Mốt áo cưới cổ phục

18/08/2019 05:43 GMT+7

Áo Nhật Bình cho cô dâu, áo Tấc cho chú rể. Những bộ cổ phục như vậy ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các đám cưới.

Cú hích từ... trang phục cưới truyền thống nước bạn

Khi cô dâu trẻ Đồng Cúc tổ chức đám cưới cách đây gần 4 năm, trang phục của cô đã vô cùng đặc biệt. Cô dâu mặc áo Nhật Bình, chú rể mặc áo Tấc. Đó đều là những trang phục cổ. “Chúng ta luôn xem phim Hàn, Trung, Nhật bối cảnh hiện đại nhưng khi cưới vẫn có trang phục truyền thống riêng để mặc lúc hành lễ cúi lạy cha mẹ và tổ tiên, để rồi cười xuề về nước mình chấp nhận áo dài cách tân, vest, áo cưới trắng xòe bồng bềnh thành trang phục cưới truyền thống. Tôi không phản đối việc này nhưng cái gì là nét đẹp truyền thống thì nên lưu giữ, đừng để biến mất và con cháu sau này chỉ mặc váy tây ngồi xem trang phục truyền thống của các nước bạn”, cô chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình khi đó.
Cô dâu, chú rể Trịnh Quỳnh Anh - Nguyễn Vũ Hải Đăng mặc cổ phục cho ngày trọng đại Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp

Cô dâu, chú rể Trịnh Quỳnh Anh - Nguyễn Vũ Hải Đăng mặc cổ phục cho ngày trọng đại

Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp

Vào thời điểm đó, bộ áo cưới Nhật Bình của cô là một dấu mốc trong đời sống văn hóa. Cô đã mặc trang phục được phục dựng lại sau 60 năm mất dấu trong đời sống Việt. Người ta chỉ có thể thấy nó khi tham quan lăng tẩm cung điện ở Huế hoặc sự kiện Festival Huế. Theo Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ thì áo Nhật Bình được quy định là thường phục cho hậu phi, công chúa.
Nhưng kể từ đó đến nay, những người trẻ đã có quá nhiều thay đổi trong nhận thức về trang phục truyền thống. Cặp cô dâu chú rể Trịnh Quỳnh Anh - Nguyễn Vũ Hải Đăng đã vô cùng thoải mái khi quyết định mặc trang phục cưới tương tự. “Chúng tôi rất thích cổ phục. Vì thế, chúng tôi chọn ngay cổ phục để mặc trong đám cưới. Mọi người trong gia đình cũng không thấy xa lạ gì với trang phục cả. Gia đình đều ủng hộ chúng tôi mặc như vậy”, anh Hải Đăng chia sẻ.
Trên nền nhận thức như vậy, thị trường may, cho thuê áo cưới cổ phục cũng định hình dần. Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên, cho biết so với thời kỳ mới mở, lượng thuê đồ của Ỷ Vân Hiên cho đám cưới ngày càng nhiều. Mùa cưới năm 2018, ông đã rất bận bịu với dịch vụ này. Năm nay còn hứa hẹn nhiều hơn.

Dịch vụ kỳ công, đa dạng

Áo Tấc cũng như Nhật Bình đều rất kỳ công khi may. Mặc dù vậy, may áo Nhật Bình tốn kém thời gian và kinh phí hơn nếu thêu tay. Khi đó, một bộ trang phục có thể lên đến hàng trăm triệu và người thợ thêu có thể phải làm việc liên tục từ 6 - 12 tháng. Chính vì thế, việc thuê trang phục sẽ giúp cô dâu chú rể có trang phục đẹp mà không phải đợi chờ cũng như tốn kém quá nhiều. Tất nhiên, cũng sẽ có những bộ trang phục cổ đỡ tốn kém hơn do khối lượng công việc thêu ít hơn và sử dụng cách vẽ…
Ông Lộc cho biết các cặp đôi còn trẻ lựa chọn Nhật Bình, áo Tấc làm trang phục cho ngày cưới thường có độ tuổi trung bình từ 25 - 35. “Họ làm rất nhiều ngành nghề, trình độ khác nhau, nhưng khi biết tới trang phục truyền thống thì sẵn sàng tiếp nhận, cởi mở và lựa chọn. Đồng thời họ kêu gọi bố mẹ, họ hàng cùng mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới”, ông nói.
Tuy nhiên, các mức giá cũng khác nhau phụ thuộc vào mức độ kỳ công của trang phục. Chẳng hạn, một điểm cho thuê trang phục này tại Hà Nội là V’style - Việt cổ phục cách tân. Nhóm này cho biết, họ có dịch vụ cho thuê áo Nhật Bình và áo Tấc ở Hà Nội. Giá thuê áo Tấc kèm quần 600.000 đồng/ngày, giá thuê lẻ áo Nhật Bình kèm quần là 600.000 đồng/ngày. Nếu thuê cả hai trang phục sẽ là 500.000 đồng/ngày. Những họa tiết trên trang phục này đều là in. Trong khi đó, mức giá thuê ở Ỷ Vân Hiên cao hơn nhiều do trang phục thêu kỳ công với đầy đủ phụ kiện hơn. Chẳng hạn, cả set trang phục gồm khăn vành dây, áo Nhật Bình, áo lót trong, quần, hài, phụ kiện có giá thuê từ 2 - 5,5 triệu đồng tùy theo bộ trang phục đó thêu tay nhiều hay ít.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.