Lưu Quang Vũ mãi trong cõi nhớ

21/08/2018 07:32 GMT+7

Sáng 20.8, tại hội thảo nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức tại Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình sân khấu, cho rằng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã trở thành một hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới.

Nhờ những kịch bản nồng nhiệt và đầy tính khai phá hiện thực, ông vực dậy cả một nền sân khấu đang khủng hoảng người xem. Đến mức, theo bà Thái: “Hầu như, khi sinh thời của Lưu Quang Vũ, trong hơn 100 nhà hát và đơn vị sân khấu toàn quốc, không một nơi nào lại không dựng kịch và ham muốn dựng kịch của Lưu Quang Vũ...”.
PGS Tất Thắng, nhà phê bình sân khấu, lại nói đến việc nhân dân đã ưa thích kịch Lưu Quang Vũ đến đâu. Bao vở diễn đã đi vào lòng nhân dân với những cốt chuyện đầy bất ngờ và lo âu, với những màn lớp sinh động, những đối thoại giàu chất văn học và tính triết lý có giá trị đến tận giờ. Cũng nhờ những kịch bản như thế, Lưu Quang Vũ tạo ra được cơ hội lớn cho cả các đạo diễn lẫn diễn viên. Hầu hết các đạo diễn nổi tiếng khi đó đều dựng kịch của ông: Dương Ngọc Đức, Đình Quang, Đoàn Anh Thắng, Hoàng Quân Tạo, Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành. Nhiều diễn viên đã nổi tiếng hoặc nổi tiếng thêm, đã được khẳng định hoặc khẳng định thêm vì diễn kịch của Lưu Quang Vũ. Đó là những: Trần Kiếm vai ông Quých trong Tôi và chúng ta, Lâm Bằng vai nàng Si Ta, Trần Tiến vai Đế Thích, Trọng Khôi vai ông Trương Ba...
NSND Doãn Châu lại vẫn thương mãi số phận lận đận của nhiều vở diễn Lưu Quang Vũ. “Kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt ra đời năm 1982. Ai đọc cũng thích nhưng chỉ vì không được cấp trên thông qua về nội dung nên phải 5 năm sau nó mới được dàn dựng trên Sân khấu Nhà hát kịch VN. Và nếu nhân dân ủng hộ, khen ngợi vở diễn bao nhiêu thì vở diễn cũng bị quy chụp bấy nhiêu. Nó có quá nhiều chi tiết phanh phui những tiêu cực của xã hội đương thời. Sau này, Tôi và chúng ta rồi Khoảnh khắc và vô tận cũng vất vả mới ra đời được. Qua đó, Lưu Quang Vũ đã đánh thẳng vào cơ chế “cha chung không ai khóc” của thời kỳ bao cấp”.
Nhà văn Ngô Thảo nhắc tới lời thơ đầy hoài nghi của ông Vũ trước khi mất: “Như tia nắng, chúng mình không còn mãi/Những câu thơ chắc gì ai đọc lại”. Nhưng giờ đây, hội thảo sau 30 năm tác giả qua đời đã cho thấy ông vẫn là Người trong cõi nhớ của những người từng chạm vào sân khấu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.