'Mây, hồ, tháp' - thêm một kiệt tác của Nabokov

17/01/2017 17:22 GMT+7

Chưa đầy 5 tháng sau khi phát hành Mỹ nhân Nga, quyển 1 trong bộ Tổng tập truyện ngắn Nabokov bao gồm tất cả 4 quyển, nhà xuất bản Văn học và Công ty Zenbook tiếp tục cho ra đời quyển 2 với tên Mây, hồ, tháp . Người dịch vẫn là dịch giả Thiên Lương.

Với một tác giả nổi tiếng là khó dịch như Nabokov, thì việc dịch xong 17 truyện ngắn và cho xuất bản thành một cuốn sách dày 320 trang chỉ trong vòng 5 tháng, là một nỗ lực rất lớn của nhà sách và dịch giả, đặc biệt nếu tính đến thời gian biên tập, xin giấy phép xuất bản và thủ tục in ấn rất chậm cuối năm, thì có lẽ dịch giả chỉ mất khoảng 3 tháng cho bản dịch phức tạp và dày dặn này.
Một nhà văn gây nhiều tranh cãi
Vladimir Nabokov, nhà văn Mỹ gốc Nga, vốn nổi tiếng là một nhà văn của các nhà văn, có danh tiếng ngang với các đại văn hào như Shakespeare, Lev Tolstoy, Dostoevski, Chekhov. Tuy nhiên, do cách tư duy hình ảnh và cách viết cầu kỳ, quý tộc, siêu văn bản, lại chịu ảnh hưởng từ tiếng Nga mẹ đẻ, nên văn chương của ông không dễ đọc với độc giả bình thường. Không ngẫu nhiên mà Edmun Wilson, một nhà phê bình văn chương nổi tiếng, từng nhận xét rằng Nabokov nhiều khi viết bằng một thứ tiếng không hẳn là tiếng Anh. Nhân thể: các cuộc bút chiến dữ dội giữa Nabokov và Edmund vừa được in thành sách (The Feud) và nhận được nhiều chú ý của độc giả Anh - Mỹ. Thực sự thì cách viết của Nabokov có lúc rất lãng mạn, dịu dàng, mềm mượt, lại có lúc khô khan, cứng rắn và hết sức tàn nhẫn. Phải đi cùng ông khá lâu thì độc giả mới bắt đầu bắt được mạch văn và khi đó thì họ sẽ bị chinh phục tuyệt đối.
Tuy nhiên, thời gian trả lời cho tất cả, Nabokov đã ghi danh vào lịch sử như một văn hào vĩ đại, còn Edmund thì chẳng còn được mấy ai nhớ đến.
“Mây, hồ, tháp” – thêm một kiệt tác của Nabokov 1
Trong Xuân Fialta, một trong các truyện ngắn được in trong Mây, hồ, tháp có một đoạn văn mà Nabokov viết về một nhà văn là chồng của cô gái tình nhân của người kể chuyện như sau:
Lúc tôi gặp y thì sách y đã nổi tiếng; nỗi hân hoan nông nổi mà thoạt đầu tôi cho phép mình khi đọc y, đã bị thay thế bằng cảm giác hơi ghê tởm. Khi y bắt đầu nghiệp viết thì xuyên qua các cửa sổ sơn phết thuộc thứ văn xuôi dị thường của y vẫn còn có thể nhận ra được khu vườn nào đó, bố cục lơ mơ quen thuộc nào đó của cây cối... nhưng sau mỗi năm thì nét vẽ trở nên mỗi lúc một dày đặc hơn, màu hồng và màu tía mỗi lúc một hăm dọa hơn; giờ thì đã chẳng còn thấy được gì qua tấm kính quý đáng sợ ấy nữa, và có cảm giác rằng nếu đập vỡ nó thì chỉ có một thứ duy nhất phang vào tâm hồn là màn đêm đen kịt và hoàn toàn trống rỗng. Nhưng y từng nguy hiểm làm sao trong thời sung sức của mình, từng phun những chất kịch độc nào, từng quất những nhát roi quyết liệt nào, nếu y bị đụng chạm đến! Sau khi cơn cuồng phong của y đi qua, y để lại sau mình một mặt nước phẳng lặng trơ trụi, nơi cây cối đổ rạp nằm bằng bặn, bụi còn cuồn cuộn, và người điểm sách hôm qua, tru lên vì đau, quay như con cù trong bụi.
