Mang hoang dã Sơn Trà vào phòng khách

19/04/2020 09:48 GMT+7

Lydie Vander Beeken, nhà sáng lập tổ chức Heart for primates, giới thiệu ấn phẩm mới nhất Sơn Trà - Rừng trong phố biển của nhà văn Vĩnh Quyền với tiêu đề “quyển sách mang hoang dã Sơn Trà vào phòng khách bạn”.

Không chỉ phòng khách, cuốn bút ký và ảnh mang “hoang dã” vào tận lòng tôi, một người đàn bà sống đời chật hẹp trong bếp nhà, sau ngưỡng cửa. Lần này cả nhà báo - nhà nhiếp ảnh trong nhà văn Vĩnh Quyền đồng loạt ngất ngây như bị ám bởi vẻ đẹp của đàn voọc vá chân nâu, vẻ mỹ miều của hơn trăm loài chim, có những cánh chim băng ngàn dặm bay từ Bắc Á, Đông Á về Sơn Trà trú đông. Với máy ảnh, đôi mắt tâm hồn tinh tế, trái tim rung động sâu sắc trước thiên nhiên, mỗi bức ảnh của Vĩnh Quyền là một tác phẩm.
Người đọc được “gặp” cô voọc trẻ bình yên trong vòng tay tin cậy của chồng. Gia đình voọc hạnh phúc bên nhau; vũ điệu trên không khi chúng chuyền cành; gương mặt trầm tư, gai góc của đại đế chân nâu... Chúng xứng đáng được phong “Nữ hoàng linh trưởng” với bộ cánh năm màu ấy, với đôi mắt đen láy lóng lánh in bóng Sơn Trà. Ngắm vẻ đẹp, sắc thái biểu cảm hạnh phúc, buồn lo của chúng để nhận ra rằng trái đất này là của muôn loài. Mỗi loài mang một vẻ đẹp khác biệt và chúng có quyền được sống, được hạnh phúc trong ngôi nhà chung trái đất.
Đất lành chim đậu. Sơn Trà có 104 loài chim vừa bản địa, vừa di trú. Có những đôi cánh mỏng manh vượt ngàn dặm bay đến Sơn Trà trốn tuyết và rời đi khi mùa xuân đến để lại nỗi buồn tạm biệt. Những lúc như thế, ngôn ngữ nhà văn hỗ trợ nhà nhiếp ảnh: “Tuần cuối mùa chim di trú, tôi đánh bạn với một Oanh họng đỏ... Sau vài ngày quen hơi, chỉ cần nghe bước chân tôi, nó đã ló ra từ bụi sim rậm. Chưa bao giờ tôi chụp ảnh chim trời với khoảng cách gần gũi như thế... Ngày cuối năm âm lịch, Oanh quay về cố xứ, nơi mùa xuân đang đến, để lại khoảng trống nơi rừng sim Sơn Trà và cả trong lòng tôi...” (tr.108, 109). Rồi từ cuối tháng ba đến trung tuần tháng năm mỗi năm, Sơn Trà vào mùa hoa rừng, bày đại tiệc màu sắc đẹp đến nỗi “ảnh không cất chứa được hết mà cần thêm chữ”, nhà văn viết.
Những ngày cõi người xôn xao vì vi rút SARS-CoV-2, ngột ngạt trong khẩu trang thì ông vẫn chiếc mô tô, máy ảnh, hít thở bầu không khí trong lành, ghi nhận những khoảnh khắc tuyệt đẹp và nắm bắt sắc thái của các loài chim. Sẻ bụi mái giữa hai cơn mưa núi, phấn khích xòe cánh, rướn thân, đẹp như vũ nữ trời xanh. Hơn nghìn shot trong một tuần để được bức ảnh chim hút mật bên cành vọng cách, cánh xòe, chân duỗi, mỏ hôn hoa... Chỉ tình yêu mới thấu hết vẻ đẹp. Chỉ nghệ thuật mới lưu giữ được vẻ đẹp của những khoảnh khắc. Tôi cho là thế.
Mỗi nhà văn thông qua tác phẩm chuyển tải thông điệp của mình. Người đọc sẽ nảy sinh lòng yêu thương muông thú, muốn bảo vệ chúng khi đọc Sơn Trà - Rừng trong phố biển, như Lydie đã viết: “Cuốn sách này làm chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần bảo toàn tình trạng nguyên sơ của Sơn Trà. Nếu mảng rừng tuyệt đẹp này bị hủy hoại, thiệt hại sẽ không thể bù đắp... Thay mặt những người yêu linh trưởng trên thế giới, tôi cảm ơn Vĩnh Quyền, cùng những người như ông, vì những nỗ lực gìn giữ từng chút một cho thiên nhiên, là ngôi nhà và cũng là vườn địa đàng của linh trưởng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.