngồi góc chếch về bên phải ở hàng thứ hai. Người ngồi trước che mất chiếc váy nàng đang mặc. Khóe miệng nàng mỉm cười như thể đang trò chuyện cùng tôi qua điện thoại lúc 2 giờ sáng. Hoàng tựa cằm vào tay, để lộ cổ tay nhỏ. Bức ảnh hai chiều làm tôi không thể nhận ra đó có phải là cổ tay đã đẩy quả cầu bằng sự thư thả năm xưa hay không. Và ở góc ấy, nàng ngồi lọt thỏm trong ba hàng người, nhỏ nhắn như thể bị rút mất một đoạn xương vai và cột sống, bởi những gì tất lẽ trôi qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.