Miền Bắc có đoàn kịch tư nhân đầu tiên

24/11/2017 07:56 GMT+7

Lucteam là đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc do NSƯT Trần Lực thành lập với đầy đủ tư cách pháp nhân, mã số thuế.

Buổi công diễn vở Cơn ghen của Lọ Lem tại Nhà hát Chèo VN, Hà Nội vào tối 23.11 thay cho lời chào ra mắt của đoàn kịch.
12 năm để có đoàn kịch tư nhân
NSƯT Trung Anh (Nhà hát Kịch VN) nhớ lại cảnh 12 năm trước, ông và NSƯT Trần Lực bươn bả đi tìm địa điểm để thành lập một đoàn kịch tư nhân. “Khi đó địa điểm là điều quan trọng nhất, vì đoàn không thể hôm nay diễn chỗ này, mai chỗ kia. Phải có địa chỉ, có tên, có chỗ. Thay đổi địa điểm nghĩa là mất toàn bộ khán giả. Chúng tôi định thuê rạp ở Nhà văn hóa Thanh niên, Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Lúc đầu, ban giám đốc thấy cũng thuận lợi và hẹn tuần sau quay lại. Nhưng hết một tuần thì họ lại không đồng ý”, ông Trung Anh nhớ lại.
Chúng tôi thành lập đoàn kịch này vì thầy trò có chung chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao với sân khấu ước lệ
NSƯT Trần Lực

