'Mệnh đề' thời gian trong nhạc Từ Công Phụng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
21/12/2020 14:24 GMT+7

Để qua bao ngày nghe nhạc của ông, mới mạn phép nói rằng ít có nhạc sĩ nào có nhiều bản nhạc đề cập đến mệnh đề thời gian chuyển tải trong ca từ như nhạc của Từ Công Phụng .

Ông đặt cả chất tinh túy tài hoa, luận về một yếu tố cả nhân loại thời nào cũng phải đau đáu để tâm, vào gia tài âm nhạc của mình. Thời gian - một mệnh đề vĩnh hằng trong trái tim của người nhạc sĩ ùa vào những giai điệu, mà ai nghe qua cũng phải ồ lên ngạc nhiên: từ những sát-na thoáng qua đến năm tháng rộng dài của đời người, là ở đây chứ đâu!
Sáng, mở Facebook của một người bạn, nhà thơ Trần Cao Duyên ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), thấy một comment thơ của anh biến điệu từ một thành ngữ xưa “bóng câu qua cửa”, bằng hai câu: “Thời gian phi mã/ Ta như ô cửa đứng nhìn”, để chỉ cái vụt bay của 7 năm trời, khi một người bạn khác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng cùng quê nhắc lại một kỷ niệm. Chừng ấy thời gian, đủ để thấy và biết được ít nhiều biến thiên của đất trời, ai còn ai mất. Vũ trụ đã thay đổi những gì. Rã tan bao trầm tích, hay hình thành mấy lỗ đen. Dòng sông chuyển mạch chảy, hay rừng đã trụi trơ. Nguồn cội đã mấy bận phai nhòa, hoặc niềm đau đã cũ…
Những gì chúng ta trải qua mỗi ngày, khi mỗi tờ lịch rơi xuống, năm tháng rộng dài dần ngắn lại. Tiếp nối một mùa qua và con số của một niên dần trở thành muôn niên. Tất thảy khi nghe Từ Công Phụng, đều thấy cái sự chuyển tải tài tình của ông:
Gom một chút nắng vàng
Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua
Em nhìn thấy chút gì
Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta
(Trên những tháng ngày đã qua)
Hay khi nghe chút xót xa trầm lắng về một cuộc tình đã đi qua, đối với muôn người đều trải qua những vùng tuổi gầy, dài theo năm tháng qua bản Mưa trên ngày tháng đó của ông. Có khắc khoải đến nao lòng, tan chảy và hòa với những vạt mưa như thế nào mới viết được những đoạn nhạc hay như vậy:
Trời còn làm nước mắt rơi mau
Trên vùng tuổi mưa ngâu
Người còn nước mắt rơi mau
Trên vùng tuổi thương đau
Rồi nối tiếp, là những đa đoan khó cưỡng lại ở đoạn kết bài:
Người về nghe tiếng hát âm vang
Trên vùng tuổi đa đoan
Người về nghe những đa đoan
Trên vùng tuổi cưu mang
Ông suy ngẫm trên nền một triết lý rất cũ, nhưng ca từ ông gieo vào nhạc thì rất mới. Giống như vó ngựa già đã mỏi trong truyện ngắn nào đã đọc từ rất lâu. Một chiều thân ngựa gầy lên dốc, và rồi phải dừng lại nơi ấy, ngã quỵ không kịp một lời vĩnh biệt những cơn gió thảo nguyên miên man, những ngày tháng khi tiếng hí còn vọng vang vách núi. Từ Công Phụng khiến ta liên tưởng đến rất nhiều điều: đời sống, tình yêu và những nét đẹp bao dung của tình đời, khổ đau và phản trắc, cưu mang và tha thứ… Nhiều khi, nghe nhạc của ông, mỗi lần là cảm thức mỗi khác. Mới hơn ra và lớn lên thêm. Nhìn đời như nụ hồng nở mỗi sớm, nhưng những khoe sắc ấy, hương thơm ấy khó vĩnh cửu. Hữu hạn như một cơn gió thoảng qua dải thiên hà, như một lớp mỏng đá cuội rồi sẽ mòn dần bên bờ suối, trong cái vô hạn của hành tinh mà ta dạo qua, rồi sẽ bay đi, mãi mãi!
