'Món nợ' viết lại, vẽ lại về thời bao cấp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/08/2018 08:33 GMT+7

Hình ảnh mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhớ nhất về thời bao cấp là một chuyên gia giỏi tiếng Anh nhất Bộ Ngoại thương đang vung vẩy hai tay hai mớ rau muống và hát: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Khi đó, ngay chếch cửa Phòng Thương mại - Công nghiệp VN thật may mắn có một cửa hàng rau mậu dịch. Anh em trong cơ quan, theo bà, khi đó rất vui về điều này.
Bà Lan đã nhắc lại câu chuyện đó trong buổi tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp”, tổ chức sáng 18.8 tại Hà Nội về cuốn sách cùng tên mà Nhã Nam xuất bản. Trong cuốn sách đó, có hình minh họa cho thành ngữ “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau” được chế từ ca khúc Bài ca xây dựng của nhạc sĩ Hoàng Vân (ảnh). Hình vẽ của họa sĩ Nguyễn Thành Phong không vẽ vị chuyên gia với hai mớ rau muống mà vẽ ba chiếc tem lương thực 100 gr đứng xếp hàng, đặt tay lên ngực. Một cái nhìn trở lại thời bao cấp của văn học nghệ thuật hiện tại.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ, dường như chúng ta vẫn còn nợ với đề tài bao cấp. Có lẽ, bây giờ khi đã bước ra khỏi thời kỳ đó để nhìn lại, cần có những tác phẩm văn học nghệ thuật về thời kỳ đó. “Trong thời kỳ bao cấp dù khổ nhưng lạc quan. Ông Chế Lan Viên còn có một bài thơ về chuyện xếp hàng, ca tụng việc xếp hàng. Tôi không nhớ cụ thể, nhưng bài thơ nói dù bom Mỹ phá hoại, dù có máy bay, ta vẫn bình tĩnh xếp hàng chờ mua một cốc bia. Ý là dù thế nào cũng không lay nổi ý chí của người dân VN, chúng tôi vẫn bình tĩnh xếp hàng. Bây giờ, mình cần có những cuốn sách để nhìn lại rằng mình đã có thời như thế và mong nó không lặp lại”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, cuốn sách Thương nhớ thời bao cấp với những câu thành ngữ, tục ngữ thời đó kèm hình minh họa như một lời chào vui giã từ tới quá khứ. Hơn thế nữa, nó cũng sẽ thúc đẩy những người muốn viết về thời kỳ này. Một thời kỳ mà theo ông là bao cấp về kinh tế rồi từ đó đưa đến bao cấp về tư tưởng, về cảm xúc. Còn hiện giờ, theo ông, văn học nghệ thuật vẫn nợ tác phẩm lớn viết về thời bao cấp đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.