Nhớ gánh bún ốc xưa

31/07/2021 13:38 GMT+7

Nhớ về Hà Nội, tôi nhớ ngay đến gánh bún ốc .

Người ta thường nói “ốc tháng mười, người Hà Nội”. Tháng mười nổi gió heo may, cánh đồng lúa chín, ốc béo nhất trong năm. Nhớ về Hà Nội, tôi nhớ ngay đến gánh bún ốc.
Thời học đại học, tôi ở trọ khu Vân Hồ. Mỗi buổi sáng đạp xe đến trường ở phố Lê Thánh Tông, tôi thế nào cũng ghé gánh bún ốc ở góc phố Hồ Xuân Hương.
Thực khách ngồi chồm hổm vòng trong vòng ngoài. Giá bán cũng khá bình dân, chỉ 3 hào (cắc)/mẹt là đủ no. Để tham khảo, lương kỹ sư mới ra trường lúc bấy giờ chỉ 60 đồng/tháng, chứ không tiêu bạc ngàn bạc triệu như bây giờ.
Chiếc quang gánh của bà bún ốc một bên chất đầy ốc, khi bán mới khêu ra. Bà bán hàng khêu thật thuần thục, lấy hết được ruột, chỉ trừ lại khúc cuối.
Mỗi "mẹt" chỉ dăm con ốc, được đặt trong cái chén như chén ăn cơm, rồi chan nước ốc kèm theo giấm bỗng, ăn với bún đồng tiền xếp trên lá chuối.
Tất cả món ăn vặt ở Hà Nội đều phải rao, chỉ trừ bún ốc. Ở quán ốc, chỉ có một đống vỏ ốc chất cao và vài chiếc lu sành chính là “thương hiệu” nhận diện.
Nước ốc đựng trong cái lu sành, múc bằng ống tre (về sau cải tiến thành gáo tre). Gia vị gồm có giấm và ớt chưng. Giấm cũng đựng trong lu sành nhỏ hơn, cũng múc bằng ống tre. Chén ốc được tô điểm bằng một muỗng nhỏ ớt chưng, nổi lềnh bềnh trên mặt, cay xé lưỡi.
Không hề có hành, ngò, tía tô, rau sống, rau thơm như sau này người ta thêm thắt vào. Nước ốc cũng nêm thật khéo, vừa miệng đủ hạng người, không thấy ai yêu cầu thêm mắm muối gì cả.
Cứ tưởng món “bún ốc nguội” đã tuyệt chủng như loài khủng long, nhưng mới đây, qua thông tin trên mạng, tôi thấy bún ốc xưa lại hồi sinh, vì Hà Nội vẫn không thiếu những người ưa hoài cổ như tôi.
Năm ngoái, nhân dịp về Bắc, tôi đến thăm ô Quang Chưởng, phát hiện có quán bún ốc xưa đối diện cổng thành, đầu phố Hàng Chiếu, tôi đã lăn xả vào ngay, tìm lại hương vị xưa mà mình hằng mong nhớ.
Cố nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Miếng ngon Hà Nội khi mô tả món bún ốc, có đoạn viết: "Đó là một thứ quà có thể bảo là đã đạt được tới cái đích nghệ thuật ăn ngon của người Hà Nội". Đúng vậy, ngon khó tả, phải một lần ăn mới biết được.
Có ai đó nói rằng: bắt được lá vàng sẽ được quyền ước một điều ước... Đối với một người tha phương như tôi, chuyện đó hồ dễ? Ở miền Nam không biết mùa đông, khi nhận được chiếc lá vàng do chim én từ phương Bắc tha về, tôi chợt tỉnh, vội vàng đưa cô vợ về Hà Nội hưởng gió heo may.
Tất bật đuổi theo gót chân mùa thu, nhưng chúng tôi vẫn chậm nửa nhịp, bầu trời xám xịt, gió đông hiu hắt, đành phải dắt nhau ra Thủy tạ ngắm nhìn cảnh Hà Nội vào đông.
Cuộc chia tay mùa heo may diễn ra thật nhanh, khiến tôi thấy chạnh lòng buồn rưng rưng, đành phải hẹn năm sau…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.