Chính đoạn văn này khiến cho nhiều học giả cho rằng Nabokov đã châm biếm chính bản thân mình và cũng dự báo những cuộc bút chiến không khoan nhượng sau này giữa ông và nhiều nhà phê bình.
Những kiệt tác văn chương của Nabokov
Mặc dù được biết đến nhiều hơn với các tiểu thuyết, nhưng Nabokov cũng rất thành công trong địa hạt truyện ngắn. Trong hầu hết các bảng xếp hạng truyện ngắn Anh ngữ hay nhất, Nabokov luôn có vài tác phẩm ngự ngay chiếu trên, thậm chí hạng đầu. Và nếu như trong quyển 1 (Mỹ nhân Nga) đã có kiệt tác Dấu hiệu và Biểu hiệu, truyện ngắn luôn được xếp hạng đầu tiên trong các truyện ngắn Anh ngữ hay nhất lịch sử, thì trong quyển 2 (Mây, hồ, tháp) này, có Xuân Fialta cũng là một kiệt tác hết sức đặc biệt, luôn nhận được những đánh giá cao nhất của giới văn chương Anh Mỹ.
“Mây, hồ, tháp” – thêm một kiệt tác của Nabokov 2
Xuân Fialta được Vladimir Nabokov viết xong vào tháng 4.1936, đăng lần đầu trên tạp chí Sovremennie zapiski, số 61, tháng 7.1936, tại Paris; bản dịch tiếng Anh do Nabokov và Peter Pertzov thực hiện được in trong các tuyển tập Nine Stories, 1947 và Nabokov’s Dozen, 1958. Mặc dù bản dịch tiếng Anh (với cái tên Spring in Fialta) không còn giữ được nguyên vẹn chất văn ban đầu của tác giả, nhưng nó vẫn được coi là một trong các viên ngọc quý giá của văn chương Anh ngữ, đánh dấu sự chín muồi của tài năng Nabokov, với kỹ thuật viết đạt đến độ hoàn hảo và có thể nói Xuân Fialta, với cả độ dài của nó (hơn 10 ngàn âm tiết tiếng Việt) và cách xây dựng tuyến nhân vật, câu chuyện, các ẩn dụ, chất thơ,… đã vượt hẳn lên trên các truyện ngắn bình thường, có thể coi là một tiểu thuyết ngắn của Nabokov.
Mây, hồ, tháp - truyện ngắn được dịch giả chọn làm tên cho cả cuốn sách, cũng là một tác phẩm hết sức đặc biệt. Mặc dù ai cũng biết sự ác cảm của Vladimir Nabokov với Freud, tuy nhiên các biểu tượng trong truyện ngắn này lại rất đậm chất phân tâm học và ẩn dưới bề ngoài khiêm nhường của một câu chuyện buồn thương về cảnh đời một người lưu vong trong chuyến đi giữa những kẻ xa lạ nơi đất khách quê người, lại là những điều lớn lao hơn rất nhiều, bao trùm thân phận con người nói chung chứ không riêng một mình ai.
Những câu chuyện bên ngoài tác phẩm luôn là điều khiến cho một tác phẩm văn chương thực sự có được khác biệt với vô số truyện ngắn, truyện dài tầm thường khác. Và Vladimir Nabokov là một thiên tài trong việc tạo dựng quanh tác phẩm của mình những thế giới cảm xúc lớn hơn nhiều so với những gì độc giả bình thường nhìn thấy.
Khó đọc và đương nhiên là khó dịch, các kiệt tác của Nabokov đều rất vất vả mới tìm được đường đến độc giả của các nước không nói tiếng Anh. Tuy nhiên, những văn hào vĩ đại như ông cần được đọc và nghiên cứu kỹ ở mọi nơi, vẻ đẹp từ thế giới của họ sẽ làm cho người ta thấy được những tầng cao hơn, những vách núi kỳ vĩ hơn, những vực sâu hơn của cảm xúc, và làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.