Mơ homestay ở Tây Nguyên

05/09/2012 03:05 GMT+7

Chuyên gia và người tham dự hội thảo về văn hóa Tây nguyên cuối tháng 8.2012 mong bảo tồn không gian văn hóa đa dạng này, dù quá khó.

Bảo tồn văn hóa Tây nguyên không phải chỉ là giữ một dàn chiêng, một mái nhà rông truyền thống. Bảo tồn văn hóa Tây nguyên nghĩa là giữ được không gian văn hóa ấy, thói quen sinh hoạt ấy của người dân như nó đã tồn tại từ lâu đời. “Tất nhiên, giữ nguyên thói quen khi xã hội thay đổi là điều khó”, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nhìn nhận.

 Một góc của triển lãm Những ngày văn hóa Tây nguyên ở Hà Nội
Một góc của triển lãm Những ngày văn hóa Tây nguyên ở Hà Nội - Ảnh: Trinh Nguyễn

Tuy nhiên, việc bảo vệ không gian văn hóa Tây nguyên là điều luôn cần được đặt ra bởi cách tiếp cận bộ phận là lỗi lặp nhiều trong chính sách và thực hành văn hóa. Nghi lễ cồng chiêng - một cách thức giao tiếp với thần linh được đưa ra khỏi không gian thiêng. Nhà rông văn hóa bị bỏ hoang. Hậu quả của cách tiếp cận độc điểm đã thể hiện rõ. “Thậm chí, thực tế ở Gia Lai còn cho thấy những ngôi nhà của chính sách xóa đói giảm nghèo 134, 135 cũng có thể phá vỡ không gian nguyên bản của một ngôi làng Tây nguyên”, một đại biểu Gia Lai nói.

“Khi tái hiện trò giã gạo, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để ghép các yếu tố của trò chơi”, bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ. Những yếu tố như cối gạo, quần áo đúng phong tục ngày xưa giờ đây phải khó khăn lắm mới tìm lại đầy đủ, đồng bộ.

“Việc giữ không gian văn hóa  bản địa của một ngôi làng quá gian nan”, PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, nói. Chính vì thế, theo ông Lý cần gấp đẩy nhanh quá trình sưu tầm, tư liệu hóa văn hóa Tây nguyên để “chạy tiến độ” khi các nghệ nhân ngày một già đi. Trong hội thảo lần này, chính sách cho nghệ nhân là điều không chỉ mình ông Lý nhắc đến. Về tư liệu, bản thân các tỉnh tham dự hội thảo ít nhiều cũng đều có khoảng 10 cuốn sách tư liệu được xuất bản. Tuy nhiên, việc xuất bản sách không có nghĩa văn hóa được giữ gìn, được sống với đầy đủ ý nghĩa tích cực. Điều đáng mong nhất là làng cùng người dân với các tập tục của nó được giữ gìn. Khi đó tới mỗi làng, người ta thực sự được sống cuộc sống chìm trong phong tục ngàn đời.

“Giữ văn hóa bản địa khó nhưng ở Lâm Đồng cũng có nơi làm được”, bà Nguyên chia sẻ. Nơi bà nói đến là Khu du lịch thác Dambri huyện Bảo Lộc. Nguyên cả làng Châu Mạ đã được mời về đây sống. Nghĩa là họ dựng nhà trong khu du lịch theo đúng truyền thống. Đến cả con gà, con lợn cũng theo họ về trong các khu nuôi trồng. Khách du lịch không đến thăm một địa danh, mà đến du lịch tại chỗ “homestay” cùng với họ. Người dân do đó cũng được hưởng lợi từ lối sống bao đời của mình.

Nhưng rõ ràng, không thể đặt mục tiêu biến mọi làng ở Tây nguyên trở thành làng du lịch. Cũng không thể giữ mọi tập tục vì những hủ tục vẫn còn đó - như chôn con còn sống theo mẹ vừa chết, phụ nữ phải ra rừng một mình sinh con. “Chính vì thế, có lẽ nhà quản lý cần chú ý đến ý kiến tổng thể của các nhà nghiên cứu chứ đừng lúc nghe lúc bỏ qua”, PGS-TS Lê Hồng Lý nói.

Trinh Nguyễn

>> Không gian văn hóa Tây Nguyên tại TP.HCM
>> Tổ hợp triển lãm Tây nguyên
>> Triển lãm mỹ thuật nam miền Trung - Tây nguyên
>> Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Chăm An Giang lần IV - 2008
>> Triển lãm ảnh về Trường Sa
>> Tổ hợp triển lãm Tây nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.