Một lần đi lạc

27/10/2019 06:00 GMT+7

1. Hôm ấy, sau chầu cà phê tán chuyện với mấy bác xe ôm ở chợ Trà Vinh, chúng tôi hỏi đường về thành phố bởi nghe một người bảo rằng, có đường tắt đến cầu Cổ Chiên ngắn hơn nhiều nếu chúng tôi quay lại Cần Thơ. Sợ bản đồ Google không chỉ tuyến đường này, tôi lấy giấy ra ghi rất chi tiết địa danh, rẽ trái, phải…

Dù bám theo chỉ dẫn nhưng không hiểu sao chúng tôi bị lạc đường, đến đâu hỏi thăm đến đó. Tuy nhiên, chuyến lạc đường đã thành chuyến đi khá thú vị bởi ngắm được cảnh đồng quê mùa lúa xanh thì con gái, đẹp đến mềm lòng.
Qua những cánh đồng cói thơm mùi cói mới cắt, là mùi cỏ nồng nàn, vướng víu theo suốt con đường cả chục cây số. Trên đường, cói phơi xòe, xếp ngay hàng thẳng lối đẹp như tranh. Hai bên đường, hoa vàng, hồng, đỏ, tím, trắng khoe sắc hồn nhiên trong nắng, cảm nhận làng quê hiền hòa, bình yên và lãng mạn.
Quán bên đường bán những sản vật quê như đậu phộng luộc, bắp luộc, bắp trái đã lột vỏ, rau, củ… Hôm ấy, xe máy của chúng tôi không còn chỗ để treo, nào là bắp, đậu, củ ấu, sầu riêng… Thứ nào cũng rẻ mà tươi ngon. Chục bắp non chỉ mười ngàn đồng, đậu phộng luộc cũng chỉ mười ngàn một bị thật to.
Rồi mọi thứ vào quên lãng, album hình tôi chụp khá chi tiết đường đi hôm đó được cất vào kho lưu trữ trong máy tính.
2. Tôi sẽ không nhớ lần lạc đường ấy cho đến một hôm, người bạn nhắn hỏi tôi có biết nơi nào ở miền Tây trồng cỏ bàng nhiều không, có một người bạn nước ngoài muốn tìm hiểu để đặt mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cỏ bàng (hay còn gọi là cói).
Tôi lục album cũ. Làng Đức Mỹ bên dòng sông Cổ Chiên hiện ra sống động. Chiếc thuyền chật vun cói thành phẩm trên khúc sông trưa vắng, những cánh đồng xanh vờn lượn, đường làng uốn cong, những ngõ hoa xinh xắn và đặc biệt, mùi hương cỏ nồng nàn, quấn quýt rất khó quên.
Trở lại Đức Mỹ lần thứ hai, tôi cảm giác như mình đã quá thân thuộc nơi này. Ngoài những cánh đồng cói bạt ngàn, ấn tượng với khách còn là khá nhiều những tượng đài Đức Mẹ, Chúa Kito dọc hai bên đường đi; ghế đá dưới chân mỗi tượng đài. Nơi đây có các họ đạo Đức Mỹ, Bãi Xan… thuộc giáo phận Vĩnh Long.
Trên những cánh đồng đang vào mùa thu hoạch, có những lều nhỏ, rộn ràng công việc sơ chế cói trước khi phơi.
Chúng tôi lang thang trong làng, hỏi chuyện một vài gia đình sản xuất chiếu và hàng thủ công mỹ nghệ. Có những gia đình tự làm từ trồng cói đến cho ra sản phẩm là chiếu, chẳng hạn. Cói Đức Mỹ nổi tiếng về chiều cao, mùa đông xuân cói cao đến hai mét, mùa mưa còn khoảng một mét tám. Cấy từ cây con, 6 tháng thu hoạch một lần và khoảng 4 năm thì xới lại, trồng cói mới. Đặc biệt, do đây là vùng nước lợ nên sợi cói dai, ở vùng nước ngọt, sợi cói giòn, dễ gãy. Một cô gái nói với chúng tôi, từ ngày còn bé đã thấy cha mẹ làm cói rồi.
Rời Đức Mỹ, chúng tôi qua Vũng Liêm, rồi Vĩnh Long. Những cánh đồng cói rập rờn trong gió. Mùi cỏ tươi khi thoảng, lúc đậm nồng. Cảnh se cói dưới đồng, trên đường cói phơi hàng dài xòe rất đều lại thêm những đường, ngõ hoa đủ sắc, đẹp như tranh.
Đi để trải nghiệm và là dịp ôn lại bài học về lịch sử, địa lý một cách trực quan, sống động nhất. Còn để thấy quê hương mình nhiều nơi đẹp đến bâng khuâng. Đi qua rồi, nhìn lại mới ngẫm ra cuộc sống quá thú vị nếu chúng ta chịu đi và tận hưởng nó.
Và đôi khi đi lạc có thể mở ra một cơ hội khó ngờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.