Mơ một bông hồng cài áo

01/09/2012 09:49 GMT+7

Mùa Vu lan đến, khách hành hương ghé Tịnh thất Bồng Lai tấp nập. Vài bông hồng đỏ cài trên ngực áo của họ vô tình rơi rớt ở sân chùa. Những đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi nương náu ở đây vội nhặt lên cài lên áo mình...

Con ai đem bỏ chùa này? A Di Đà Phật, con thầy, thầy nuôi… Gần 100 đứa trẻ mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi mới chào đời hiện nương náu ở Tịnh thất Bồng Lai, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, em nào cũng thuộc lòng lời ca da diết này.

98 phận đời

Mùa lễ Vu lan báo hiếu tháng 7 âm lịch năm nay, khách thập phương ghé thăm Tịnh thất Bồng Lai tấp nập. Lẫn trong không khí nhộn nhịp, tiếng kinh cầu, lời khấn nguyện của khách hành hương là giọng bi bô tập nói của trẻ con, là những tiếng gọi “cô ơi, bà ơi” í ới của đám trẻ lên 4, lên 5 đang sinh sống tại tịnh thất.

Tận tay cài các bông hồng đỏ thắm lên ngực áo chúng tôi, những thiếu niên lớn lên tại Tịnh thất Bồng Lai không giấu được những ánh mắt buồn bã. “Sư phụ của con nói ai được cài bông hồng đỏ là còn mẹ. Tại sao chúng con ở đây chưa bao giờ được cài bông hồng đỏ như thế?” - câu hỏi ngây ngô, vô tình của cậu bé 8 tuổi tên Phước như chạm vào trái tim của hàng trăm khách hành hương.

 Những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi tại Tịnh thất Bồng Lai
Những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi tại Tịnh thất Bồng Lai - Ảnh: Thu Hồng

Nhiều bông hồng đỏ cài trên ngực áo của khách hành hương vô tình rơi rớt ở sân tịnh thất. Những đứa trẻ ở đây vội nhặt lên cài trên áo mình. Những đứa còn nhỏ có vẻ vô tư nhưng các em lớn hơn thì đầy khao khát…

98 trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi đã được thầy Thích Thiện Minh, trụ trì Tịnh thất Bồng Lai, nhận về nuôi dưỡng tại đây, lớn nhất đã trên 20 tuổi và nhỏ nhất chỉ vừa hơn 1 tháng tuổi. 98 phận đời này là 98 câu chuyện buồn khác nhau nhưng đều có điểm chung: Chưa trường hợp nào may mắn được người thân đến nhận cốt nhục. “Cũng có vài đứa được người thân đến thăm 1-2 lần rồi không thấy họ trở lại” - trụ trì Thích Thiện Minh cám cảnh.

Vươn lên trong sóng gió

Từng hoàn cảnh cụ thể của 98 đứa trẻ nương náu ở Tịnh thất Bồng Lai được thầy Minh nhớ tường tận. Đưa tay chỉ anh em ruột Tr.H.Ph (19 tuổi) và Tr. A.T (17 tuổi), ông hồi tưởng: “Trong một đêm mưa dông, có bà mẹ trẻ gầy nhom đến cổng tịnh thất xin gặp tôi để gửi 2 con. Lúc đó, bé trai Ph. mới tập đi chập chững, còn bé gái T. vừa biết lật.

Cô quỳ sụp dưới chân tôi, khóc vùi: “Tôi không biết cuộc sống của mình kéo dài bao lâu nữa, xin thầy cho gửi 2 đứa con bé bỏng này”. Nửa tháng sau, người mẹ trẻ đến thăm con, trông cô tiều tụy hơn. Ôm 2 con vào lòng, cô nức nở: “Có thể đây là lần cuối cùng mẹ đến thăm các con”. Nửa tháng sau, tôi nhận được tin cô chết vì ung thư giai đoạn cuối. Vì không người thân mai táng, bệnh viện phải chôn cất cô”.

