Mất tiền, gặp rắc rối vì 'quên' bản quyền

Dạ Ly
Dạ Ly
12/09/2019 09:54 GMT+7

Không chỉ phim Ngôi nhà bươm bướm gặp rắc rối, mà cách đây không lâu, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) đã gửi văn bản “cảnh báo” đến đơn vị sản xuất phim: Cả một đời ân oán, Quỳnh Búp bê... cùng hàng loạt live show đã vi phạm bản quyền.

Sự nhầm lẫn tai hại

Nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm lẽ ra chỉ cần dành ít thời gian tìm hiểu kỹ hơn về luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) hẳn đã không phải rơi vào tình huống bị kiện tụng từ nhạc sĩ, ca sĩ. Ê kíp phim vẫn nghĩ họ sử dụng sản phẩm âm nhạc (bản thu âm ca khúc Mãi mãi bên nhau của Noo Phước Thịnh và Taxi, Đường cong của Thu Minh) chỉ cần xin phép tác giả ca khúc thông qua VCPMC. Dù đã đóng 66 triệu cho VCPMC, nhưng Ngôi nhà bươm bướm đã vi phạm quy định về quyền liên quan trong phần quyền tác giả của luật SHTT. Nếu hiểu hơn về luật và liên hệ đàm phán cùng ca sĩ, nhạc sĩ thì nhà sản xuất không phải mất hàng trăm triệu đồng để gỡ bỏ nhạc, chỉnh sửa lại phim đã phát hành toàn quốc; xin lỗi ca sĩ, nhạc sĩ hay đứng trước nguy cơ đền bù 500 triệu đồng cho ca sĩ Noo Phước Thịnh theo văn bản yêu cầu.

... Ngôi nhà bươm bướm gặp nhiều rắc rối do vi phạm quyền tác giả

ẢNH: VFC

Trước đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng từng cầu cứu VCPMC nhờ khiếu nại trường hợp bài Nhật ký của mẹ của anh được sử dụng trong phim Quỳnh Búp bê (tập 19) mà không ai đả động gì đến nhạc sĩ. Sau khi nhận thông tin, đơn vị làm phim (VFC - Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN) đã có văn bản xin lỗi nhạc sĩ. Cũng theo văn bản từ VCPMC gửi VFC, phim Quỳnh Búp bê còn có bài Nối vòng tay lớn được sử dụng (tập 19) mà nhà sản xuất “quên” xin phép. Phim Cả một đời ân oán có bài Gọi nắng (tập 64), Tuổi đá buồn (tập 65)..., ê kíp cũng “quên” bản quyền.

“Quên” bản quyền trong live show, MV

Hơn một tháng trước đây, VCPMC cũng đã có thông báo về tình trạng vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc trong một số live show, chương trình ở lĩnh vực biểu diễn. Tất cả vụ việc đã khởi kiện ra tòa án nhưng đến nay vẫn chưa được xét xử. Chẳng hạn như live concert Trăm năm không quên (2017, tại TP.HCM), liveshow Một thưở yêu người (2018, tại TP.HCM), Như một lời chia tay (2018, tại Đà Nẵng), Tôi yêu (2018, tại Hà Nội)... Dù đã nhiều lần VCPMC lên tiếng cảnh báo nhưng đến nay số lượng chương trình xâm phạm quyền tác giả lên tới hàng trăm. Nhiều trường hợp vi phạm đã được kiểm tra, xử lý, tuy nhiên tình trạng “quên” bản quyền vẫn tiếp diễn. Thực tế nhà quản lý, tác giả, ca sĩ, nhạc sĩ khó phát hiện cho đến khi sự việc đã diễn ra. Hệ lụy dẫn đến là mất tiền, mất tình cảm (nghệ sĩ trong nghề), mất thời gian, công sức kiện tụng...
Như ca sĩ Noo Phước Thịnh, chỉ vì một chút bất cẩn để MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi phải gỡ bỏ khỏi YouTube do ê kíp đã sử dụng một đoạn nhạc ở cuối MV mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền ca khúc The way (nhạc sĩ Mỹ Zack Hemsey, được Công ty Epic Elite mua độc quyền). Không chỉ mất 200 triệu khi phải gỡ khỏi YouTube, chỉnh sửa lại, ê kíp Noo còn đối diện vụ kiện đòi bồi thường 850 triệu đồng từ phía nhạc sĩ Zack Hemsey. Ca sĩ Bảo Anh cùng ê kíp cũng từng gỡ MV Sống xa anh chẳng dễ dàng khỏi YouTube để ghi thêm nguồn trích đoạn nhạc và lời cảm ơn đến nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent. Mỹ Tâm trước đó cũng gỡ MV Anh thì không sau khi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lên tiếng MV vi phạm tác quyền khi không xin phép, không ghi tên ông là tác giả lời Việt ca khúc nhạc Pháp này. Ca sĩ Quang Hà cũng gỡ MV Ai rồi cũng sẽ khác khỏi YouTube vì bị nghi “đạo” nhạc giống bài Day by day của nhóm T-Ara (Hàn Quốc).
Một ca sĩ nổi tiếng nhấn mạnh tình trạng vi phạm bản quyền, quyền liên quan trong tác quyền đang khá phổ biến, gây thiệt hại cho rất nhiều người. Cần phải làm cho ra lẽ, không nên để sự việc trôi qua vì đây còn là bài học cho những người đi sau.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, cho rằng: “Trước khi sử dụng bài hát làm nhạc phim cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan). Trường hợp sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc: Theo khoản 3, điều 20 luật SHTT, nhà sản xuất cần phải xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả, đồng tác giả, những người sáng tạo ra tác phẩm… Nếu tác giả đã ký ủy quyền để VCPMC quản lý, cấp phép thì liên hệ VCPMC thực hiện. Trường hợp sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình: Ngoài việc thực hiện quy định về quyền tác giả theo điều 20 luật SHTT, tương ứng với mỗi sản phẩm âm nhạc và hình thức sử dụng, còn cần phải tìm hiểu để thực hiện nghĩa vụ theo điều 29 (quyền của người biểu diễn), điều 30 (quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình), điều 31 (quyền của tổ chức phát sóng) trong việc xin phép và trả tiền thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu các quyền liên quan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.