Mốt sơn móng tay đen đầu thế kỷ 20

04/04/2021 07:00 GMT+7

Người sáng tạo áo dài tân thời , họa sĩ Cát Tường, đã hướng dẫn khi nào nên sơn móng huyền (đen) trên báo hồi đầu thế kỷ 20.

Răng đen đi với móng tay huyền

Họa sĩ Cát Tường đã bỏ rất nhiều công sức để thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ thời kỳ đầu thế kỷ 20. Những bài viết hướng dẫn làm đẹp của ông đăng nối tiếp trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn.
Trong đó có những quan điểm thẩm mỹ mà tới giờ đọc lại chúng ta vẫn phải ngạc nhiên. Chẳng hạn, với việc sơn đen huyền móng tay, họa sĩ Cát Tường viết: “Các bà, các cô ai còn giữ được bộ răng đen, phải thật đen, hay có tang mà phải vận quần áo thâm thì nên dùng màu huyền mà tô điểm móng tay: tôi thiết tưởng cũng không phải là xấu”. Hướng dẫn này được đăng trên báo ngày 30.8.1936.
Cũng về màu sắc của móng, họa sĩ Cát Tường hướng dẫn nên chọn tùy theo màu da hay trang phục. Chẳng hạn, những người có màu da bánh mật nên dùng thuốc màu hoa mào gà, người da hồng hào nên dùng màu san hô, hoa lựu còn người có nước da ngà ngà có thể dùng màu cam. Khi đi chơi tối hay dự những cuộc dạ hội, ông cho rằng có thể dùng màu vàng, màu bạc để nó lấp lánh theo với những quần áo bóng loáng.
Cũng theo ông Cát Tường “những màu rực rỡ như xanh, tím, vàng, ta cũng đều dùng được cả miễn là quần áo ta mặc phải ăn với những màu ấy”. Có nghĩa là không có một màu sơn nào bị ông kỳ thị cả.
Ông cũng hướng dẫn: “… còn những ai ít thời giờ kén chọn thì nên dùng những màu hồng nó tươi thắm hơn màu sáp môi mình dùng một ít là được; như thế trông cũng có một vẻ đẹp dịu dàng và nhã nhặn”. Ông còn khuyên nên trang điểm cả móng chân cùng màu với tay.
Những hướng dẫn làm nail của họa sĩ Cát Tường thậm chí còn kéo dài qua 2 kỳ báo Ngày nay (tuần báo). Quá trình làm móng được ông hướng dẫn từ cách vệ sinh, hình dáng cắt tỉa, kỹ thuật bôi thuốc đánh móng tay, các chất phải tránh sau khi đã sơn móng tay.
Chẳng hạn, ông Tường cho rằng: “Cần nhất là phải sửa gọt móng tay cho sạch sẽ, nhẵn nhụi và dùng thứ thuốc thật tốt. Móng tay thì cắt hình hạnh nhân còn móng chân thì cắt thẳng hai bên cạnh rất vuông vắn là đẹp. Lúc bôi thuốc nên bôi hai lượt, nhớ là để lượt trước thật khô rồi hãy bôi lượt thứ hai, như thế màu trên móng tay sẽ rất đều và bóng”. Kèm theo đó, còn có hình minh họa của họa sĩ R.Bret-Koch in kèm bài để độc giả dễ hiểu.

Hình ảnh hướng dẫn trong bài viết Trang điểm móng tay, ông Cát Tường viết trên báo Ngày nay

Ảnh chụp tư liệu

Móng tay xóa định kiến

Theo ông Nguyễn Duy Hải, chủ tiệm D.D Nails (Hà Nội), những hướng dẫn sơn sửa móng tay xưa hiện nay nếu muốn vẫn có thể áp dụng ở nhà. Chẳng hạn, hằng ngày vẫn có thể làm sạch móng bằng cách dùng bàn chải mềm và xà phòng để rửa tay rửa móng. Dáng móng tay vẫn có thể cắt hình hạnh nhân.
Đặc biệt, đầu thế kỷ 20 không có việc cắt lớp da viền ở móng trước khi sơn. Việc này rất tốt vì không làm tổn thương da, và lớp bảo vệ móng. Sau này, hàng chục năm các hàng nail dùng cách ngâm nước rồi cắt da viền dễ gây tổn thương. Tất nhiên, giờ đây với công nghệ mài của Thụy Sĩ, việc tẩy da chết bám bề mặt móng đã rất hiệu quả, nhiều tiệm đã không dùng cách cắt viền nữa.
Cuộc thay đổi móng tay, thay đổi màu sơn móng hồi đầu thế kỷ 20 là một phần của cuộc cải cách y phục, thay đổi chuẩn đẹp của phụ nữ Việt. Ở đó, những chuẩn mực liễu yếu đào tơ đã dần được vẻ đẹp khỏe khoắn với tỷ lệ vàng của các vòng thay thế. Những trang phục, cách trang điểm cũng có những chuẩn mới. Bản thân ông Cát Tường và Tự lực văn đoàn cũng muốn không ai bị bỏ lại phía sau. Việc chọn màu sơn móng huyền cho người nhuộm răng đen là biểu hiện điều đó.
Ông Nguyễn Duy Hải đánh giá việc chấp nhận màu sơn móng huyền cho người nhuộm răng hay người có tang là một thay đổi thú vị về thẩm mỹ. “Thời kỳ sơn móng chân móng tay trở lại hồi 1990, tủ thuốc sơn móng của phụ nữ Hà Nội cũng không hề có màu huyền mà thường chỉ có đỏ, hồng, cam có nhũ hoặc không nhũ. Vì thế, việc những năm 1930 màu huyền được chấp nhận làm chúng tôi ngạc nhiên”, ông Hải nói.
Hiện tại, cũng theo ông Hải, việc nam giới chăm sóc móng chân móng tay cũng mỗi lúc một nhiều hơn. Trong số này, phần lớn là sử dụng dịch vụ làm sạch móng. “Họ sử dụng dịch vụ làm sạch để thấy dễ chịu. Họ coi làm sạch móng chân móng tay cũng giống như vào tiệm gội đầu thôi, xã hội cũng dần công nhận như thế. Và bây giờ việc này đã không còn phân biệt nam nữ gì cả nữa. Nó cũng là nhu cầu chính đáng”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.