'Mở kho' ấn, triện, sắc phong... Nam bộ xưa

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
15/08/2018 07:12 GMT+7

Sáng 16.8, Bảo tàng TP.HCM sẽ khai mạc trưng bày chuyên đề đặc biệt Dấu ấn khai phá vùng đất Nam bộ qua hiện vật bảo tàng, giới thiệu bộ sưu tập ấn, triện, sắc phong, chỉ dụ, tờ truyền... được tuyển chọn từ gần 4.000 hiện vật quý về TP.HCM và Nam bộ xưa.

Triển lãm lấy năm 1689 - mốc thời gian Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược và thiết lập nền quản lý hành chính tại Nam bộ để mở đầu cho cuộc khám phá “kho hiện vật” theo dòng lịch sử.
Từ sưu tập 24 ấn tín vô giá…
Không chỉ được gặp lại những tấm bản đồ hiếm xưa: bản đồ Sài Gòn năm 1623 - 1679, bản đồ Sài Gòn năm 1795, bản đồ tỉnh Gia Định và vùng phụ cận do Trần Văn Học vẽ với dấu tích thành Gia Định, Đồn Bắc, Đồn Nam và Lũy Bán Bích..., người xem còn được dịp chiêm ngưỡng 24 ấn tín, thể hiện sự quản lý của nhà nước trong những buổi đầu xác lập hành chính. Đó là tờ truyền được viết bằng chữ Hán phong cho Trần Văn Thành (phủ Gia Định) coi việc sổ sách, dự bàn quân cơ, viết ngày 2.11 năm Cảnh Hưng thứ 57 (1796). Đây là một trong những văn bản hành chính xưa nhất về sự quản lý của nhà Nguyễn gắn với con người và vùng đất Sài Gòn. Bên cạnh đó là chỉ dụ bằng chữ Nôm được Nguyễn Ánh ban cho tướng sĩ trong dịp duyệt binh ở Gia Định ngày 26.3 năm Canh Thân (1800). Cuối văn bản có đóng ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo.
Bất ngờ nhất là bộ sưu tập ấn, triện thời Tây Sơn được đúc trong khoảng thời gian từ năm 1790 - 1801 được lưu giữ như mới: Ấn Khâm sai Tiền Thủy chi đô đốc đúc bằng đồng hình chữ nhật. Núm ấn dạng chuôi vồ, thấp, to và thắt đáy, cao 5 cm. Ấn Tây Kỳ phủ Trung Tín nhất vệ hộ quân sứ hoa hầu đúc vào mùa đông năm Tân Hợi 1791, mặt nổi 13 chữ Hán kiểu chữ triện theo 2 hàng dọc cấp cho Hầu tước Vinh Hoa. Ấn Tả bật đạo thiên định kỳ Trung định vệ úy quân sứ, lưng ấn khắc chìm 2 dòng chữ Hán kiểu chân phương, bên trái khắc 12 chữ ghi tên ấn, bên phải khắc 5 chữ ghi niên đại Tân Hợi niên đông tạo cấp cho Vệ úy quân sứ, đúc năm 1791. Ấn Kim nhị vệ úy quân phó sứ có núm hình con hổ đang nằm, đầu ngẩng lên, lưng khắc chìm chữ Hán; bên phải khắc 5 chữ ghi niên đại Tân Hợi niên đông tạo, bên trái khắc 10 chữ ghi chức vụ người sử dụng. Ấn Tả quân đạo Phó Đô ty khắc 6 chữ Nhâm Tuất niên trọng hạ tạo ở lưng và có hình chữ nhật đúc nổi 9 chữ Hán kiểu chữ triện…
'Mở kho' ấn, triện, sắc phong... Nam bộ xưa1
Tín ký của thư lại
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long và đặt kinh sư tại Huế. Từ đó, các vua triều Nguyễn ban hành nhiều tờ truyền, chỉ dụ, sắc phong... khuyến khích, động viên, khen thưởng những người có công, thăng quan tiến chức và con cái hiếu thảo để lưu truyền, răn dạy; các tờ truyền, chỉ dụ, sắc phong... đó cũng được trưng bày trong triển lãm lần này.
Ngoài bộ sưu tập ấn triều Nguyễn rất phong phú: Lương Tài hầu chi ấn, Ấn Khâm sứ Đại thần quan Phòng... còn có Trần Nguyên tín ký làm bằng ngà, hình vuông để các quan lại dùng chứng nhận cho một số văn bản tại địa phương. Đặc biệt, Tả quân chi ấn được đúc bằng đồng thau, phần núm đúc hình kỳ lân, đầu to ngẩng cao, có chữ vương, thân tròn, to khỏe, rắn chắc, ngực vạm vỡ, đuôi dài vượt quá phần thân. Hai bên hông từ chân đến lưng có 4 dải trang trí đao lửa đúc nổi; sống lưng chạm vân thủy ba, dáng nét tinh xảo, bề thế. Phần thân và mặt trên thành thân ấn phía bên trái con lân khảm 4 chữ Hán, kiểu chữ chân Tả quân chi ấn; phía phải khảm 8 chữ Hán Nhâm Tuất trọng xuân cát nhật giám tạo. Cả 2 dòng chữ đều được khảm bạc sắc nét. Mặt ấn có hình vuông, 4 chữ triện xếp theo 2 hàng, nét khắc sâu đậm... đang được đề xuất công nhận là bảo vật quốc gia.
'Mở kho' ấn, triện, sắc phong... Nam bộ xưa2
Ấn Kim nhị vệ úy quân phó sứ thời Tây Sơn
Đến những sắc phong “độc nhất vô nhị”
Theo lãnh đạo Bảo tàng TP.HCM, công việc đã được lên kế hoạch từ cuối năm 2017. Hiện vật gốc được hội đồng khoa học cơ quan cho ý kiến, bổ sung nhiều lần với phương pháp trưng bày hiện đại. Hình ảnh các sắc phong cổ xưa được sao chụp lại và phóng ảnh lớn bằng nguyên bản, tạo sự mới mẻ, sinh động: sắc của vua Minh Mệnh truy phong cho các ông bà: Trần Văn Diệu, Nguyễn Thị Tình (1828), Trần Văn Năng (1834) đều được đóng dấu son, bên trong có 4 chữ Hán theo lối chữ triện Sắc mệnh chi bảo ở dòng cuối, thêu trang trí lưỡng long chầu nhật viền xung quanh. Ngoài ra còn có sắc phong Thần thời Tự Đức, sắc của vua Tự Đức truy phong ban cho Trần Văn Chính - liệt sĩ chống Pháp, sắc phong vua Thành Thái ban cho sĩ tử Trần Văn Niệm, ban cho Long Vũ Bùi Văn Bằng… cùng bằng cấp Tả, Hữu tướng quân Quân thứ Gia Định cấp cho Tống Thất Trực (1835), tờ tuân trích lục do Bố chánh và Án sát tỉnh Phú Yên làm năm 1896, Hoàng triều lục bộ luật lệ nghị định tiểu sách giữa thế kỷ 19, sách Thượng Dụ Huấn điều ấn triện (1856), văn bản thưởng tiền Tiểu hạng Long văn (1927)...
Chị Hà Thị Thu Hiên, Trưởng phòng Trưng bày (Bảo tàng TP.HCM), cho rằng triển lãm thực sự là cơ hội để người xem tiếp cận với nhiều hiện vật quý lần đầu tiên trưng bày, mà một số người có thể chưa từng thấy trong đời. Tất cả được sắp xếp theo mạch thời gian, tạo cảm giác liên tục của lịch sử và đầy hấp dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.