Giờ đây, đạo diễn Trần Lực vẫn cố xoay xở để có thể ra mắt đoàn kịch tư nhân của mình. Ông Lực cho biết, sẽ duy trì vài ba điểm diễn dựa trên việc đặt chỗ biểu diễn tại các nhà hát, hoặc trung tâm văn hóa. Trước mắt, cuối tháng 11 và trong tháng 12, đoàn sẽ diễn vở Cơn ghen của Lọ Lem tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace, 24 Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đồng hành với vị đạo diễn là những học trò rất trẻ ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. “Lucteam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy (Trần Lực - PV) và học trò của tôi, những nghệ sĩ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập đoàn kịch này vì thầy trò có chung chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao với sân khấu ước lệ”, ông Lực nói. Điều đó, theo ông Lực, khác hẳn với sân khấu hiện thực vốn quen thuộc với sân khấu nước ta nhiều năm nay.
Trong hai vở diễn của nhóm đã ra mắt là Quẫn Cơn ghen của Lọ Lem, khán giả thấy không gian sân khấu thật tối giản. Với các động tác, một vài đạo cụ nhỏ nhắn, khán giả có thể thấy sự chuyển cảnh vô cùng ý nhị. Âm thanh cũng góp phần tạo ra sự chuyển cảnh đó, khi tiếng bước chân rầm rập, tiếng hát to dần, tạo cảm giác rõ ràng về sự truy đuổi. Sân khấu có những lái xe Uber, Grab trên chiếc xe máy chỉ cao chừng nửa mét. Một không gian đậm chất sân khấu truyền thống của chèo, tuồng… mà đạo diễn Trần Lực đã say mê từ nhỏ. “Cách làm sân khấu này cũng giúp đạo cụ của chúng tôi gọn gàng và có thể đi lưu diễn tốt hơn chứ không phải chở theo cả xe tải”, ông Lực cho biết. Cơn ghen của Lọ Lem là vở hài kịch với những tràng cười sảng khoái, nhưng khi về nhà khán giả vẫn phải nghĩ ngợi về tính châm biếm ẩn chứa trong vở kịch.
Cùng với sự ước lệ, ông Lực nói thêm, cần nhấn mạnh vào kỹ năng biểu diễn của diễn viên. Trong khi đó, ở mặt bằng chung, NSƯT Trung Anh cho rằng, hiện tại các nhà hát vẫn chưa chú trọng thanh nhạc, hình thể. “Đào tạo trong trường cũng có học thanh nhạc, hình thể… Nhưng nó chỉ là thứ yếu khi đào tạo diễn viên kịch nói. Trong khi đó ở nước ngoài, diễn viên kịch được đào tạo về hát, nhảy gần như những người chuyên nghiệp. Có những nhân vật cần kỹ năng như vậy. Giả sử nhân vật cần biết múa, nếu lấy một cô diễn viên múa vào thì cô đó lại không thể thoại được...”, ông Trung Anh nhận định.
Chính vì thế, một trong những việc phải luyện hằng ngày của Lucteam là bổ sung hai kỹ năng đó. Trong cả hai vở QuẫnCơn ghen của Lọ Lem, diễn viên của ông đều hát. Những bài hát đó hoàn toàn không phải để minh họa mà chính là cá tính nhân vật. Thay vì thoại như kịch nói bình thường, họ hát. Làm nghệ sĩ của Lucteam nghĩa là phải học thêm kỹ năng rất nhiều.
Dựng kịch gần gũi khán giả hơn
TS Cao Ngọc, người nhiều năm giảng dạy lịch sử sân khấu ở ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cho biết ở miền Bắc trước kia, khi mới hình thành sân khấu kịch, có những nhóm kịch tư nhân. Họ học theo cách người Pháp dựng kịch và có những vở diễn của mình. Cũng có khi, họ biểu diễn để quyên tiền cho một việc nào đó. Mặc dù vậy, theo bà Cao Ngọc, đoàn kịch đó hoàn toàn mang tính tài tử, hợp tan tùy ý và không bền vững.
Sau này, sân khấu phía bắc cũng nhen nhóm các đoàn kịch tư nhân, hoặc có những nhóm nghệ sĩ cùng nhau diễn. NSND Trần Nhượng (Đoàn kịch Công an) cũng từng có ý định thành lập đoàn kịch tư nhân sau khi tập hợp được một số diễn viên tên tuổi. “Nhóm đã diễn thường xuyên tại rạp Kim Mã. Anh Nhượng cũng định duy trì nhưng vẫn không bán được nhiều vé. Sau đó một thời gian đành bỏ”, bà Cao Ngọc cho biết.
Hiện tại, vẫn có những chương trình, các nhóm nghệ sĩ thường cùng nhau biểu diễn như các vở kịch của Xuân Bắc - Tự Long ở Nhà hát Âu Cơ nhưng vẫn là những nhóm kịch chứ không thành đoàn tư nhân, có tư cách pháp nhân như Lucteam. Theo NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch VN, dựng những vở lớn là việc của các nhà hát trong khi các nhóm nhỏ thường không làm. NSND Anh Tú, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, cũng cho rằng, dựng các vở kinh điển là một lựa chọn chuyên môn nhưng vô cùng kén khán giả. Đây là điều nhà hát kịch của ông luôn phải cố điều hòa. Trong khi đó, Lucteam của Trần Lực, trước khi ra mắt đã diễn “cháy vé” vở Quẫn ở địa điểm đi diễn “nhờ” là Nhà hát Tuổi Trẻ. “Tôi nghĩ quan trọng là cách làm. Chúng tôi vẫn dựng vở kinh điển, nhưng làm theo cách gần gũi khán giả ngày nay. Phải rất thị trường”, ông Lực nói.
Quá muộn còn hơn không
Từ khi nhà nước thực hiện chủ trương xã hội hóa cách đây đã gần 22 năm, tôi và NSƯT Thành Lộc là những người đầu tiên tại TP.HCM thành lập sân khấu tư nhân. Vậy mà bây giờ năm 2017 Hà Nội mới làm được việc này thì thật quá trễ, trong khi đội ngũ nghệ sĩ ở thủ đô tài năng rất nhiều, ước mơ làm nghề cao. Nhưng dù muộn còn hơn không, vẫn hơn các tỉnh thành còn lại hầu như trở thành “vùng trắng”. Cùng là tư nhân, biết “đồng tiền liền khúc ruột” nên tôi mong sân khấu của đồng nghiệp tạo được sức bật mới, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để khán giả lựa chọn.
Với kinh nghiệm 22 năm làm kịch nói phải bươn chải tự kiếm tiền, tôi chỉ dám có lời khuyên rằng: dựng vở phải đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Giải trí nhưng phải có định hướng thẩm mỹ. Nếu đáp ứng được hai điều đó, sân khấu kịch mới thành công và có chỗ đứng trong lòng người xem.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch Idecaf, TP.HCM
Công Sơn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.