Với một bản khác, vốn là một tuyệt phẩm của Từ Công Phụng qua giọng của danh ca Tuấn Ngọc, bắt gặp cách dùng từ của ông, nhiều khi ngỡ ngàng bởi nét đẹp muôn trùng của những giọt nước mắt. Đó là khi ông viết:
Mưa âm thầm buổi chiều thổn thức
Sẽ nhạt nhòa từ ngàn năm nữa
Như em khóc hồn nhiên
(Mắt lệ cho người)
Những đau thương như không còn tồn tại, bởi sự hồn nhiên trong veo đến lạ kỳ gợn lên trong tiếng khóc. Phải là một trái tim nhạy cảm lắm mới thiết tha nhường ấy, bởi tìm thấy điều ấy quả không bao giờ dễ!
Hoặc, với một tuyệt phẩm khác, cái chới với nồng nàn và hụt hẫng đến miên viễn đã gieo vào bất cứ ai nghe đến và cảm thấy:
Với đôi tay theo thời gian tôi còn
Một trời mây lang thang
Một mình tôi lang thang
Lá vẫn rơi bên thềm vắng
Từng thu qua, từng thu qua võ vàng
(Giọt lệ cho ngàn sau)
Nghe nhạc Từ Công Phụng, nhiều khi bỗng như ngưng đọng ở câu trên, một lời thoại ngổn ngang chất ngất dâng đến cao trào và ngắt nhịp đột ngột, để rồi chuyển sang một hi vọng vỡ òa. Như đoạn điệp khúc sau đây trong bản Tuổi xa người:
Ngày đó khi một lần một lần tiếng hát
Đồng lõa đưa em vào vùng trời lấp lánh
Bằng những cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến
Rồi có lúc rợn ngợp muôn trùng như khi nghe bản Kiếp dã tràng của ông, người viết tưởng chừng như nghẹn ngào cho một kiếp người vốn dĩ:
Thời gian như ngừng trôi giữa chiều tàn tạ
Thầm gọi tên người đã vắng xa phương trời
Cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn người
Vào trùng dương khép kín u mê ngàn đời
… Còn rất nhiều nữa, khi một buổi sáng vội vã rời thành phố đi về một vùng xa của tỉnh Bình Thuận. 4 tiếng đồng hồ trên chiếc xe 16 chỗ phải ngồi bó gối, nhưng đủ để nghe trọn vẹn 2 đĩa nhạc với những bài bất hủ của ông. Ngỡ như thời gian chầm chậm trôi hơn một chút, mặc dù nhạc ông với ca từ như gióng giã, thúc giục những yêu thương. Vẫn thấy như ngoài kia mùa xuân sắp đến, với cơn gió se lạnh và sương núi phảng phất.
Để rồi buổi chiều ấy, cùng ngồi hát và cùng nghe bạn bè cất lên những khúc nhạc của ông, trong cái thinh không xào xạc những ngọn điều, để rồi những niềm vui, theo thời gian qua mau như ông từng viết:
Xin đỉnh yên bình
Một mùa xuân ôm kín khung trời
Để tuổi thơ thôi rã thôi rời
Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi
Để vòng tay khắc khoải ôm xuôi
Từng niềm vui bay theo biển gió
Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân!
(Mùa xuân trên đỉnh bình yên)
Có lẽ, với một đoạn đời lãng du khá dài, Từ Công Phụng đã tìm thấy những giọt lệ hồn nhiên, những niềm vui mặc khải, giữa muôn phần bộn bề của đời sống. Để bây giờ, khi nghe lại trọn vẹn nhiều ca khúc của ông, vẫn thấy nhất quán như lời ông nói trong một lần phỏng vấn trên Paris By Night, rằng “hãy yêu thương trong đời sống này, và xin hãy bao dung, tha thứ cho nhau…”.
Sài Gòn, những ngày cận Noel 2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.