'Lớp' đào tạo khán giả nhí

Ngọc An
Ngọc An
04/05/2021 06:17 GMT+7

Trong buổi workshop Chu du trong thế giới nghệ thuật vừa diễn ra ở Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội), những bạn nhỏ ở độ tuổi 6 - 12 được họa sĩ Nguyễn Thanh Nhàn, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong giáo dục nghệ thuật cho trẻ em, đưa dạo quanh không gian trưng bày những tác phẩm đã được số hóa của danh họa Claude Monet.

Những câu chuyện xung quanh các kiệt tác của họa sĩ nổi tiếng người Pháp cũng như cuộc sống, thời đại của ông được kể theo một cách gần gũi và dễ hiểu. Không dừng lại ở việc xem - nghe, những bạn nhỏ còn được tự sáng tạo “tác phẩm” cá nhân lấy cảm hứng từ tác phẩm Cây cầu qua hồ súng nước của Claude Monet. Trước đó, từ cuối 2019, VCCA cũng đưa ra những buổi workshop miễn phí về sáng tạo truyện tranh hay tổ chức hòa nhạc dành cho các bạn nhỏ.
Triển lãm nghệ thuật đương đại Gió đầu mùa giới thiệu tác phẩm của những nghệ sĩ như Nguyễn Thế Sơn, Lê Giang, Phạm Ngọc Hà Ninh, Phạm Khắc Quang, Trịnh Minh Tiến... đã được tổ chức tại một trường học liên cấp ở Hà Nội vào đầu năm nay. Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, trường học cũng là nơi diễn ra sự kiện muốn học sinh có cái nhìn tổng thể về nghệ thuật đương đại, để hiểu nghệ thuật đương đại không chỉ có vẽ mà còn có video, nhiếp ảnh hay đồ họa...
Những “lớp” đào tạo khán giả nhí cho nghệ thuật đang được thực hiện theo nhiều hình thức, ở những không gian khác nhau. “Trẻ con có cách nghe nhạc riêng và có thể tiếp nhận âm nhạc tốt nhất khi được nghe một cách tự nhiên”, nghệ sĩ piano Trang Trịnh chia sẻ. Chị cũng là người đứng ra xây dựng chuỗi chương trình hòa nhạc dành cho khán giả nhí (từ sơ sinh trở lên) bắt đầu từ năm 2018. Ở những buổi hòa nhạc đó, những bạn nhỏ có thể thoải mái “nằm, ngồi, trườn, bò” cùng với bố mẹ, người thân để nghe âm thanh của các loại nhạc cụ đa dạng khác nhau.
Mặc dù đã có nhưng những “lớp” như vậy còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhìn nhận ở VN hiện tại, những “lớp học” ngay tại các bảo tàng còn quá thiếu. Anh cho rằng nhiều bảo tàng trên thế giới miễn phí cho học sinh và có sự liên kết chặt chẽ với các trường học ngay từ mẫu giáo. “Đi bảo tàng đã trở thành kỹ năng phổ biến đến bình thường ở nhiều nền giáo dục trên thế giới. Còn ở VN, việc học trong bảo tàng còn yếu ở hệ thống giáo dục công lập. Không ít sinh viên đại học còn mơ hồ về nghệ thuật và nhiều người gần như chưa bao giờ bước chân vào bảo tàng nghệ thuật”.
Khi kinh tế sáng tạo đang là xu thế toàn cầu và tạo ra nhiều giá trị, VN cần chú ý phát triển nền kinh tế này. “Để có được nền kinh tế sáng tạo, chúng ta cần những đứa trẻ sáng tạo. Và để có được điều đó, phải bắt đầu từ giáo dục về sáng tạo cho con trẻ”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.