Một cách lý giải về tập tục cắt bỏ cúc áo của người chết

21/05/2021 06:43 GMT+7

Tập tục cắt bỏ cúc (nút) áo của người chết trong nghi thức khâm liệm đã có lâu đời ở nước ta, có nhiều câu hỏi xoay quanh tục lệ tại sao chết phải cắt bỏ cúc áo.

Mỗi người đưa ra lý giải cùng với quan điểm của mình như: Trước đây cúc áo được làm bằng đồng và nhôm hoặc kẽm nên không bị phân hủy và rồi sẽ dính vào phần hài cốt, vì thế tục cắt bỏ cúc áo được sinh ra từ đây. Cũng có lý giải khác là, nhân dân ta có quan niệm cúc áo là đại diện cho năm đức tính quý của con người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Sau khi chết đi, để lại cúc áo cũng là để lại năm đức tính tốt này cho con cháu thừa hưởng và phát huy. Một quan điểm nữa lại cho rằng cúc áo là đại diện cho của cải vật chất chốn trần gian, người chết không thể mang đi, cắt bỏ cúc áo cũng là mong muốn cho người chết ra đi được thanh thản...
Ở bài này lý giải của tôi được dựa trên cơ sở những phát hiện thú vị về hoa cúc, như ở các bài đã đăng trên Báo Thanh Niên Bảo vật quốc gia bằng vàng hình sen hay cúc? của Vũ Kim Lộc và Trần Đức Anh Sơn (đăng ngày 11.4.2021), và bài Hoa cúc với vương triều Nguyễn của Vũ Kim Lộc (đăng ngày 2.5.2021). Nhận thấy cũng cần phải nhắc lại những phát hiện trong hai bài nêu trên bao gồm các vấn đề như: Các vua triều Nguyễn đã sử dụng hình ảnh và biểu tượng của loại hoa này cho nhiều vấn đề trọng đại. Điển hình là vua Minh Mạng đã chọn các chữ có bộ 日 (nhật: mặt trời = hoa cúc) làm “tự danh” truyền đời cho các vua về sau khi lên nối ngôi. Rồi trên nhiều món đồ sứ, đồ pháp lam của triều Nguyễn, ngoài việc viết chữ 日 làm hiệu đề, còn sử dụng hình tượng hoa cúc như là vương huy của vương triều Nguyễn. Tiếp đến, hoa cúc còn bao phủ lên toàn bộ hệ thống mũ miện và cả về tiền thưởng cùng với vương huy của triều Nguyễn nữa, và với các bằng chứng này các tác giả đã đưa ra kết luận: Từ đây đã mở ra hướng tiếp cận mới, cách nhìn mới về nhiều vấn đề của nhà Nguyễn và kể cả các triều đại trước.
Một cách lý giải về tập tục cắt bỏ cúc áo của người chết1

Cúc áo nhật bình

NGUỒN: BẢO TÀNG CỔ VẬT CUNG ĐÌNH HUẾ

Mối liên hệ giữa hoa cúc và cúc áo

Tiếp nối các phát hiện nêu trên, nhưng ở một hướng tiếp cận mới đó là hoa cúc và cúc áo có liên quan gì với nhau hay không.
Cúc: Theo Từ điển tiếng Việt, là loài hoa cúc, nhưng ở nghĩa khác lại là cúc áo. Về vấn đề này rất có thể có sự liên quan với nhau bởi hoa cúc có nhiều loại, như đại đóa, bất tử, vạn thọ, đồng tiền và còn có loại cúc nút áo.
Về loại cúc nút áo, đặc điểm của hoa cũng có kích thước tương tự như những chiếc cúc áo. Ý nghĩa của loại hoa này thì có ý kiến cho là tượng trưng cho sự cát tường và thịnh vượng nên được xem là loại hoa quốc dân, người người, nhà nhà đều biết. Nhìn chung là cũng không nằm ngoài ý nghĩa chung của hoa cúc như chúng ta đã biết đó là khát vọng về sự viên mãn, trường tồn, và là biểu tượng của mặt trời.
Còn về cúc áo, là thuộc dạng trang sức, tùy từng kiểu áo mà cúc có kiểu dáng, kích thước khác nhau, tùy từng địa vị mà cúc có chất liệu cùng hoa văn trang trí cũng khác nhau, những người nghèo thì chất liệu của cúc áo cũng bình thường và không có hoa văn trang trí. Nhưng bất kể là như thế nào, cúc áo vẫn luôn là điểm nhấn để tăng vẻ đẹp và sang trọng cho người mặc, nhất là được làm bằng chất liệu vàng, ngọc, mã não. Nhìn chung là người mặc áo được thỏa mãn với địa vị của mình trong xã hội. Minh chứng cho vấn đề này là tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang lưu giữ một chiếc cúc áo bằng vàng, có đồ án trang trí hoa cúc ở giữa, 2 chim phượng chầu hai bên và đây là cúc được sử dụng cho áo nhật bình của hậu phi triều Nguyễn. Bằng chứng tiếp theo là trong một bức ảnh Nam Phương hoàng hậu đang mặc áo nhật bình với chiếc cúc hình hoa, có lẽ được làm bằng ngọc nên chi tiết của hoa khi chụp ảnh không được rõ và chỉ thấy tầng tầng lớp lớp của các cánh hoa, và có lẽ cũng là hoa cúc.
Như vậy, phải chăng cúc áo có nguồn gốc từ ý nghĩa của loại hoa này, cúc hoa và cúc áo chỉ là để phân biệt bởi chúng đều là một. Nếu đúng như vậy thì đây có lẽ là lời giải hợp lý cho tập tục cắt bỏ cúc áo của người chết, bởi cúc áo (hoa cúc) tượng trưng cho khát vọng của người trần với nhiều vấn đề trong cuộc sống và còn là biểu tượng của mặt trời. Việc cắt bỏ cúc áo không chôn theo đó là một hình thức giải thoát cho người chết không còn vướng bụi trần, hơn nữa mặt trời thuộc dương không thể xuống âm được. Lý do không còn ai hiểu ngọn ngành về tập tục này bởi đã trải qua rất nhiều đời, nên không còn ai biết về ý nghĩa của những chiếc cúc áo. Có lẽ vì vậy mà ngày nay vô hình trung đâu có ai biết rằng những chiếc cúc trên áo quần của chúng ta chính là những bông hoa cúc, thậm chí một số người còn vô tình thốt ra câu nói “khi chết cúc áo còn bị lấy lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.