Anh em ruột Tr.H.A và Tr.M.S thì lại đến Tịnh thất Bồng Lai từ một cuộc điện thoại. “Có người gọi đến tịnh thất, yêu cầu tôi lên TPHCM để nhận trẻ. Đến nơi, tôi được một phụ nữ da bọc xương bị ung thư máu giai đoạn cuối nắm chặt tay và ký thác 2 đứa trẻ, một cháu 4 tuổi và cháu kia vừa tròn 8 tháng. Hôm chúng tôi đón A. và S. về tịnh thất, 2 cháu không có người thân nào đưa tiễn, chỉ có những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hõm sâu của người mẹ” - trụ trì Thích Thiện Minh ngậm ngùi.

Những đứa trẻ có cha mẹ chẳng may mất sớm, không người thân nương tựa được gửi vào Tịnh thất Bồng Lai xem ra vẫn còn may mắn hơn nhiều trường hợp không rõ đấng sinh thành là ai, hoặc chỉ biết tên mẹ thông qua giấy chứng sinh để lại trên người các em lúc bỏ rơi. “Nhiều trường hợp là con nữ công nhân hay con nữ sinh trót lầm lỡ. Cũng có nhiều cháu cha mẹ nghèo, sinh nhiều con rồi không có khả năng nuôi cũng mang đến bỏ ở tịnh thất này. Dù xuất phát ở hoàn cảnh nào, tất cả đều là những câu chuyện buồn mà không ai muốn nhắc đến” - thầy Minh cho biết.

Trong ngôi nhà chung Tịnh thất Bồng Lai, các đứa trẻ đều được đặt tên mới và mang họ Trương của trụ trì Thích Thiện Minh. Hơn 2/3 trong số này là trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Không cùng máu mủ, ruột rà nhưng tất cả đều gọi nhau là anh em, đứa lớn thay nhau chăm đứa nhỏ. Cứ thế, những mầm xanh đã vươn lên trong sóng gió cuộc đời. Có em đã trưởng thành, đi làm, thỉnh thoảng về thăm tịnh thất. Nhiều em đang là sinh viên hay chuẩn bị vào đại học…

Trả nợ cho đời

Gần 30 năm trước, khi Tịnh thất Bồng Lai còn là ngôi chùa nhỏ lợp bằng lá dừa, thầy Thích Thiện Minh đã nhận nuôi vài đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi. “Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi bú thép, lớn lên giặt đồ mướn, trông trẻ thuê. 21 tuổi, tôi bén duyên với cửa Phật và tâm nguyện nhận trẻ mồ côi nuôi dưỡng để trả nợ cho đời.


 Trụ trì Thích Thiện Minh nựng nịu một bé gái bị cha mẹ bỏ rơi - Ảnh: Thu Hồng

Điều tôi đau đáu mãi là tại sao không có cha mẹ nào đến nhận lại cốt nhục của mình, dù họ tự tay trao con cho chúng tôi? Nhiều người dưng, không máu mủ ruột rà mà còn đến đây nằng nặc xin nhận các cháu về làm con nuôi, cớ sao cha mẹ lại nỡ bỏ con cho đành?” - thầy Minh trăn trở.

Theo Thu Hồng / Người Lao Động

>> Thay lời muốn nói" tri ân Mẹ mùa Vu Lan
>> Mùa Vu lan
>> Mùa Vu lan báo hiếu
>> TP.HCM: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân mùa vu lan báo hiếu
>> Chăm lo trẻ mồ côi
>> Khám bệnh cho trẻ mồ côi
>> Giúp người tàn tật và trẻ mồ côi
>> Tặng quà cho trẻ mồ côi
>> Bánh chưng tặng trẻ mồ côi
>> Tặng sữa cho trẻ mồ côi
>> Đêm nhạc gây quỹ từ thiện cho trẻ mồ côi, khuyết tật
>> Những đứa trẻ mồ côi cần giúp đỡ
>> Tặng quà cho trẻ mồ côi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.