Mở chồng báo cũ: Thông loại khóa trình, tờ báo ế của Trương Vĩnh Ký

14/06/2021 06:30 GMT+7

Nhà báo, nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) không chỉ đặt dấu ấn ở Gia Định báo , tâm huyết của ông còn thể hiện qua Thông loại khóa trình (1888 - 1889), “tờ báo quốc ngữ của tư nhân xuất bản sớm nhất ở Sài Gòn”, theo lời Bằng Giang trong tác phẩm Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930.

Làm báo để “học trò coi chơi cho vui”

Trong biên khảo Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh trên Phổ thông bán nguyệt san số 3 (tháng 3.1943, bộ mới) đã thống kê những trước tác của Trương Vĩnh Ký. Trong đó, Thông loại khóa trình được đề cập với tên gọi Pháp ngữ, nhà in, năm in kèm số trang.
Mục đích ra báo được Trương Vĩnh Ký nêu rõ ở số 1.1888 trong bài Bảo. Báo được xuất bản “để cho học trò coi chơi cho vui”. Tiếng là “coi chơi”, nhưng cốt sẽ “mưa dầm thấm lâu” giúp trẻ “biết phép tắc, lễ nghi, cang thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim ấy là đấng đợt con người tử tế”.
Thông loại khóa trình ra được 18 số. Sau số 12, tháng 5.1889, báo đánh số lại và đổi tên là Sự loại thông khảo, chiết tự những chữ đầu trong bài thơ ở Sự loại thông khảo số 2, tháng 6.1889: “Sự noi dấu tích gắng công cầu/Loại tập so xưa nghỉ [nghĩ] sánh đâu?/Thông dụng dịch ra nhiều nẻo biết /Khảo xem đường rộng tỏ người sau”.
Thông loại khóa trình đa dạng thể loại thơ, câu hát, câu đố, câu thai, phương ngôn, truyện nhân vật... Những bài diễn thơ chiếm dung lượng lớn. Báo gần như không bàn thời cuộc, thảng có điểm lại những việc đã qua xa lắc... năm kia như Vè Khâm sai trên số 12, tháng 4.1889.
Báo có những tên tuổi tham gia viết bài dù không thường xuyên như Trương Minh Ký, Nguyễn Khắc Huề, Tôn Thọ Tường, Trần Chánh Chiếu... Số 1 và số 2 không có bài nào đề tên tác giả. Đến số 3, bài Răn đánh bạc thơ mới có đề “Cũng là thầy Huề cho...”. Những bài đăng phần nhiều là sưu tầm nên khuyết danh. Các tác giả cộng tác được ghi tên chủ yếu là công chức nhà nước, do đó bên cạnh danh tính là nghề nghiệp: thông phán (Phan Tần), đốc phủ (Tôn Thọ Tường), linh mục (Lê Minh Triết)...
Về tác giả viết bài, nếu để ý thấy Nguyễn Khắc Huề lúc ấy làm ông giáo Trường Chasseloup Laubat, đã bày tỏ tình cảm với vợ theo kiểu cổ phong qua bài Đường luật Thơ gởi cho vợ (số 10, tháng 2.1889), hay Đặng Đức Tuấn có bài Nói vần những câu chữ người ta quen dùng (số 9, tháng 1.1889) chính là người có nhiều điều trần yêu nước lên vua Tự Đức và là tác giả “Thuật tích nước Việt Nam vãn”...

Báo tự đình bản vì thiếu vốn và... bán ế

Về mặt nội dung, Thông loại khóa trình mang đậm ảnh hưởng Nho học với việc đăng những bài dạy về Tam cương, Ngũ thường (số 1-4, 11); dạy chữ Nho (Giải ít câu chữ Nho, ít tiếng tục Nôm, số 1.1888; Chữ Nhu, số 6, ra tháng 10.1888)...
Báo chú trọng giúp độc giả biết về gương các danh nhân Việt như Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Mạc Đĩnh Chi...; tuyên truyền phong tục truyền thống của dân tộc (Nói chuyện về ngày ăn Thanh minh, số 2.1888; Chữ viết dán ngày Tết, số 10, tháng 2.1889)...; dạy việc sống, ăn ở phải lẽ khi khuyên răn không nên rượu chè, bài bạc như bài Say rượu thơ (số 3, tháng 7.1888), Vè đánh bạc, Vè bài tới (số 4, tháng 8.1888)... Báo cũng có những nội dung tân tiến như dạy học tiếng Pháp (Tập đọc tập nói tiếng Phangsa, số 1.1888), giới thiệu nhân vật, sự việc Tây phương như Tích ông Esope (Sự loại thông khảo số 1, tháng 5.1889), Chuyện khôi hài Tây (Sự loại thông khảo số 2, ra tháng 6.1889)...
Thông loại khóa trình mang đậm dấu ấn cá nhân của Trương Vĩnh Ký. Phải “bao sân” chọn lựa, sắp xếp bài vở, in ấn, lại cả việc làm sách, ông không duy trì tờ báo được lâu. Trong Sự loại thông khảo số 6, tháng 10.1889 là số cuối cùng, ông ngậm ngùi nói về việc đình bản tờ báo với nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là “thiếu vốn”, đồng thời là việc báo phát hành ít người đặt mua, dẫn tới... ế ẩm:
“Nay nhân vì bởi không có vốn cho đủ mà in luôn sách Thông loại khóa trình nữa, nên ta cực chẳng đã phải đình in cho đến khi các nơi các xứ có người chịu mua trước cho đủ số ít là 2.000, 2.500 thì mới có lẽ mà in lại nữa được là có tiền mà trả tiền in cho ít nữa là 2/3 thì mới dám lãnh làm luôn [...] Phải chi mỗi sở tham biện anh em đồng chí lo giùm cho có được chừng 200, 250 người xin mua mà coi thì có lẽ lấy vốn ấy nhen nhúm mà làm thì còn trông xấp xỉ đủ sở phí [...] Năm ngoái năm nay sách Thông loại khóa trình có người mua hết thảy chừng ba bốn trăm; nên còn đọng lại nhiều lắm; không biết lấy đâu mà chịu tiền in”.
Qua hơn 130 năm, Thông loại khóa trình nay để lại giá trị tư liệu đáng kể. Bài Tôn phu nhơn qui Hán thơ do “Tôn Thọ Tường ngụ ý” đã xuất hiện trên Thông loại khóa trình số 11, tháng 3.1889. Ở câu đề ghi “Xóc áo gài trâm vẹn chữ tùng”. Hiện nay, câu này dị bản phổ biến là “Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng”. Việc truy nguồn bài thơ từ Thông loại khóa trình thực đáng lưu tâm.
Hoặc hình thức thai đố phổ biến ở Nam kỳ nay bị thui chột, Thông loại khóa trình là nguồn tư liệu đáng quý khi nhiều số báo đăng các câu thai đố trí tuệ kiểu như “Ro re nước chảy trên đèo, bà già lật đật mua heo cưới chồng” (xuất điểu danh là con chim chàng nghịch, số 5, tháng 9.1888)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.