Luật đấu giá 'gỡ rối' thị trường mỹ thuật

04/07/2017 07:55 GMT+7

Luật Đấu giá tài sản 2016 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7. Từ đây, những vấn đề rối bời đang tồn tại trong thị trường đấu giá các tác phẩm mỹ thuật còn non trẻ tại VN sẽ có căn cứ để tháo gỡ.

Gỡ rủi ro cho người mua đấu giá
Các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật Việt diễn ra tại các nhà đấu giá ở Hà Nội và TP.HCM thời gian qua đã cho thấy những tín hiệu khả quan cho việc hình thành một thị trường đấu giá mỹ thuật trong nước. Không chỉ khách mua là người nước ngoài, đã có khách Việt dám chi từ vài ngàn tới hàng chục ngàn USD để sở hữu một bức tranh, hoặc một món đồ nghệ thuật.
Song do còn quá non trẻ, các phiên đấu giá không tránh khỏi các sự cố “dở khóc dở cười” như: đấu giá thành công nhưng người mua “chạy mất”, không chịu trả tiền, họa sĩ bất bình đòi lại tranh sau khi đấu giá, một số bức tranh bị nghi là giả, nhái... Những thông tin trên khiến người yêu mỹ thuật Việt không khỏi ngần ngại, e dè, không dám chi tiền ra mua tác phẩm mà mình yêu thích.
Tuy nhiên, giờ đây với những quy định trong luật Đấu giá tài sản 2016, cả người mua, người bán và nhà đấu giá đều được phân chia những quyền lợi và trách nhiệm cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi bên.
Bức tranh sơn dầu Nhà văn Hemingway (họa sĩ Chóe) đã bán đấu giá thành công với 3.700 USD tại phiên đấu giá của Lythi Auction vào ngày 27.5 tại TP.HCM. Ảnh: Lucy Nguyễn
Điều được các chủ tranh chú ý nhất là quy định người có tranh muốn đấu giá sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với sàn đấu giá. Trước đây, các họa sĩ, các chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật và nhà đấu giá chỉ “cam kết miệng” nên dẫn đến trường hợp tranh đã được bán mà họa sĩ vẫn không nhận được tiền mà không biết quy trách nhiệm cho ai, phải tự mình vất vả đi đòi như họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan hồi tháng 5.2017 vừa qua. Họa sĩ Bùi Thanh Tâm - người từng có nhiều tranh bán tại các triển lãm ở nhiều nước, cho rằng: “Việc ký hợp đồng chi tiết theo nguyên tắc quốc tế rõ ràng sẽ có lợi cho cả hai bên. Hai bên đều có quyền hủy hợp đồng nếu một bên vi phạm những điều khoản trong hợp đồng”.
Một điều quan trọng nữa cũng đã được ghi rõ trong luật là khoản tiền đặt trước (người tham gia đấu giá phải đặt cọc tối thiểu 5% và tối đa 20% giá khởi điểm cho tài sản đấu giá). Điều này sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng người mua trả giá theo hứng rồi “xù” sau khi đấu giá thành công mà nhà đấu giá không làm gì được. Ông Vũ Tuấn Anh - đại diện nhà đấu giá Chọn Auction, cho biết trước đây Chọn thường quy định tiền đặt cọc từ 15 - 25 triệu đồng/người tùy từng phiên đấu giá. Tuy nhiên, nay áp dụng luật đấu giá tài sản sẽ điều chỉnh lại khoản tiền đặt cọc. Ông Tuấn Anh cũng cho biết khoản tiền đặt cọc sẽ được trả lại cho người tham gia đấu giá không thành công trong vòng từ 24 - 48 giờ sau khi phiên đấu giá kết thúc.
Tình trạng một số phiên đấu giá tranh cấp tập trưng bày và đấu giá trong cùng một ngày sẽ phải thay đổi. Theo quy định tại khoản 1 điều 36, nhà đấu giá phải cho người mua được trực tiếp xem tác phẩm liên tục ít nhất trong 2 ngày, và phải ghi rõ tên người có tài sản đấu giá cũng như thông tin về tài sản đó. Đồng thời, người mua có quyền yêu cầu nhà đấu giá cho xem các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và các tài liệu liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật mà họ định mua.
Chưa ràng buộc trách nhiệm nhà đấu giá
Tuy nhiên, luật Đấu giá tài sản 2016 vẫn chưa quy nhiều trách nhiệm cho các đơn vị đấu giá khi không buộc họ chịu trách nhiệm về giá trị và chất lượng của tài sản đấu giá. Theo luật, người tham gia đấu giá phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đấu giá các bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng và quyền được bán tài sản theo quy định pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó. Nhà đấu giá phải có trách nhiệm kiểm tra các thông tin đó, nhưng không chịu trách nhiệm về giá trị và chất lượng của tác phẩm đấu giá. Vì vậy, tranh giả hay thật, có đủ quyền sở hữu được bán đấu giá hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào người bán và khả năng thẩm định của người mua. Như thế rủi ro mua phải tranh giả, tranh chưa rõ nguồn gốc vẫn còn đó.
Về vấn đề này, cô Lý Bích Ngọc - đại diện nhà đấu giá Lythi, cho rằng nhà đấu giá, ngoài việc phải là một nhà môi giới nghệ thuật, còn phải là một chuyên gia thẩm định nghệ thuật. Còn theo ông Vũ Tuấn Anh, nhà đấu giá phải có trách nhiệm liên đới và hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp.
Nên tham khảo luật nước ngoài
Các hoạt động đấu giá tranh tại VN từ trước tới nay vẫn là tự phát, manh mún. Luật Đấu giá tài sản 2016 được áp dụng sẽ có tác động tích cực tới thị trường. Tuy nhiên, riêng đấu giá tranh, VN cần phải tham chiếu luật nước ngoài, đồng thời cũng cần cử người đi tham khảo, học tập tại các phiên đấu giá của London, Anh, Singapore... vì các nước này đã xây dựng nền tảng luật pháp về đấu giá tác phẩm nghệ thuật rất bài bản và lâu đời.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.