Loay hoay tìm lễ phục

30/09/2015 07:35 GMT+7

(TNO) Tại một hội thảo diễn ra ngày 29.9, ông Vi Kiến Thành cho biết, ngành văn hóa sẽ chuyển hướng tìm lễ phục do từ thấp lên cao không thống nhất nổi quan điểm.

(TNO) Tại một hội thảo diễn ra ngày 29.9, ông Vi Kiến Thành cho biết, ngành văn hóa sẽ chuyển hướng tìm lễ phục do từ thấp lên cao không thống nhất nổi quan điểm.

Le-phuc1Áo dài được xem là lựa chọn hàng đầu cho trang phục nữ làm lễ phục - Ảnh: NTK Thương Huyền cung cấp

Cuộc phát động tìm kiếm lễ phục đã bắt đầu từ 2014 cho tới nay vẫn tiếp tục bế tắc. “Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đã tuyển chọn, tiến hành tương đối bài bản. Chúng tôi cũng đã tổ chức hội thảo khoa học ở cả 3 miền để thống nhất tiêu trí lễ phục. Nhưng cả 3 hội thảo đều không đi đến kết quả thống nhất chung”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ VH - TT - DL nói.

Trên thực tế, sau khi tổ chức hội thảo, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cũng đã mời các nhà thiết kế cùng chung tay tìm lễ phục. Lễ phục này sẽ được các Đại sứ Việt Nam sử dụng trong các dịp trình quốc thư cũng như các lãnh đạo cấp cao dùng trong dịp quan trọng. “Chúng tôi cũng đã mời Sĩ Hoàng, Minh Hạnh, Lan Hương, cả thẩy 15 nhà thiết kế mà vẫn không đi đến đâu”, ông Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, điều quan trọng nhất là cho tới nay chúng ta vẫn bế tắc vì không có quan điểm chung đồng thuận từ trên xuống dưới về lễ phục. Ngay cả khi thiết kế được đưa ra thì mỗi lãnh đạo cũng có một quan điểm khác nhau.
“50% bảo là comple cải tiến. Số còn lại 50% bảo thích áo dài truyền thống cải tiến. Những người sắp sử dụng là lãnh đạo cũng đã không có đồng thuận cao. Chúng tôi cũng đã may thử 3 bộ theo hướng là comple cải tiến, nhưng mặc lên thấy không ổn”, ông Thành cho biết.
Chính vì thế, theo ông Thành, đường thẳng không thành thì việc tìm lễ phục sẽ chuyển theo đường vòng. Nghĩa là vận động người dân mặc trước một số bộ trang phục trong dịp trang trọng, sau đó nếu nó lan rộng rồi thì sẽ chọn lấy bộ nào được sử dụng nhiều nhất. “Chúng ta sẽ vận động từ dưới lên chứ không theo hướng từ trên xuống, theo mệnh lệnh hành chính nữa”, ông nói.
“Ý kiến cá nhân tôi là nên có 2 bộ lễ phục. Một là bộ comple, hai là áo dài truyền thống cải tiến một chút. Tùy theo mà sử dụng cho nhiều văn cảnh khác nhau. Chứ bây giờ chốt hẳn áo dài truyền thống sẽ khó cho hoàn cảnh nào đấy”, ông nói.
Le-phucHọa sĩ Thu Hà giới thiệu trang phục nam truyền thống qua nhiều thời kỳ - Ảnh: Thế Hiệp
Do chọn đi đường vòng là tạo đồng thuận người dân trước, nên theo ông Thành, việc chốt lễ phục sẽ phải rất lâu mới xong. “Nếu làm theo kiểu mệnh lệnh hành chính thì rất dễ. Chúng ta trao quyền cho ai đó, người đó quyết định luôn rất dễ, thậm chí chỉ 1 tuần sau là có văn bản ngay. Nhưng chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nên phải chấp nhận dân chủ, không thể độc đoán được”, ông nói
“Tôi nghĩ việc tìm quốc hoa đã thành công bằng hình thức tạo ra một dư luận xã hội để đi đến kết quả. Chúng ta cũng không có văn bản công nhận chính thức hoa sen là quốc hoa Việt Nam. Vì thế, tìm lễ phục cũng sẽ đi theo hướng đó”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.