Luật sư Thái Văn Lung - chí người trượng phu

23/09/2021 06:34 GMT+7

Được tin luật sư Thái Văn Lung hy sinh, báo Cứu Quốc đã đưa tin: “Một cái tang đau đớn cho quân đội Việt Nam, cho Quốc hội, cho giới trí thức và cho toàn quốc đồng bào, ông Albert Thái Văn Lung đã bỏ mình vì nước”.

Độc lập hay là chết

Ngay sáng 23.9.1945, trong lúc lực lượng của quân thù còn đang bắn phá, tranh chiếm ở khu vực dinh Đốc Lý (xã Tây), tại căn nhà số 269 đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Q.5), Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam bộ đã tổ chức cuộc họp để đi đến hành động có tính chất sống còn trước vận mệnh đất nước. Tham dự hội nghị có các ông: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng... Đại diện Thường vụ T.Ư Đảng và Tổng bộ Việt Minh là ông Hoàng Quốc Việt.
Hội nghị có hai ý kiến trái ngược nhau được đưa ra bàn luận rất gay gắt. Một bên do ông Trần Văn Giàu chủ trương đánh ngay; một bên muốn chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác để chờ lệnh của T.Ư. Bên ngoài nhiều đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn tập hợp thể hiện khí thế quyết tâm “xin cho đánh”. Sau hai giờ bàn bạc căng thẳng, ý kiến cuối cùng là “đánh ngay” và phải lập tức báo cáo lên T.Ư.
Sau hội nghị, khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và cả Nam bộ, hàng ngàn công nhân, viên chức, thanh niên phát lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu:
“Đồng bào Nam bộ,
Nhân dân thành phố Sài Gòn,
Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!
Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 2.9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Độc lập hay là chết!
Hôm nay,
Ủy ban Kháng chiến kêu gọi tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Chí người trượng phu

Trong quyển Variétés du maquis của luật sư Phạm Ngọc Thuần xuất bản năm 1946, có bài thơ Bó hoa hồng (Gerbes) viết ngày 8.7.1946 với lời đề: “Tặng anh Thái Văn Lung
thân mến” bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa và thương tiếc sự ra đi của ông. Bài thơ đã được bà Hồng Hy (tức Phạm Thị Nhiệm) dịch có đoạn:
“Mạng tuy yểu, anh là bất tử/Bạn đồng liêu tưởng nhớ không nguôi/Lời xưa nung nấu sục sôi/Ghi vào tấc dạ, chí người trượng phu”.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên trong Chính phủ lâm thời
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một người anh gần gũi luật sư Thái Văn Lung, đã viết về ông: “Ai đã sống gần anh Thái Văn Lung sẽ không bao giờ quên được nụ cười yêu đời, cặp mắt hóm hỉnh dưới đôi kính cận thị, và nhất là thái độ niềm nở ân cần đối với mọi người của anh”.
Bác sĩ Thạch cho biết về gia thế của luật sư Lung: Con một kỹ sư có quốc tịch Pháp. Thái Văn Lung học bên Pháp từ khi còn nhỏ tới lớn. Sau khi đậu cử nhân luật ở Paris, năm 21 tuổi, vì có quốc tịch Pháp ông về Sài Gòn đi lính. Một thời gian ngắn ở trong hàng ngũ quân đội thực dân Pháp, Thái Văn Lung đã thấy rõ bộ mặt thật của chế độ thuộc địa. Ông thấy không thể tách mình ra khỏi cái nhục mất nước chung của dân tộc. Năm 1941, Thái Văn Lung được giải ngũ và với bằng cử nhân luật hạng giỏi, ông làm tập sự trạng sư rồi thành trạng sư chính thức tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Hành nghề luật, ông tiếp xúc nhiều với dân nghèo hằng ngày, thông hiểu những nỗi khổ cực của họ khi bị chà đạp, áp bức, ông đứng ra bênh vực.
Với trái tim yêu nước, khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tổ chức phong trào Thanh niên Tiền phong, luật sư Thái Văn Lung tham gia và trở thành một trong những thủ lĩnh thanh niên, góp phần giành chính quyền tại Sài Gòn (25.8.1945).
Ngày 23.9.1945, thực dân Pháp gây hấn, trở lại xâm lược, chiếm Sài Gòn. Cùng với bạn chiến đấu là luật sư Phạm Ngọc Thuần, luật sư Thái Văn Lung đã bị Pháp bắt. Bất chấp sự mua chuộc của bọn thực dân, hai ông đã tìm cách trốn ra chiến khu tiếp tục cùng nhân dân kháng chiến ở Thủ Đức. Không lung lạc được Thái Văn Lung, bọn thực dân tuyên bố sẽ thủ tiêu ông ngay sau khi bắt được.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn cho biết: “Giặc gây hấn tại Sài Gòn hôm 23.9.1945, anh cầm ngay lấy súng chiến đấu. (…) Trấn thủ mặt trận Thủ Đức, bộ đội của anh đã đánh nhiều trận phục kích làm quân đội thực dân tả tơi, không dám ra khỏi thị trấn ban đêm”.
Là quân nhân cách mạng, luật sư Thái Văn Lung đã đem đại đội gia nhập vào Chi đội 6 đóng ở An Phú Đông. Tư lệnh Nam bộ Nguyễn Bình biết tài và đức của ông đã mời về chiến khu Ð vừa mới thành lập. Nhận lệnh xong từ Tư lệnh Nguyễn Bình, Thái Văn Lung lại kiên quyết xin về Sài Gòn để cùng chiến đấu sống chết với bộ đội của mình.
Ngày 1.7.1946, thực dân Pháp mở một trận càn quét vùng Thủ Đức đã bao vây và bắt được Thái Văn Lung. Sau những đòn tra tấn tàn bạo mà không lấy được bí mật quân sự nào, luật sư Thái Văn Lung trút hơi thở cuối cùng ngày 2.7.1946. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bảng vàng danh dự truy phong hàm đại tá cho ông Thái Văn Lung. (còn tiếp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.