Mấy mùa củi ướt ai về mà hong

12/07/2020 06:38 GMT+7

Sau những ngày mưa dầm tháng mười đằng đẵng, chỉ cần trời le lói chút nắng, má lại đem củi ra hong.

Những thanh củi dự trữ qua mùa, chỉ vừa kịp ráo lớp nước bên ngoài, bắt lửa thật chậm nên khói lên cay mắt. Và tôi đã mang theo hình ảnh chái bếp um um khói trong những ngày tháng mười ở làng để học cách nhẫn nại, trầm tĩnh hơn mà bước vào đời.
Má tôi kể rằng, khi xưa, làng có tên là Phú Xuân, vốn là một xóm của làng Cự Phú. Khoảng năm 1820 tên của xóm được đổi thành Phú Xuân, nay là xã Xuân Phước, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Các bậc tiền hiền đã đặt tên làng với mong muốn con cháu sau này an cư lạc nghiệp và ngày một vượng phát. Thế nhưng mảnh đất ở giữa miền Trung này luôn oằn mình gánh bao nhiêu trận lũ nên người dân quanh năm vẫn chân lấm tay bùn.
Tôi nhớ những năm tháng ấu thơ, tôi thường theo má đi gom củi khô bị trôi dạt trong mùa lũ trước neo lại bên khe suối để về chẻ ra chụm lửa. Với người dân quê tôi, gạo, muối và củi đốt là những vật quan trọng nhất cần phải dự trữ giáp năm, nhất là trong suốt mùa mưa và mùa đông kéo dài tới chạp. Quanh thềm nhà được đắp và ghè đất nổi, má cẩn thận chất từng lọn củi đã được cột gọn gàng. Dẫu cẩn thận là thế, song trong những trận mưa liên miên kéo dài, nước tạt qua mái tranh ướt bức vách đắp bằng đất bùn trộn rơm và ướt cả bao nhiêu củi khô mà má bỏ công dự trữ. Vậy nên chỉ cần trời hửng chút nắng, má hối mấy anh em đem củi ra phơi. Mỗi lần như thế, phải chực chờ nhìn trời. Tiết tháng mười ẩm ương mưa gió, nên cứ phải vội vã gom vào gom ra bao nhiêu bận.
Trong những ngày lụt chồng lụt, mưa triền miên nhão đất, má gom đám củi ướt chất dày quanh kiềng bếp để chụm hết lớp này thì lớp củi tiếp theo cũng được hong khô ít nhiều. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hân hoan của ngày xưa cũ, cảm giác ấm áp vô ngần khi rút từng thanh củi đã áp lửa trong lòng bàn tay, nghe hơi ấm nóng lan trên làn da, mặc cho gió mưa thét gào bên ngoài khung cửa. Vậy nên chỉ cần nhẫn nại, thì sau những sáng mai khói lên um thì suốt cả ngày còn lại, cả gian bếp sẽ ấm đượm bởi củi đã được hong hơi nóng, mau bén lửa và thi thoảng nổ bung tàn đỏ. Đêm nào trước khi đi ngủ, má cũng lấy lớp tro cũ, lấp lên đám than lửa. Những viên than từ củi chẻ rất chắc, lại được vùi tro bếp sẽ ấm nóng tới sáng hôm sau, thành ra mọi thứ trong gian bếp nhỏ cũng ấm sực và thơm mùi tro than rất đỗi yên bình. Có hôm hong được nhiều củi, má lấy sắp gọn một bên. Tôi thường ngồi mân mê đám củi ám đầy mùi khói ấy, cảm giác rất vững tâm hệt như người nông dân đã thu hết vụ mùa trước khi bão đến.
Cũng trong những ngày mưa dầm ấy, khi nồi cơm vừa kịp chín, má lấy những miếng cơm dừa trắng đã vùi muối trong chiếc thạp có nước men màu lam đổ sang xám cũ, nướng trên than lửa để ăn cùng cơm gạo đỏ. Chúng rất mặn nhưng lại có vị thơm và béo không thể tưởng. Thành ra, những ngày mưa dầm, bữa cơm dừa muối bên gian bếp ấm chất đầy củi lại rất chắc bụng, no lâu và ngon đến lạ kỳ. Hàng dừa trước ngõ bám rễ trên mảnh đất sỏi xen lẫn đất sét, thân dẫu cao chót vót và gầy guộc vẫn chắt chiu ra quả suốt bốn mùa. Chúng khô trên cây rồi rụng xuống trong một chiều gió nổi. Má gom hết lại, chặt ra đem ủ muối làm thức ăn trong mùa mưa vì mỗi bận lụt về, chợ họp theo phiên ba ngày một bữa và dẫu làng cách chợ chừng bốn cây số nhưng nước lên nhanh, con đường làng bị nhấn chìm trong mênh mang nước nên hầu như ai cũng phải ngồi nhà bất lực nhìn gió mưa quần vũ.
Mang theo bao nhiêu ký ức về những bữa cơm mặn đằm vị dừa muối nướng trong gian bếp nhỏ khói lên cay mắt, tám anh em chúng tôi lần lượt rời làng với bao nhiêu hoài bão. Giấc mơ chữ nghĩa công danh cùng với nỗi áo cơm và đường đời ẩn chìm bất trắc, đã xô dạt chúng tôi ngày một xa làng hơn. Cứ mỗi độ tháng mười, gọi về cho má, nghe tiếng mưa quất tơi bời bên mái hiên, nhớ dáng má tảo tần trở trăn đám củi ướt và nhớ quê đến nao lòng. Làng bây giờ đổi thay quá đỗi. Điện thắp sáng về và đường bê tông vào tận ngõ. Chỉ có má, dẫu con cái mua sắm nhiều tiện nghi nhưng vẫn giữ lại một gian bếp nhỏ nấu củi trên chiếc kiềng ba chân đã cũ. Chỉ có má vẫn cần mẫn trong khu vườn cây tạp gom những cành củi khô dự trữ quanh nhà. Mỗi khi về bên gian nhà cũ, được quẩn quanh hong củi, được ngồi bên má đợi nồi cơm đồng sôi tràn miệng bếp, nghe thoảng trong đêm gió lùa hun hút là mùi vách đất trộn bùn rơm ngái ẩm, chợt thấy lòng trong veo kỷ niệm...
Sau những ngày mưa dầm tháng mười đằng đẵng, chỉ cần trời le lói chút nắng, má lại đem củi ra hong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.